Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc các nhà trường thiếu nhân viên y tế liệu công tác phòng chống dịch trong môi trường học đường sẽ như thế nào?
"Dịch bệnh thì đang diễn biến phức tạp, học sinh thì sắp đi học lại - vậy mà cô nhân viên y tế của trường tôi lại xin nghỉ việc. Mấy ngày nay chúng tôi dò hỏi, mời gọi... khắp nơi nhưng vẫn không tuyển được người mới" - hiệu trưởng một trường THCS nổi tiếng ở TP.HCM tâm sự.
Theo lời kể của thầy hiệu trưởng, cô nhân viên y tế học đường này đã bền bỉ làm việc 20 năm nay tại ngôi trường THCS do thầy quản lý.
"Vậy mà lương của cô tính theo ngạch, bậc chỉ có 5.971.000 đồng, bao gồm cả phụ cấp. Với bối cảnh dịch bệnh như hiện tại, công việc cũng như trách nhiệm của nhân viên y tế học đường rất áp lực và căng thẳng, nhất là việc xử lý các tình huống phát sinh liên quan đến dịch bệnh, khi học sinh đi học lại. Hiện nguồn tuyển nhân viên y tế đã rất eo hẹp rồi, mức lương lại quá eo hẹp nữa nên việc tuyển người mới rất nan giải" - thầy hiệu trưởng phân tích.
Chúng tôi mang câu chuyện trên kể với một số cán bộ quản lý trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM, không ngờ có người đã thốt lên: "Sao trường đó giỏi quá, giữ chân được nhân viên y tế tới 20 năm. Chứ ở trường tôi, chỉ 2-3 năm là họ nghỉ việc vì có lời mời làm việc ở các phòng khám tư với mức lương cao hơn gấp 3 lần".
"Và để giữ người, các trường phổ thông bèn giao thêm nhiệm vụ quản lý bữa ăn bán trú, duyệt thực đơn bán trú, làm bảo mẫu… cho nhân viên y tế để họ có thêm thu nhập. Bởi lương của nhân viên y tế học đường hiện nay được tính theo ngạch bậc nhân viên trong đơn vị hành chính, hệ số rất thấp. Nhiều trường phổ thông ở TP.HCM không tuyển được nhân viên y tế học đường, nhiều trường đành phải để giáo viên kiêm nhiệm công tác này" - một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận.
Thật khó hiểu khi công tác y tế học đường mang ý nghĩa rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh nhưng lâu nay ít được các cấp quản lý quan tâm. Theo lời các hiệu trưởng trường phổ thông ở TP.HCM, quy định của Bộ GD-ĐT yêu cầu nhân viên y tế học đường không chỉ tổ chức các hoạt động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh mà còn tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe cho học sinh trong trường học.
Nhưng cái khó ở chỗ nhà trường trả lương thấp quá, sao dám đòi hỏi cao, đành chấp nhận mọi hoạt động chỉ ở mức tương đối. Các trường bộc bạch rằng: chỉ dám yêu cầu nhân viên y tế luôn có mặt tại trường trong giờ hành chính, đảm bảo khi học sinh gặp "sự cố" thì có ngay người xử lý về y tế.
Lại thêm một việc đáng lo: mạng lưới nhân viên y tế chưa đầy đủ và đạt chuẩn, cơ sở vật chất và kinh phí dành cho y tế học đường vẫn còn thiếu thốn có dẫn đến tình trạng gia tăng một số bệnh thường gặp ở lứa tuổi học đường hay không? Chưa kể trên thực tế đã có trường hợp học sinh mắc bệnh nhưng không được y tế học đường phát hiện và xử trí kịp thời, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của học sinh.
Rồi trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc các nhà trường thiếu nhân viên y tế liệu công tác phòng chống dịch trong môi trường học đường sẽ như thế nào?
Câu trả lời xin dành cho các cấp quản lý…
TTO - Sáng 9-12, kỳ họp thứ ba, HĐND TP Hà Nội dành trọn ngày làm việc cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Xem thêm: mth.21233057001211202-ceiv-ihgn-gnoud-coh-et-y-neiv-nahn-oc-tom-ut-noub-neyuhc/nv.ertiout