Học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức Hà Nội trở lại trường học sau nhiều tháng học online - Ảnh: NAM TRẦN
Đến nay, cả nước có 34 tỉnh thành thực hiện kết hợp các hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến.
Linh hoạt, tận dụng "cơ hội vàng"
Bắc Giang là một trong những địa phương đầu tiên có ổ dịch COVID-19 trong đợt dịch thứ tư và trong năm học 2021 - 2022, đây cũng là địa phương rất linh hoạt thay đổi các phương thức dạy học khác nhau để tận dụng "cơ hội vàng".
Hiện tại, nhiều trường học ở Bắc Giang đang đồng thời thực hiện ba hình thức dạy học: trực tiếp hoàn toàn; trực tuyến 100% với một số lớp; trực tiếp kết hợp bố trí để một số học sinh tham gia lớp học qua thiết bị học trực tuyến trên máy tính và nối camera ghi hình tại lớp học.
Trường tiểu học Cảnh Thụy (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) có hai lớp học thuộc khối 2 và khối 5 có phụ huynh là F0, học sinh là F1, F2 đã được bố trí học trực tuyến 100%. Cùng thời điểm, các lớp khác, học sinh đến trường học trực tiếp.
Nhưng ở ngay các lớp học trực tiếp cũng có một số học sinh là F1, F2 hoặc trong khu vực phong tỏa phải ở nhà. Những học sinh này được bố trí nghe giảng cùng các bạn ở lớp học trực tiếp, nhưng qua máy tính có kết nối trực tuyến tại nhà.
Khác với giải pháp cực đoan hơn là cho học sinh toàn trường nghỉ khi giáo viên, học sinh có liên quan tới ca nhiễm, cách xử lý của các trường ở tỉnh này hiện thời bình tĩnh hơn.
Theo ông Trần Tuấn Nam, giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, những lớp có giáo viên, học sinh có liên quan tới trường hợp nhiễm COVID-19, cụ thể là F1, F2 thì sẽ bố trí dạy học trực tuyến hoàn toàn. Nhưng các lớp khác vẫn học trực tiếp bình thường. Cách xử trí bình tĩnh, linh hoạt sâu hơn hạn chế xáo trộn, đứt gãy việc học của học sinh.
Tại Hà Nội, nhiều trường cũng đang triển khai ba phương án dạy học như Bắc Giang khi học sinh THPT có kế hoạch trở lại trường vào tháng 12-2021.
Trong đó từ ngày 6-12, học sinh lớp 12 trở lại trường, lớp 10, 11 học trực tuyến. Các trường cũng đang phải áp dụng cho một số học sinh không thể đến trường học trực tiếp được tham gia lớp học bằng thiết bị trực tuyến và camera ghi hình bài giảng trên lớp.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), để thích ứng với hình thức lớp học "2 trong 1", trường phải đầu tư lắp đặt webcam tại lớp học đảm bảo chất lượng về hình, tiếng để học sinh không dự học trực tiếp được có thể nghe giảng.
"Học sinh học gián tiếp vẫn có thể tương tác, trả lời câu hỏi của giáo viên hoặc nghe các bạn trả lời câu hỏi của giáo viên trong tiết học" - bà Hiền nói.
Một học sinh trong khu phong tỏa không thể đến lớp, giáo viên chủ nhiệm phải kết hợp với phụ huynh để bố trí camera ghi hình, kết nối với thiết bị dạy học trực tuyến của học sinh. Nhưng cách này sẽ không giống việc dạy học trực tuyến trước đây vì giáo viên không thể phân thân để vừa giảng trực tiếp trên lớp, vừa dạy cho học sinh không thể đến lớp theo cách thiết kế bài dạy trực tuyến.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp (hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội)
Giáo viên vất vả, lo học sinh bị "bỏ rơi"
Tại Hà Nội, theo lãnh đạo một số trường trung học, với đặc thù cấp học, giáo viên sẽ không dạy cố định ở một lớp (theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp) như cấp tiểu học - cách mà Bắc Giang đang thực hiện - mà sẽ phải dạy nhiều lớp ở nhiều khối.
Điều này là bất cập lớn khi giáo viên phải vừa đảm nhiệm dạy trực tiếp trên lớp, vừa chạy sang một nơi khác dạy trực tuyến ở khối/lớp khác. Đây cũng là lý do khiến giáo viên quá tải, việc quan tâm đến các nhóm đối tượng học sinh khó khăn không thể đến trường trong giai đoạn này sẽ bị hạn chế.
"Khi giáo viên chỉ dạy trực tuyến như trước, chúng tôi đã chỉ đạo các tổ chuyên môn nghiên cứu thiết kế bài dạy phù hợp với cách thức trực tuyến.
Nhưng khi giáo viên chuyển sang dạy trực tiếp là chính, những học sinh không thể đến trường mà phải theo dõi bài giảng qua kết nối máy tính sẽ ít nhiều bị hạn chế hơn khi tiếp thu bài học theo giáo án dạy trực tiếp của giáo viên.
Đây là bất cập nhìn thấy, nhưng phải chấp nhận tạm thời" - một hiệu trưởng trường THPT nơi có gần 10 học sinh đang phải học gián tiếp trong các lớp học "2 trong 1" chia sẻ.
Theo vị hiệu trưởng này, một phụ huynh có con chưa tiêm vắc xin từng xin phép cho con học gián tiếp, nhưng sau hai buổi học đã phải cho con đi tiêm phòng và cho con đến trường vì "khó tiếp thu".
"Có camera ghi hình nhưng thay vì ngồi trước màn hình, giảng dạy với hỗ trợ của phần mềm dạy học, áp dụng các hình thức tương tác khác nhau thì hiện giáo viên ở trên bục giảng và viết trên bảng.
Cô cũng thay đổi cách dạy do phần lớn học sinh trực tiếp trên lớp. Vì thế tâm lý của con thấy như bị bỏ rơi. Nhiều lúc nghe giảng không rõ, không nhìn được bảng, con cũng ngại hỏi lại cô giáo" - phụ huynh có con đang học gián tiếp chia sẻ.
Tận dụng ưu điểm của dạy học "2 trong 1"
Ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng việc phải dạy học trong tình huống liên tục chuyển trạng thái có những khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để các nhà trường chỉ đạo giáo viên áp dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực có thể thích ứng cả với hình thức dạy trực tuyến hay trực tiếp.
Theo ông Thành, trong tình huống phải linh hoạt sâu như hiện nay, để học sinh không có cảm giác "bị bỏ rơi", giáo viên tăng cường giao việc, áp dụng phương tiện liên lạc điện tử (nhóm học tập trên Zalo, Facebook, các phần mềm ôn luyện, giám sát học sinh tự học) để hướng dẫn, giải đáp cho học sinh.
"Các hình thức gián tiếp không thể thay thế hoàn toàn dạy học trực tiếp nhưng nó có ưu điểm riêng nếu ta tận dụng được càng nhiều càng tốt, cả khi học sinh đã quay lại trường. Việc này cũng giúp cho các nhà trường và giáo viên không lúng túng nếu như trong tình huống dịch bùng phát phải quay lại dạy học trực tuyến hoàn toàn" - ông Thành nói.
TTO - Ngày 8-12, UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo tạm thời chưa dạy học trực tiếp cho trẻ 5 tuổi và học sinh lớp 1 từ ngày 13-12, chỉ thí điểm tổ chức học tập trực tiếp cho khối lớp 9 và lớp 12.
Xem thêm: mth.91453649190211202-1-gnort-2-coh-pol-hcid-aum-coh-yad-pahp-iaig/nv.ertiout