UBND TPHCM vừa ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời điểm từ đây đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong đó chú ý các nhóm hàng hóa cấm kinh doanh, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội như vũ khí, ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, thuốc lá nhập lậu, sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan, động vật hoang dã, đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại đến sức khỏe của trẻ em. Các nhóm mặt hàng thiết yếu liên quan đến sức khỏe con người như thực phẩm, sữa, rượu bia, nước ngọt, bánh kẹo, thực phẩm chức năng…
UBND TPHCM giao mỗi cơ quan ban ngành một nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng phối hợp với hai tỉnh giáp ranh là Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra tại các cửa sông, cửa biển, cửa khẩu cảng, nhất là các tuyến phao, nơi neo đậu.
Công an TPHCM phải nắm tình hình trên các địa bàn tuyến trọng điểm. Khẩn trương điều tra, đề nghị khởi tố các tổ chức, cá nhân buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng qua biên giới, sản xuất kinh doanh hàng giả. Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vận chuyển thuốc lá nhập lập từ Tây Ninh - Long An đưa vào TPHCM.
Quản lý thị trường TPHCM triệt phá điểm sản xuất giả nón Sơn |
Cục Hải quan TPHCM tăng cường biện pháp kiểm tra các nhóm mặt hàng dễ bị lợi dụng để vi phạm, đặc biệt là hàng tiêu dùng, liên quan đến phòng chống dịch COVID-19.
Cục Quản lý thị trường TPHCM kịp thời báo cáo đề xuất phối hợp với Quản lý thị trường các tỉnh để truy xét nơi sản xuất hàng hóa hoặc kho hàng ngoài TPHCM. Thường xuyên tổ chức tra cứu, giám sát hoạt động thương mại điện tử để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm. Phối hợp với Đoàn liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Xử lý tình trạng buôn bán thực phẩm quá hạn sử dụng, chứa chất phụ gia bị cấm…
Sở Công thương tổng hợp và xử lý các thông tin về tổng mức lưu chuyển hàng hóa, tổng cung, tổng cầu, dự trữ lưu thông, biến động giá cả của các mặt hàng thiết yếu, điều tiết lưu thông hàng hóa. Nắm thông tin lượng hàng hóa về chợ đầu mối, đảm bảo cung ứng hàng hóa đến các chợ trên địa bàn. Xây dựng phương án ứng phó để sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội theo các cấp độ của dịch COVID-19.
Trước đó, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa ký kế hoạch về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Trong những tháng đầu năm 2021, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng giảm.
Đến nay, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương trở lại trạng thái bình thường mới, nhu cầu người tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm nên dự đoán tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng phức tạp trở lại. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị phải kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, ngăn chặn mua và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ tết như thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả...
Thanh Hoa