Ngày 10-12, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Ba bị cáo cùng hầu tòa về tội này là Nguyễn Đức Chung (cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội), Võ Tiến Hùng (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic).
Cả ba bị cáo bị truy tố theo khoản 3 Điều 356 BLHS, với khung hình phạt 10-15 năm tù.
Các bị cáo tại tòa ngày 10-12. Ảnh: TP
Làm theo chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung
Là người đầu tiên được thẩm vấn, bị cáo Giang cho biết được bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) sang tên cổ phần, đồng thời ủy quyền làm giám đốc để nhập khẩu thiết bị từ Đức về Việt Nam theo yêu cầu của ông Chung.
Giang khẳng định việc đứng tên sở hữu cổ phần tại Công ty Arktic chỉ là trên giấy tờ. Thực tế bị cáo không góp vốn, mọi sự điều hành công ty, cả việc nhập khẩu và bán lại chế phẩm Redoxy-3C đều theo chỉ đạo của vợ chồng ông Chung.
Đáng chú ý, Giang khai rằng ở giai đoạn điều tra, Giang được ông Chung nói gặp ông Lê Hoài Thanh (chồng bà Nguyễn Thị Bích Hằng - người đứng tên sở hữu 40% vốn Công ty Arktic thay cho gia đình ông Chung) để được hướng dẫn khai liên quan đến việc mua bán cổ phần tại công ty này. Ông Thanh dặn bị cáo “nhớ phải khai là anh và em có mua bán cổ phần với số tiền 2 tỉ đồng”.
Trong khi đó, bị cáo Hùng nhắc lại buổi thử nghiệm ngày 31-7-2016 tại bè quây trên hồ Hoàn Kiếm. Khi đó, trước nhiều người, có cả ông Nguyễn Thế Hùng (Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội), ông Chung chỉ đạo công khai, yêu cầu Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic.
Chủ tọa hỏi ông Hùng: “Việc mua chế phẩm có vi phạm gì không?”. Bị cáo này trình bày rằng tất cả đều tuân thủ chỉ đạo của UBND TP và hướng dẫn của các sở, ban, ngành về quy trình, thủ tục, “không làm sai một chữ nào trong văn bản”.
“Chủ trương là của UBND TP và các sở, ban, ngành, nếu sai thì rất nhiều người sai, từ UBND TP cho đến các sở, ban, ngành” - bị cáo Hùng trình bày.
Cựu chủ tịch: “Không tham gia, không hưởng lợi”
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Chung cho rằng mình bị oan. Ông đã gửi nhiều khiếu nại tới TAND Tối cao, VKSND Tối cao, TAND TP Hà Nội, VKSND TP Hà Nội để chỉ ra những nội dung “không đúng sự thật” trong cáo trạng.
Điển hình, bị cáo đề nghị HĐXX công khai Thông báo 308 ngày 22-8-2016 của UBND TP Hà Nội. Cáo trạng viện dẫn thông báo này, nói ông Chung giao Công ty Thoát nước Hà Nội đàm phán và mua chế phẩm trực tiếp từ hãng Watch Water chứ không phải thông qua Công ty Arktic. Tuy nhiên, ông Chung khẳng định trong thông báo hoàn toàn không có nội dung trên.
Đặc biệt, bị cáo Chung có nhiều lời khai mâu thuẫn với lời khai của các bị cáo Giang và Hùng liên quan đến việc mua bán chế phẩm Redoxy-3C cũng như hoạt động của Công ty Arktic.
Cựu chủ tịch Hà Nội nói nếu thực sự có việc ông chỉ đạo miệng phải mua chế phẩm Redoxy-3C từ Công ty Arktic thì bị cáo Hùng phải làm văn bản, đề xuất cấp trên ký nhưng trong suốt mấy năm, không hề có ai đả động gì…
Bị cáo Chung cũng nói bản thân không có quyền và cũng không can thiệp gì vào hoạt động của Công ty Thoát nước Hà Nội. Công ty này có lĩnh vực xử lý ô nhiễm nước ao hồ là mảng kinh doanh có lãi, nộp thuế, do đó không thể quy hết trách nhiệm cho UBND TP Hà Nội…
Về Công ty Arktic, ông Chung khai do không muốn con kinh doanh nên yêu cầu con sang Úc học, cổ phần sau đó được chuyển cho Giang. “Tôi không điều hành, không góp tiền và không bàn bạc bất cứ thứ gì với anh Giang” - ông Chung nói.
“Nếu nói gia đình tôi có tiền thì tôi đề nghị hỏi kỹ Giang là suốt bốn năm, hằng năm có cho tôi biết lời lãi hay không; có trả cho tôi, vợ tôi tiền cổ phần không” - ông Chung đặt vấn đề, đồng thời khẳng định vợ chồng ông “không được hưởng đồng nào”.
Thiệt hại hơn 36 tỉ đồng Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tạo thuận lợi cho Công ty Arktic trong việc mua bán chế phẩm Redoxy-3C. Lẽ ra TP Hà Nội có thể mua trực tiếp từ Công ty Watch Water (nhà sản xuất) thì lại phải thông qua Công ty Arktic (nhà phân phối độc quyền) với mức giá cao hơn. Hậu quả của hành vi trên là Công ty Arktic (nơi gia đình ông Chung có 40% vốn góp) hưởng lợi hơn 36 tỉ đồng từ việc bán chênh lệch giá. |