Ella là sản phẩm đầu tay và cũng là đứa con tinh thần trị giá hàng triệu USD của Keith Tan, 41 tuổi. Năm 2015, Keith Tan - một nhà quản lý tài sản - đã bỏ việc để thành lập chuỗi cửa hàng cà phê của riêng mình.
“Thời điểm 35 tuổi, khi vẫn làm trong ngành tài chính, tôi đã nghĩ: ‘Đây là cơ hội của mình'. Tôi phải làm gì đó, xây dựng điều gì đó cho chính bản thân mình”, Keith Tan chia sẻ.
Nhưng không lâu sau khi bắt tay vào công việc, ông nhận ra rằng nhân lực là bài toán khó trong ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B).
“Bốn cửa hàng của tôi đều gặp phải tình trạng thiếu nhân viên lao động. Lúc đó tôi nghĩ, ‘mình chỉ vừa mới đầu tư vào công ty này, nó sẽ còn phát triển và phát triển lớn mạnh hơn nữa", Keith Tan nhớ lại. “Vì thế, tôi quyết định, đã tới lúc cần phải xem xét về việc áp dụng công nghệ".
Keith Tan là người sáng lập và CEO Crown Digital. Ảnh: Crown Digital, CNBC
Động lực mới cho ngành F&B
Với suy nghĩ đó, ý tưởng về Crown Digital đã ra đời: một công ty khởi nghiệp dựa vào internet vạn vật (IoT) với mục tiêu giải quyết những khó khăn trong ngành F&B.Động lực mới cho ngành F&B
Ella là sản phẩm đầu tay của Crown Digital: một robot tự động được thiết kế để mô phỏng công việc của một người phục vụ cà phê.
Được tạo ra vào năm 2018 sau nhiều năm thử nghiệm, Ella có dạng một cánh tay tự động, do công ty robot Techman Robot sản xuất. Ella nằm bên trong một ki-ốt trong suốt, rộng khoảng 5m2.
Robot hoạt động suốt ngày đêm và có thể phục vụ tới 200 tách cà phê mỗi giờ - nhanh gấp 4 lần so với một nhân viên pha cà phê thông thường.
Các nguyên liệu pha chế - bao gồm hạt cà phê và sữa tươi – cần được đổ thêm sau khi robot phục vụ khoảng 360 cốc cà phê. Việc này sẽ được thực hiện bởi các nhân viên chịu trách nhiệm giám sát Ella thông qua một ứng dụng theo dõi. Trung tâm chỉ huy nội bộ của Crown Digital cho phép Ella phát hiện và giải quyết từ xa sự cố tràn nước hoặc các lỗi thiết bị khác.
Keith Tan cho biết, công nghệ này được thiết kế đặc biệt cho các môi trường có mật độ người qua lại cao như sân bay, trung tâm giao thông và văn phòng, nơi tốc độ là điều vô cùng quan trọng.
“Có những thời điểm mà bạn chỉ cần tới tốc độ, tính nhất quán và khả năng đặt hàng dễ dàng, và đó là lúc người máy có thể được sử dụng", ông Tan nói.
Xu hướng sử dụng robot ngày một gia tăng
Hiệu quả của robot phục vụ cà phê đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được thêm chi phí. Ví dụ, một ly latte do Ella pha chế có giá khoảng 3 USD, trong khi một ly cà phê barista điển hình ở Singapore có giá khoảng 4,5 USD.
Nhưng Ella không phải robot pha cà phê duy nhất.
Vào năm 2015, công ty kỹ thuật ABB của Thụy Điển đã trình làng YuMi, một robot có khả năng thực hiện được nhiều nhiệm vụ khác nhau như ký tên, giải Rubik, thậm chí là hợp tác với nam ca sĩ opera người Ý Andrea Bocelli để chỉ huy một dàn nhạc.
Nhiều quán cà phê robot đã xuất hiện trong thời gian gần đây, như Café X tại San Francisco và Beat tại sân bay Incheon của Hàn Quốc.
“Chúng tôi đang hướng về tương lai và kỳ vọng vào sự phát triển vượt bậc", Chris Holmes, Giám đốc điều hành tại IDC Insights châu Á Thái Bình Dương cho biết khi được hỏi về ngành công nghiệp robot và tự động hóa.
Ella là sản phẩm đầu tay của Crown Digital. Ảnh: Crown Digital |
IDC Insights dự đoán, chỉ trong hai năm tới, một nửa số cửa hàng bán lẻ và thực phẩm sẽ sử dụng robot để phục vụ.
“Chúng ta chắc chắn sẽ thấy robot hoạt động trong mảng dịch vụ", ông Holmes khẳng định. “Hiện robot đã được sử dụng khá phổ biến ở các kho bãi, trong ngành vận chuyển và phân phối".
Được thúc đẩy nhờ Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng robot trong hầu hết các ngành.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người có ý thức giữ gìn vệ sinh trong thời gian diễn ra đại dịch, năm 2020, Keith Tan đã giúp Ella có không gian bán lẻ cố định đầu tiên tại một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất của Singapore.
Kể từ đó, Crown Digital cũng đã ký các thỏa thuận để triển khai các robot pha chế của mình tại một số điểm dừng chọn lọc trên mạng lưới 1.657 ga của Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản và tại 30 ga tàu điện ngầm ở Singapore do SMRT điều hành.
Điều này đồng nghĩa với việc các robot Ella sẽ phục vụ cà phê mang đi cho khoảng 18 triệu người mỗi ngày.
“Chúng tôi đang định nghĩa lại cách cà phê có thể được phục vụ cho người tiêu dùng thông qua các điểm tiếp xúc kỹ thuật số", ông Tan cho hay.
Hiện, Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản và SMRT của Singapore đã đầu tư thêm cho Crown Digital, qua đó nâng tổng số tiền tài trợ mà startup này nhận được lên 3,1 triệu USD cũng như giúp Crown Digital đạt mức định giá hơn 35 triệu USD.
Tác động của tự động hoá
Thế nhưng không phải ai cũng hào ứng với sự phát triển của robot.
“Có rất nhiều lo ngại về việc robot chiếm lấy công việc của con người", ông Holmes của IDC cho biết, đồng thời chia sẻ thêm rằng cả robot vật lý lẫn phần mềm đều đang làm thay đổi bối cảnh về việc làm.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính, cho tới năm 2025, ngành tự động hóa sẽ thay thế khoảng 85 triệu việc làm. Tuy nhiên, cuộc cách mạng về robot sẽ tạo thêm 97 triệu việc làm trong cùng kỳ.
Trong khi đó, theo ông Keith Tan, những robot như Ella chỉ đơn giản là tạo ra những công việc có nhiều kỹ năng hơn cho con người.
“Cuối cùng, tự động hoá sẽ xuất hiện trong những lĩnh vực thiết yếu hàng ngày của con người", ông Tan khẳng định.
Với ông, robot pha chế mới chỉ là bước đi đầu tiên. Hiện ông đang có kế hoạch tạo ra nhiều robot hơn để hỗ trợ con người trong cuộc sống hàng ngày.
“Chúng tôi bắt đầu từ cà phê, nhưng sẽ không dừng lại ở đó", vị CEO của Crown Digital khẳng định. “Ella sẽ còn tiếp tục hoạt động ở mảng đồ ăn. Sẽ có rất nhiều ngành khác nhau mà Ella có thể được triển khai ở trong tương lai".