Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về Công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì vừa diễn ra đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, công nghệ. Nhiều định hướng mang tính chiến lược đã được đại diện Bộ, ngành đưa ra tạo hành lang cho việc chuyển đổi số của đất nước. PV đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia công nghệ Đào Hoàng Thanh để làm rõ hơn vấn đề này.
Thưa ông, với vai trò là chuyên gia công nghệ, ông đánh giá gì về chủ đề năm nay, đặc biệt là các nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số?
Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về Công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì năm nay tập trung nhấn mạnh vào sự hồi phục của nền kinh tế Việt nam sau đại dịch Covid 19. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường đã làm thay đổi mọi mặt kinh tế - xã hội thế giới nói chung và Việt nam nói riêng.
Theo tôi, CMCN 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh... Đối với kinh tế đó là những thay đổi về mô hình tăng trưởng, việc làm và bản chất công việc. Đối với doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh là kỳ vọng của người tiêu dùng, dữ liệu thông tin sản phẩm, hợp tác đổi mới và các mô hình hoạt động mới, các dịch vụ và mô hình kinh doanh mới.
Cuộc CMCN 4.0 được coi như điểm nhấn của kỷ nguyên số và tác động mạnh mẽ đến các ngành và nghề trong nền kinh tế mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam - quốc gia có nguồn cung lao động khá dồi dào và ổn định với hơn 50 triệu lao động. Mô hình tăng trưởng mới, toàn diện và bền vững cần được xây dựng cho các ngành sử dụng công nghệ tạo ra nhiều giá trị tăng thêm và năng suất cao để tạo ra việc làm có chất lượng và các khía cạnh định tính khác của nền kinh tế trong nước.
Chuyên gia công nghệ - Founder LaunchZone Đào Hoàng Thanh.
Big Data, AI, Robotics và Blockchain được coi là những công nghệ lõi của CMCN 4.0, chúng ta không thể đứng ngoài nếu muốn tiến vào kỷ nguyên số. Theo ông, hành lang pháp lý cho việc áp dụng các công nghệ này tại Việt Nam hiện ra sao?
Việt Nam hiện vẫn còn thiếu hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ mới của CMCN 4.0 như Blockchain, trí tuệ nhân tạo… Hiện nay, các công ty về Blockchain mặc dù hoạt động ở Việt Nam nhưng đều đăng ký kinh doanh ở nước ngoài, với những tên tuổi người Việt có chỗ đứng trong cộng đồng Blockchain thế giới như Kyber Network hay "kỳ lân" Axie Infinity.
Theo tôi, để khai thác tiềm năng kinh tế của công nghệ Blockchain nói riêng và các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ 4.0 nói chung, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý bài bản, đẩy mạnh giáo dục về lĩnh vực này. Việc áp dụng công nghệ mới, bắt kịp xu hướng thời đại sẽ mang lại giá trị to lớn cho nền kinh tế trong tương lai.
Là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh với đội ngũ nhân sự trẻ đầy tài năng và sức sáng tạo, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc ứng dụng chuyển đổi số và khai thác nguồn lực tiềm ẩn của CMCN 4.0. Ông nhìn nhận gì về điều này?
Lĩnh vực lao động và việc làm đang trải qua những thay đổi lớn ở quy mô chưa từng có do sự chuyển dịch của một số yếu tố như cải tiến công nghệ, tác động biến đổi khí hậu, thay đổi đặc tính sản xuất và việc làm. Công nghệ là nhân tố khởi tạo. Những tiến bộ về công nghệ 4.0 có thể hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế bằng cách thúc đẩy chuyển dịch lao động giữa các lĩnh vực, công việc hoặc đơn giản hóa công việc bằng cách giảm thiểu những nhiệm vụ phức tạp cho người lao động.
LaunchZone đã và đang "ươm mầm" cho nhiều Startup trong lĩnh vực công nghệ.
Sự kết hợp của kỹ năng chuyên môn (như STEM) và kỹ năng cốt lõi (sự sáng tạo, tư duy phân tích, giao tiếp, làm việc theo nhóm…) là cần thiết để trang bị cho lực lượng lao động cách tốt nhất và thúc đẩy khả năng tự phục hồi trong các thị trường lao động liên tục thay đổi khi ứng dụng CMCN 4.0. Do đó, các bạn trẻ cần không ngừng trau dồi bản thân để bắt kịp với những thay đổi hiện đại của công nghiệp 4.0.
Càng tiến gần hơn với kỷ nguyên số, tiêu chí đặt ra với doanh nghiệp càng trở nên khắt khe hơn. Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để vừa cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thời đại vừa phải thay đổi để không bị thụt lùi?
Nền tảng cốt lõi trong hoạt động của doanh nghiệp, ngoài tiến bộ công nghệ thông tin, không thể không nhắc đến yếu tố con người. Cách mạng số phải được xây dựng trên cơ sở việc làm tử tế mang lại giá trị nhân phẩm. Các hệ thống giáo dục và đào tạo phải được chuẩn bị để phát triển kỹ năng cho tương lai. Đặc biệt, cần sự phối hợp giữa nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ đào tạo. Các chính sách thị trường lao động chủ động hiệu quả giúp kết nối người lao động với việc làm đóng vai trò quan trọng để doanh nghiệp cần làm gì vừa cung cấp sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhu cầu của thời đại vừa phải thay đổi để không bị thụt lùi.
CMCN 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực.
Con người là yếu tố vô cùng quan trọng trên con đường chinh phục thế giới số, thời đại số. LaunchZone là vườn ươm công nghệ có tiếng, xin ông cho biết, công ty đã và đang có kế hoạch như thế nào để ươm mầm cho các startup trong lĩnh vực này?
Blockchain là thị trường không ngủ với tiềm năng tăng trưởng và phát triển vô cùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, chính sự mới mẻ và tốc độ phát triển mạnh mẽ của thị trường này khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc tiếp cận ban đầu. LaunchZone đã mất nhiều năm mày mò để khởi nghiệp trong lĩnh vực Blockchain, rút ra được nhiều bài học trong quá trình thành lập và phát triển. Những kinh nghiệm này sẽ vạch ra con đường rõ ràng cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp mảng Blockchain.
Chúng tôi sẽ ươm mầm, định hướng startup để sản phẩm phải là thứ thị trường cần đến và xây dựng cộng đồng hỗ trợ, gắn bó cùng doanh nghiệp lâu dài. LaunchZone có thể đầu tư vào startup cả về nhân lực, vật lực cũng như kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng có sẵn. LaunchZone chính là "bàn đạp" hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp đưa sản phẩm Blockchain của người Việt ra thế giới. Chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng nghỉ từng phút, từng giây để mang lại giá trị tốt nhất cho các startup và các nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
PV
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị