vĐồng tin tức tài chính 365

Bộ GTVT làm thế nào để giải ngân hết 43.000 tỷ đồng?

2021-12-13 07:38

Quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công là một trong những từ khóa quan trọng nhất trong hai năm dịch bệnh vừa qua. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, Chính phủ đang đẩy mạnh việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong đó vốn đầu tư công được xác định không chỉ là vốn “mồi” mà còn trở thành nguồn lực chính thúc đẩy phục hồi kinh tế.  

Năm 2021, Bộ GTVT được Chính phủ giao phân bổ gần 43.000 tỷ đồng vốn ngân sách, gồm hơn 4.830 tỷ đồng vốn nước ngoài và hơn 38.150 tỷ đồng vốn trong nước.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay, Bộ đã phân bổ chi tiết 42.996/42.996 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao. Tính đến hết tháng 11/2021, Bộ GTVT giải ngân được 3.283 tỷ đồng; lũy kế 11 tháng giải ngân được 31.869 tỷ đồng, đạt 73,4% kế hoạch, gồm: 28.881/38.564 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 74,9% và2.986/4.837 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 61,7%.

Đề tìm hiểu về kế hoạch của ngành GTVT trong những tháng cuối năm, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quyết Tiến, Cục phó Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT về các vấn đề xoay quanh việc giải ngân vốn đầu tư công.

Phấn đấu năm 2021 giải ngân được 95% vốn đầu tư công

Người Đưa Tin (NĐT): Từ nay đến thời điểm kết thúc giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 (31/1/2022) chỉ còn gần 2 tháng, trong khi đó lũy kế 11 tháng của năm nay giải ngân mới đạt 73,4% kế hoạch, liệu Bộ GTVT có kịp về đích trong nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ giao hay không? Bộ đã lên kế hoạch những tháng cuối năm với những giải pháp cụ thể như thế nào?

Ông Lê Quyết Tiến: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ GTVT đã tích cực triển khai, thông qua việc ban hành kế hoạch và tập trung quyết liệt chỉ đạo theo kế hoạch đã đề ra. Bộ GTVT đang quyết tâm rất lớn để về đích trong nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, cụ thể giải ngân đạt 95%-100% kế hoạch được giao.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tại hầu hết các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông gặp khó khăn trong việc phối hợp với các địa phương thực hiện công tác GPMB, nguồn cung cấp vật liệu, thời tiết mưa lũ dài ngày; công tác huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công tại hiện trường của các nhà thầu; một số công trình dự án đã có cán bộ, công nhân lây nhiễm Covid-19, phải cách ly,... Đặc biệt, giai đoạn hiện nay dịch Covid-19 đang xuất hiện biến thể mới đang là vấn đề thực sự quan ngại có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công các dự án.

Bộ GTVT đã chỉ đạo các Chủ đầu tư, Ban QLDA thực hiện nghiêm các quy định, quy chế phòng, chống dịch Covid 19; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương để đảm bảo việc huy động nhân lực, thiết bị, vận chuyển vật liệu, tổ chức công trường, công tác phòng, chống Covid-19,... Đồng thời, Bộ GTVT đã ban hành hướng dẫn tạm thời về hoạt động thi công các dự án, công trình giao thông đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nhằm tại điều kiện thuận lợi cho các công trình, dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng và công tác phòng chống dịch.

Kinh tế vĩ mô - Bộ GTVT làm thế nào để giải ngân hết 43.000 tỷ đồng?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quán triệt phải xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021. (Ảnh: Hữu Thắng)

Thời gian từ nay đến hết năm 2021, các chủ đầu tư, ban QLDA phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn: khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công 9 dự án; chỉ đạo các dự án đang triển khai thi công để đảm bảo hoàn thành trong các năm sau theo tiến độ yêu cầu, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm ngành GTVT; tập trung chỉ đạo giải ngân tháng còn lại của năm tài chính. Trong điều kiện dịch Covid -19 đang diễn biến hết sức phức tạp, mùa mưa bão diễn ra từ nay đến cuối năm, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các dự án.

Để đảm bảo tiến độ thực hiện và hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn các dự án đầu tư công đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp và đang trong mùa mưa bão hiện nay, Bộ GTVT đã ban hành nhiều Chỉ thị, Công điện, văn bản chỉ đạo chung cũng như riêng từng Chủ đầu tư/ Ban QLDA về việc đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đầy giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án do Bộ GTVT quản lý. Gần đây, Bộ GTVT cũng phát động phong trào thi đua đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Ngoài ra, Bộ cũng thực hiện việc điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ thực hiện giải ngân tốt.

NĐT: Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, xin ông cho biết đối với các Chủ đầu tư, Ban QLDA cần chú trọng vào những vấn đề gì để góp phần đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của toàn ngành?

Ông Lê Quyết Tiến: Trong những tháng cuối năm, để đạt được mục tiêu đã đề ra, các Chủ đầu tư, Ban QLDA cần tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc thực hiện công tác GPMB, đảm bảo bàn giao mặt bằng thi công theo tiến độ yêu cầu của dự án, đặc biệt là các công trình dự án trọng điểm như các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các dự án đường bộ, đường sắt quan trọng, cấp bách; các dự án sử dụng vốn vay ODA…;

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư, ban QLDA căn cứ kế hoạch vốn được giao còn lại từ nay đến cuối năm, lập kế hoạch giải ngân chi tiết tương ứng với khối lượng thi công từng hạng mục công trình. Đặc biệt, chỉ đạo các nhà thầu lập kế hoạch thi công chi tiết các hạng mục, công trình; tập trung huy động thiết bị, nhân lực, tăng cường các mũi thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công; chủ động sản xuất, tập kết vật liệu, lắp dựng trạm trộn…; có phương án thi công các hạng mục phù hợp với điều kiện thời tiết bất lợi.

Chủ đầu tư, Ban QLDA cùng cần thường xuyên theo dõi, đánh giá việc thực hiện kế hoạch, kịp thời làm rõ nguyên nhân chậm để có giải pháp khắc phục ngay; Chủ động xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ đầu tư, ban QLDA, kịp thời báo cáo Bộ GTVT để xem xét, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

Cuối cùng phải quán triệt tinh thần: nhiệm vụ triển khai các dự án đảm bảo tiến độ, hoàn thành kế hoạch giải ngân là hết sức quan trọng, tuy nhiên chất lượng thi công các công trình, dự án là yêu cầu hàng đầu. Vì vậy các chủ đầu tư, ban QLDA cần hết sức đặc biệt quan tâm trong chỉ đạo triển khai các dự án được giao quản lý.

Kinh tế vĩ mô - Bộ GTVT làm thế nào để giải ngân hết 43.000 tỷ đồng? (Hình 2).

Năm 2021, Bộ GTVT được Chính phủ giao phân bổ gần 43.000 tỷ đồng vốn ngân sách. 

Giải phóng mặt bằng vẫn là bài toán khó

NĐT: Xin ông cho biết hiện nay đâu là khó khăn, điểm nghẽn cần tháo gỡ trong việc giải ngân vốn đầu tư công và thi công các công trình giao thông trong những tháng cuối năm.

Ông Lê Quyết Tiến: Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ cũng như cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT. Đến nay, cơ bản các vấn đề vướng mắc đã cơ bản được giải quyết như: tháo gỡ khó khăn về GPMB, về nguồn cung cấp vật liệu,… Tuy nhiên, vẫn còn một sốt tồn tại về GPMB, một số mỏ vật liệu đang thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác. Vấn đề khó khăn lớn nhất như đã nêu trên là diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua và sắp tới. Đồng thời, tình hình mưa lũ đã và đang xảy ra trên diện rộng, thời gian dài tại một số tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã làm chậm tiến độ một số công trình, dự án đang triển khai trên khu vực.

NĐT: Thực tế có địa phương nào có quy định chưa phù hợp, gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công không? Quan điểm chỉ đạo của Bộ GTVT về vấn đề này.

Ông Lê Quyết Tiến: Đối với các công trình, dự án ngành giao thông vận tải do Bộ GTVT quản lý, liên quan trực tiếp đến các địa phương chủ yếu về vấn đề GPMB. Việc giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công về GPMB được các Chủ đầu tư/ Ban QLDA phối hợp chặt chẽ với các địa phương kịp thời bố trí vốn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ GPMB, tiến độ giải ngân vốn cho công tác GPMB. Lãnh đạo Bộ GTVT thường xuyên phối hợp với Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố nơi có dự án đi qua tổ chức làm việc trực tiếp hoặc họp trực tuyến để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án.

Đến nay, về cơ bản công tác giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công liên quan đến các địa phương không có tồn tại, vướng mắc. Công tác GPMB là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân bị ảnh hưởng nên các địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động để nhân dân đồng tình ủng hộ sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các dự án triển khai thi công đảm bảo tiến độ yêu cầu.

Kinh tế vĩ mô - Bộ GTVT làm thế nào để giải ngân hết 43.000 tỷ đồng? (Hình 3).

Công tác giải phóng mặt bằng vẫn được coi là một trong những khâu khó khăn lớn nhất trong việc triển khai các dự án giao thông. (Ảnh: Hữu Thắng)

NĐT: Dư luận rất quan tâm đến việc thi công các dự án giao thông trọng điểm. Xin ông cho biết, hiện nay tiến độ của các dự án đó đang được triển khai như thế nào?

Ông Lê Quyết Tiến: Như đã nêu trên, trong thời gian vừa qua, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tình hình mưa lũ, đặc biệt trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án. Tuy nhiên, với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, trong 11 tháng đầu năm 2021, các công trình, dự án ngành GTVT, trong đó có các công tình, dự án trọng điểm đã đạt được một số thành quả nhất định như: Đã triển khai khởi công 10 dự án trong đó có 7 dự án trọng điểm ngành GTVT, đã đôn đốc tiến độ thi công hoàn thành 9 dự án, đã giải ngân được 31.869 tỷ đồng, đạt 73,4% kế hoạch, dự kiến giải ngân cao hơn bình quân chung của cả nước đến thời điểm hiện tại và Bộ GTVT đang phấn đấu giải ngân đến hết năm tài khóa 2021 đạt kế hoạch đề ra.

Đến nay, phần lớn các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT đang đáp ứng tiến độ yêu cầu, tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số công trình dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng trong đó nguyên nhân khách quan là chủ yếu như: do ảnh hưởng thời tiết mưa lũ kéo dài, một số địa bàn gặp khó khăn vật liệu đất đắp (như tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai),... Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60 và Nghị quyết số 133 cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu thông thường phục vụ thi công. Công tác GPMB chậm, đặc biệt dự án thi công qua vùng đất yếu cần xử lý nền đường đất yếu và chờ lún đã làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án; một số dự án quan trọng, cấp bách thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên ảnh hưởng bởi mưa lũ nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện,... Ngoài ra, một số dự án ODA chậm do Tư vấn nước ngoài, thủ tục theo quy định của nhà tài trợ kéo dài,...

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, Bộ GTVT đã đề ra một số giải pháp chỉ đạo điều hành đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân vốn theo kế hoạch đã được bố trí như nêu trên. Tuy nhên, nhiệm vụ triển khai các dự án đảm bảo tiến độ, hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021 của Bộ GTVT là hết sức quan trọng nhưng chất lượng công trình, an toàn trong thi công vẫn là yêu cầu hàng đầu. Vì vậy, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA cần đặc biệt quan tâm trong quá trình triển khai thực hiện các dự án được giao quản lý.

Kinh tế vĩ mô - Bộ GTVT làm thế nào để giải ngân hết 43.000 tỷ đồng? (Hình 4).

Ngày 16/10, Bộ GTVT đã ban hành hướng dẫn tạm thời về hoạt động thi công các dự án, công trình giao thông đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. (Ảnh: Hữu Thắng)

Thi công gắn với đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch 

NĐT: Xin ông cho biết giải pháp để vừa đảm bảo tiến độ thi công các công trình vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới hiện nay?

Ông Lê Quyết Tiến: Như đã nêu trên, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt hiện nay đang xuất hiện biến chủng virut mới Omicron, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA và các đơn vị liên quan trên công trường nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các quy định của Bộ Y tế.

Đồng thời, căn cứ Quyết định số 1811 ngày 16/10/2021 của Bộ GTVT hướng dẫn tạm thời về hoạt động thi công các dự án, công trình giao thông đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các quy định về phòng, chống dịch của địa phương nơi dự án đi qua, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19; yêu cầu tất cả các cán bộ, công nhân viên,… trên công trường nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K trong phòng, chống dịch Covid-19, có phương án tập trung huy động đầy đủ nhân sự, tổ chức quản lý cán bộ, công nhân viên kể cả trong và ngoài giờ làm việc, đảm bảo cán bộ, công nhân viên trên công trường được tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 nhằm triển khai thực hiện các công trình, dự án vừa đảm bảo tiến độ thi công các công trình, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới hiện nay.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Xem thêm: lmth.801635a-gnod-yt-00034-teh-nagn-iaig-ed-oan-eht-mal-tvtg-ob/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bộ GTVT làm thế nào để giải ngân hết 43.000 tỷ đồng?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools