vĐồng tin tức tài chính 365

Hôm nay 13-12, hơn 100.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 ở TP.HCM sẵn sàng đi học an toàn

2021-12-13 07:37
Hôm nay 13-12, hơn 100.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 ở TP.HCM sẵn sàng đi học an toàn - Ảnh 1.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8, TP.HCM tập huấn cách phòng chống dịch và di chuyển khi đến trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

TS Nguyễn Minh, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết: "Các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, nhân viên - nhà trường đã và đang thực hiện một cách chặt chẽ. 

Chúng tôi sắp xếp cho học sinh khối 9 và 12 học tập ở 2 khu vực cách biệt nhau. Ngay cả phòng cách ly đối với các trường hợp nghi nhiễm cũng được bố trí riêng cho 2 khối lớp. Trường Trần Đại Nghĩa không tiến hành tách lớp vì sĩ số học sinh/lớp không cao, tuy nhiên trường bố trí các lớp cách phòng với nhau, tức là giữa 2 lớp có 1 phòng trống. 

Trong 2 tuần đầu thí điểm dạy trực tiếp, học sinh chỉ học 1 buổi/ngày với 20 tiết/tuần, tập trung vào những môn học có liên quan đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (đối với khối lớp 9) và kỳ thi tốt nghiệp THPT (đối với khối lớp 12), các môn còn lại học sinh vẫn học trực tuyến".

Khoanh vùng theo nhóm nhỏ

Trong khi đó, thầy Trần Văn Luyện, hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng, quận 5, cho hay: "Chúng tôi thực hiện tách lớp làm đôi và thời khóa biểu học trực tiếp chỉ có 3 buổi/tuần, phần còn lại học sinh vẫn tiếp tục học trên Internet. Học sinh vào trường và ra về theo sơ đồ một chiều và lệch giờ để đảm bảo giãn cách".

Đó là đối với trường công lập, TP.HCM còn có rất nhiều trường trung học tư thục tiếp nhận học sinh ở các tỉnh thành ngoài TP đến học. Thầy Ngô Vĩnh Trường, hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Tân Phú, quận Tân Phú, thông tin: "Với những học sinh nội trú, phụ huynh sẽ cho các em test COVID-19 ở nhà trước khi nhập trường vào chiều 12-12. Học sinh và giáo viên quản nhiệm nội trú sẽ thực hiện "3 tại chỗ" trong suốt 2 tuần thực hiện thí điểm đi học lại chứ không về nhà vào cuối tuần như bình thường. Riêng đối với học sinh các lớp bán trú thì phụ huynh sẽ cho các em test COVID-19 tại nhà vào chiều chủ nhật hằng tuần, nếu có kết quả âm tính thì sáng thứ hai các em sẽ đi học".

Theo ông Trường, các học sinh bán trú sẽ học 2 buổi/ngày và ăn trưa tại trường nhưng chỉ học 3 ngày/tuần để hạn chế cho các em phải đi ra đường. Thực hiện quy định phòng chống dịch nên chúng tôi sắp xếp cho học sinh các lớp ăn uống, sinh hoạt, học tập theo nhóm. Học sinh nội trú có những nhóm, cụm riêng, học sinh bán trú cũng có nhóm, cụm riêng. Thậm chí lối đi lên phòng học thì học sinh bán trú và nội trú cũng đi riêng cho dễ khoanh vùng các nhóm.

F1 vẫn đi học bình thường

Theo hiệu trưởng các trường THCS, THPT trên địa bàn TP, khi học sinh đi học trực tiếp chắc chắn không thể tránh khỏi trường hợp có F0 trong trường, trong lớp. "Điều quan trọng là tâm lý phụ huynh và học sinh, cần giữ sự bình tĩnh, không hoang mang, không hoảng hốt khi học sinh thấy bạn mình là F0 hoặc khi phụ huynh thấy bạn của con mình là F0. Trong quy trình xử lý trường hợp nghi nhiễm COVID-19 của Trường Trần Đại Nghĩa, khi học sinh nghi nhiễm được đưa qua phòng cách ly thì thầy giám thị sẽ vào lớp sinh hoạt với những học sinh còn lại của lớp để ổn định tinh thần các em trước. Sau đó mới tiến hành các bước theo hướng dẫn của ngành y tế" - TS Nguyễn Minh chia sẻ.

Ghi nhận về các phương án xử lý F0 ở hầu hết các trường THCS, THPT cho thấy: sau khi F0 được xử lý theo đúng quy trình thì các học sinh là F1 vẫn được đi học bình thường nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và không có bệnh nền. TS Nguyễn Minh cho rằng: "Lớp học có F0 không có nghĩa tất cả học sinh còn lại đều là F1. F1 là những người có giao tiếp khoảng cách dưới 2m với F0, tiếp xúc trong khoảng thời gian 15 phút trở lên. Nhà trường đang yêu cầu các giáo viên thực hiện một số biện pháp, trong đó có việc hạn chế tiếp cận học sinh để tránh tình trạng giáo viên lây nhiễm cho học sinh và ngược lại".

Nhận định về tình hình chuẩn bị để mở cửa trường, ông Hồ Tấn Minh, chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, đúc kết: "Về phía các trường thì đã chuẩn bị khá cặn kẽ, bài bản. Không chỉ chuẩn bị mà đa số các trường còn tổ chức diễn tập cho giáo viên, học sinh về các phương án phòng chống dịch trước khi học sinh đi học lại. Phần còn lại là phụ huynh, giáo viên cần trang bị cho học sinh kỹ năng phòng tránh dịch để bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Đặc biệt phụ huynh, ngành GD-ĐT TP rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các phụ huynh và nhà trường. Phụ huynh cần quan sát sức khỏe của con em mình để khi thấy có biểu hiện bất thường thì cho các em ở nhà chứ không nên đi đến trường".

F0 trong trường là bình thường

qdi_3581 2(read-only)

Một buổi học của học sinh Trường THCS-THPT Thạnh An, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau 1 tháng học sinh xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đi học trực tiếp, thầy Nguyễn Bảo Ngọc, hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thạnh An, nhận xét: "Sau 1 tháng các em khối 9 và 12 đến trường, có 3 lần phát hiện F0 trong trường học nhưng không có dấu hiệu lây lan nên tinh thần giáo viên, học sinh rất ổn định. Có F0 nhưng trường không đóng cửa trường mà tiến hành bóc tách, cách ly F0, đảm bảo công tác phòng chống dịch, quy định 5K… Và trường tiếp tục như thế cho đến hôm nay. Có ca F0 trong trường học là chuyện bình thường, không có gì phải lo ngại, không có gì phải hoang mang".

T.TH.

"Lớp học xanh"

Tôi biết quý phụ huynh đang lo lắng bội phần nhưng chúng ta không thể giữ chân các con trong nhà mãi. Chúng ta cũng không chắc chắn ở nhà không bị nhiễm bệnh. Tôi tự hỏi người lớn được đi ra bên ngoài làm việc, cà phê, tiệc cưới, gym, nhậu... thì sao con trẻ lại không được đến trường?

Để trường học an toàn hơn, tôi nghĩ chúng ta cùng hành động để xây dựng "lớp học xanh". Nếu được, tự đáy lòng, tôi kêu gọi quý phụ huynh hãy cùng tôi làm một việc nhỏ nhưng mang hiệu quả cao: cứ mỗi 20h chủ nhật, phụ huynh cho con em test nhanh và báo kết quả lại cho thầy cô chủ nhiệm. Như thế thì chúng ta chắc chắn có một "lớp học xanh" đúng chuẩn.

(trích thư ngỏ của hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 gởi các phụ huynh lớp 12 trong sáng 12-12)

Đến trường là cần thiết

Tôi cho rằng học sinh đến trường vào thời điểm này là hết sức cần thiết. Việc học trực tuyến kéo dài sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của học sinh, nhất là với lứa tuổi thanh thiếu niên. Hệ lụy của việc học trực tuyến kéo dài còn kéo theo nhiều bệnh như cận thị, loạn thị, cong vẹo cột sống…

Để đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch khi học sinh quay trở lại trường, Sở Y tế TP yêu cầu các trường cần kiện toàn, củng cố bộ phận y tế học đường, cần có bản mô tả công việc cho y tế học đường, nâng cao sức khỏe thể chất của học sinh khi đến trường…

Ông Nguyễn Hữu Hưng (phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) phát biểu tại buổi tập huấn trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 cho các cơ sở giáo dục ngày 8-12

- Tha thiết được đến trường

Phải nói là nửa năm rồi em mới có cảm giác "đi học" nên tâm trạng rất háo hức chờ đợi ngày mai, giải thoát khỏi màn hình vi tính để nhìn bạn bè, thầy cô thật ngoài đời. Đúng là dịch bệnh vẫn còn, biến chủng mới rất đáng lo ngại nhưng không thể không đến trường. Nếu kéo dài, em nghĩ đến tận sang năm, em chưa đến trường nhưng… đã ra trường luôn rồi.

Còn giả phỏng tình huống đi học lại, bạn mình là F0 thì sao, rồi trường lớp phải đóng cửa, em mong là không có F0, nhưng em muốn nếu lỡ có F0 thì vẫn đi học bình thường. Bởi mở cửa trường rồi lại đóng cửa trường sẽ ảnh hưởng tâm lý của học sinh rất lớn. Em sẽ thấy hụt hẫng vì mình chờ đợi đã 4-5 tháng rồi. Mọi thứ cứ diễn ra bình thường, tụi em cũng đã chứng kiến nhiều điều kinh khủng do dịch gây ra nên ý thức cũng đã biết, am hiểu hơn… Đó là chưa kể khi học online, giáo viên bộ môn kỹ năng có phổ biến những câu chuyện xử lý thường nhật khi dịch giã. Hơn bao giờ hết, là một học sinh cuối cấp, em tha thiết được đến trường an toàn, học tập trực tiếp. Em đã chuẩn bị mọi thứ cho ngày mai, khẩu trang, nước sát khuẩn và bình nước riêng cho mình.

Em Phạm Hồng Diễm Quyên

lớp 12A8 Trường THPT Trưng Vương, Q.1

nh-nguyen hien 14 2(read-only)

Tập huấn giáo viên, nhân viên Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11 xử lý các tình huống khi có trường hợp nghi nhiễm COVID-19 tại trường - Ảnh: NH.HÙNG

- Nếu có F0 cũng không nên đóng cửa trường

Đi học trở lại, nếu nói làm cha làm mẹ không lo lắng là không đúng. Thử hỏi đến trường, con không may bị F0, tôi cũng sẽ cuống cuồng lên. Nhưng nghĩ tới thì cũng nghĩ lui, rằng có rất nhiều nguồn lây khác nhau, giờ ở nhà học tập cũng chưa chắc đã an toàn. Lứa tuổi lớp 9 rất cần những kỹ năng giao tiếp bên ngoài, từ bạn bè, thầy cô… nên cho con ra ngoài là điều cần thiết.

Tôi ủng hộ việc con đến trường, an toàn, 5K và nắm rõ những quy trình xử lý khi có F0. Trường cũng đã chuẩn bị những phương án mà thứ bảy tuần rồi đã cho học sinh đến lớp để "chạy chương trình" trước.

Tôi thấy nhiều nơi khác như Hà Nội, Đà Nẵng… có học sinh F0 là đóng cửa trường, nhưng mong TP.HCM sẽ không như vậy mà vẫn tiếp tục cho học sinh đến trường với đầy đủ các biện pháp an toàn. Đây cũng có thể coi như một "trải nghiệm" cần thiết cho học sinh, để có kỹ năng, để ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh.

(Chị Nguyễn Thu Hà, có con học lớp 9/2 Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh)

THẢO THƯƠNG ghi

Các trường THCS, THPT ở TP.HCM sẵn sàng cho ngày trở lại trườngCác trường THCS, THPT ở TP.HCM sẵn sàng cho ngày trở lại trường

TTO - Đến ngày 11-12, các trường THCS, THPT ở TP.HCM đã cơ bản hoàn tất các bước chuẩn bị từ cơ sở vật chất đến những phương tiện, phương án phòng chống dịch COVID-19 để đón học sinh trở lại trường từ ngày mai (13-12).

Xem thêm: mth.17905533221211202-naot-na-coh-id-gnas-nas-mch-pt-o-21-pol-av-9-pol-hnis-coh-000-001-noh-21-31-yan-moh/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hôm nay 13-12, hơn 100.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 ở TP.HCM sẵn sàng đi học an toàn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools