Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc dự Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần 20 ở Hà Nội ngày 13-12 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 - được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội và kết nối trực tuyến với các địa phương vào ngày 13-2 - có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, lãnh đạo các tỉnh thành, và khoảng 70 trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài (đại sứ, tổng lãnh sự).
* Liên quan đến hợp tác chống dịch COVID-19 giữa Việt Nam và Mỹ, vừa qua cả hai nước đều thúc đẩy hợp tác về vắc xin và chuyển giao công nghệ, ông đánh giá thế nào về triển vọng của lĩnh vực hợp tác này?
Đại sứ Hà Kim Ngọc: Tôi nghĩ hướng đi sắp tới là chúng ta phải hợp tác với Mỹ để Việt Nam thành một trung tâm sản xuất vắc xin và tiếp theo là thuốc điều trị và các trang thiết bị y tế.
Trong giai đoạn dịch bùng phát ở TP.HCM, Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trực tiếp gọi điện cho chúng tôi đề nghị đàm phán mua máy thở. Đó là những cái chúng ta rất cần.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vào tháng 8 vừa rồi, phía Mỹ khai trương văn phòng khu vực của CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) tại Hà Nội. Đây cũng là một bước ngoặt rất quan trọng.
Thời gian vừa qua, hai nước hỗ trợ lẫn nhau. Từ tháng 4-2020 chúng ta trợ giúp Mỹ thiết bị và vật phẩm y tế, giờ tới lượt Mỹ trợ giúp chúng ta về vắc xin (cho đến nay Mỹ đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 24 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 - PV). Tôi nghĩ đây là nền tảng rất tốt để chúng ta thúc đẩy hợp tác trong tương lai, nhưng quan trọng nhất vẫn là tự chủ về vắc xin.
* Là đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông đã thúc đẩy việc kết nối giữa Mỹ và TP.HCM về thu hút đầu tư thương mại ra sao?
- Trong các thành phố và địa phương ở Việt Nam thì TP.HCM là một trong những nơi thu hút được sự quan tâm lớn nhất của cộng đồng tri thức người Việt và các nhà đầu tư. Lý do rất thực tế là có rất nhiều người ra đi từ TP.HCM và bây giờ họ rất mong muốn đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
Cơ quan đại diện của nước ta tại Washington D.C. hay các Tổng lãnh sự quán tại San Francisco và Houston (Texas) đã tổ chức nhiều sự kiện kết nối. Chúng tôi chia sẻ thông tin mà TP.HCM cung cấp với các nhà đầu tư để họ hiểu thành phố có ưu thế gì, cần những gì và họ đáp ứng được những gì.
Trước đại dịch chúng ta có những đoàn qua lại, khi vào Việt Nam thì các đoàn đều muốn đi TP.HCM. Tuy nhiên thời kỳ đại dịch thì rất khó khăn để tổ chức các chuyến đi trực tiếp. Chúng tôi có tổ chức một số hoạt động trực tuyến.
Tôi cũng thấy tiềm năng đóng góp của trí thức và các nhà đầu tư, doanh nghiệp người Việt chúng ta tại Mỹ là rất lớn. Chúng tôi rất mong mỏi sắp tới khi tình hình dịch được kiểm soát, thành phố sẽ tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại tới bờ Đông (nơi có đại sứ quán tại Washington D.C.) và bờ Tây (nơi có các Tổng lãnh sự tại San Francisco và Houston, Texas).
* Gần đây, báo chí Việt Nam và thế giới (đặc biệt ở Mỹ) rất quan tâm đến câu chuyện của Vinfast ra mắt ô tô điện ở thị trường Mỹ và câu chuyện Vietnam Airlines có chuyến bay thẳng tới Mỹ vào cuối tháng 11-2021. Đại sứ đánh giá như thế nào về các cột mốc này?
- Về chuyến bay thẳng thì đây là câu chuyện dài và chúng ta đã nỗ lực từ năm 2000. Khi đó, tôi đang công tác tại Tổng lãnh sự quán ở San Francisco.
Khi chuyến bay thẳng diễn ra, anh Mark Chandler, một người bạn lâu năm của tôi và hiện là Giám đốc Văn phòng thương mại quốc tế, Văn phòng Thị trưởng TP San Francisco, đã viết cho tôi dòng thư đầy xúc động. Anh nói là anh đã khóc khi anh phát biểu tại buổi lễ về đường bay trực tiếp. Anh đã không kết thúc được bài phát biểu vì quá xúc động.
Đây là nỗ lực rất lớn của hai phía và chúng tôi đóng góp một phần nhỏ bé vào đó. Như các bạn đã biết, chuyến bay trực tiếp là động lực rất mạnh thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư và đặc biệt là du lịch.
Cá nhân tôi hiện nay đi từ Mỹ về Việt Nam cũng rất mất thời gian. Chúng ta phải quá cảnh hoặc qua Seoul, hoặc qua Tokyo. Một chuyến bay thẳng từ TP.HCM đi Los Angeles, San Francisco hoặc ngược lại (tôi rất mong có chuyến từ Hà Nội), sẽ rút ngắn thời gian đi rất nhiều.
Về câu chuyện Vinfast. Đây là xu hướng mà chúng tôi cũng đã phối hợp và khuyến khích trong rất nhiều năm, kể cả vận động chính quyền trung ương cũng như các địa phương.
Thời Tổng thống Donald Trump chúng ta có một vấn đề đó là thâm hụt thương mại rất lớn. Chúng tôi rất khuyến khích các doanh nghiệp lớn của chúng ta đầu tư. Vingroup trong giai đoạn đó đã xúc tiến triển khai rất khẩn trương và cuối cùng thì mong muốn đó đã trở thành hiện thực.
Đây là một xu hướng rất phù hợp với những ưu tiên của chính quyền Mỹ hiện tại, đó là thân thiện với môi trường và sử dụng năng lượng sạch.
TTO - Chiều 12-12, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN - G7 theo hình thức trực tuyến.
Xem thêm: mth.69403622131211202-91-divoc-nix-cav-taux-nas-mat-gnurt-pal-ym-iov-cat-poh/nv.ertiout