Lãnh đạo ngành văn hóa TP.HCM và khách tham quan dự lễ khai mạc triển lãm - Ảnh: L. ĐIỀN
Triển lãm là một phần trong chuyến "Hành trình theo bước chân cụ Đồ Chiểu" do UBND tỉnh Bến Tre thực hiện, sẽ đi từ Bến Tre đến Long An, ghé TP.HCM và ra Thừa Thiên Huế từ ngày 6 đến 9-6.
Sau khi ghé Long An viếng tượng đài nghĩa sĩ Cần Giuộc và tặng quà cho hậu duệ bà Lê Thị Điền - phu nhân cụ Đồ Chiểu, đoàn hành trình đến TP.HCM hôm 7-6 vừa ghé thăm và tặng quà/ học bổng cho học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10) và Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh).
Chuyên đề triển lãm Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - Cuộc đời và sự nghiệp giới thiệu 95 hình ảnh tư liệu, theo các cụm nội dung: Quê hương, gia đình; Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu; Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu; Nguyễn Đình Chiểu sống mãi; Hoạt động kỷ niệm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.
Công chúng sẽ có dịp xem lại bức bản đồ Gia Định do Trần Văn Học vẽ năm 1815 với quê mẹ Nguyễn Đình Chiểu thuộc làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.
Đồng thời, người xem có thể tìm thấy những hình ảnh tư liệu như: bia lưu niệm tại chùa Tôn Thạnh (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, Long An) là nơi Nguyễn Đình Chiểu từng về dạy học và sáng tác thơ; nền nhà ông Lê Tăng Quýnh ở xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, nơi Nguyễn Đình Chiểu tá túc trong giai đoạn 1859 - 1862; bia lưu niệm nơi Nguyễn Đình Chiểu về sống tại làng An Bình Đông, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 1862 - 1888...
Đặc biệt có bức ảnh tư liệu chụp hậu duệ Nguyễn Đình Chiểu tại lễ khánh thành bia lưu niệm chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu trong chùa Tôn Thạnh, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An vào ngày 11-10-1973. Triển lãm còn trưng bày một số tranh của họa sĩ Đoàn Việt Tiến mới vẽ năm 2022 về đề tài Nguyễn Đình Chiểu.
Ngoài ra, còn có phần hình ảnh chụp trang bìa các tác phẩm: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp; thơ văn yêu nước như: Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Từ biệt cố nhân, Điếu Phan Thanh Giản...
Hình ảnh về các tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác trên nền các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu cũng được giới thiệu đến người xem.
Khách tham quan khu vực triển lãm “Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - Cuộc đời và sự nghiệp” - Ảnh: LAM ĐIỀN
Triển lãm còn là dịp giới thiệu hình ảnh các công trình mang tên Nguyễn Đình Chiểu ở các nơi như: công viên Nguyễn Đình Chiểu ở Ninh Kiều, TP Cần Thơ; đường Nguyễn Đình Chiểu ở TP Huế; đường Nguyễn Đình Chiểu ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu ở TP.HCM; toàn cảnh di tích quốc gia đặc biệt Mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre...
Triển lãm mở cửa đến ngày 17-6-2022.
Trong bài phát biểu khai mạc triển lãm, ông Võ Trọng Nam - phó giám đốc Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM - ghi nhận "cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu luôn gắn liền với vận mệnh của đất nước và nhân dân trong giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc".
Hoạt động triển lãm và hành trình lần này cũng là một dịp vinh danh Nguyễn Đình Chiểu sau khi kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), từ ngày 9 đến ngày 24-11-2021 đã thông qua nghị quyết vinh danh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân văn hóa và tham gia kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022.
Các ảnh tư liệu tại triển lãm:
Bia lưu niệm ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre
Hậu duệ Nguyễn Đình Chiểu năm 1973
Bia lưu niệm ở chùa Tôn Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An
Tranh của họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh vẽ đề tài: Nguyễn Đình Chiểu sáng tác, bà Sương Nguyệt Anh ghi chép
Tranh của họa sĩ Đoàn Việt Tiến vẽ đề tài Nguyễn Đình Chiểu bắt mạch chữa bệnh
Toàn cảnh khu di tích quốc gia đặc biệt Mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu
TTO - Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ được yêu thích rộng rãi ở Việt Nam từ hơn 150 năm nay. Nhìn từ lý tưởng và sứ mệnh của UNESCO, chúng ta thử điểm lại những giá trị cụ Đồ đã góp cho hành trang của chúng ta, cho con cháu hôm nay và mai sau.