Từ mạo danh bác sĩ quốc tế...
Bà V.T.M (60 tuổi, ngụ xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, Bình Phước) thường sử dụng mạng xã hội Facebook để kết bạn, trò chuyện với mọi người. Cách đây một tháng, tài khoản Facebook có nick "Mr. Cheng" (tức Sang) xưng là bác sĩ, đang làm việc cho Liên Hợp Quốc ở Somalia, gửi tin nhắn kết bạn với bà M.
Hàng ngày, hai bên đều nhắn tin trao đổi qua lại về cuộc sống. Sang gửi hình đang mặc áo blue khám bệnh cùng một số ảnh sinh hoạt ở Somalia. Qua trò chuyện, Sang cho biết về hoàn cảnh gia đình mình. Theo đó, vợ anh ta đã mất vì tai nạn giao thông, đứa con gái 10 tuổi đang học ở trường nội trú quốc tế tại Hà Nội. Do bố mẹ cũng không còn và không có anh em thân thích nên Sang xin nhận bà M. làm chị kết nghĩa. Đầu tháng 11/2023, Sang nhắn tin muốn nghỉ phép về thăm con, sẵn thăm bà M. nhưng phải làm đơn trình Liên Hiệp Quốc duyệt là có chị gái ở TP.Hồ Chí Minh bảo lãnh để mua vé máy bay.
Sau đó, Sang gửi cho bà M. một tài khoản Gmail để tải lấy tờ đơn xin nghỉ phép của Sang ký vào rồi gửi vào Gmail của Liên Hợp Quốc do Sang cung cấp. Bà M. đã làm như hướng dẫn thì được thông tin từ "Liên Hợp Quốc" phản hồi là muốn nghỉ phép thì phải đóng phí. Theo đó, gói nghỉ phép 90 ngày phải mất phí 650 triệu đồng (quy đổi từ tiền USD), gói 60 ngày thì mất phí 540 triệu đồng, gói 30 ngày mất phí 150 triệu đồng.
Bà M. liền thông báo cho Sang biết có 3 gói đóng phí để chọn lựa cho kỳ nghỉ phép. Sang tỏ vẻ mừng rỡ, cám ơn bà M. nhưng sau đó nhắn lại là vừa gửi tiền về nước đóng học phí cho con gái nên thiếu tiền nên nhờ bà M. cho mượn thêm 100 triệu đồng để đóng phí, khi về Việt Nam sẽ hoàn trả đầy đủ. Thấy bà M. có vẻ băn khoăn, Sang tiếp tục nhắn tin hối thúc bà chuyển tiền gấp để ngày mai kịp mua vé cho chuyến bay từ Somalia về Việt Nam. Khi đến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có xe của cơ quan đón và đưa tới nhà thăm bà M. Sang nói có mang theo món quà quý hiếm của châu Phi để tặng bà và người thân, đồng thời người đón sẽ đưa tiền cho Sang để hoàn trả đầy đủ số tiền mượn của bà M.
Sáng hôm sau, bà M. mang sổ tiết kiệm đến ngân hàng để rút 100 triệu đồng gửi cho Sang. Tại đây, nhân viên ngân hàng thấy vẻ hấp tấp của bà M. nên tìm hiểu biết được sự việc đã báo Công an tỉnh Bình Phước đến kịp thời ngăn chặn việc rút tiền của bà M. và giải thích cho bà biết đã bị kẻ xấu lừa gạt. Quả nhiên, không thấy bà M. gửi tiền, biết bị lộ, đối tượng đã xóa tài khoản kết bạn ngay lập tức.
...Đến giả dạng lái heo
Chiêu trò lừa đảo này khiến người dân địa phương bức xúc vì trước giờ người nông dân buôn bán thường được các thương lái đến cân, bắt heo trước rồi trả tiền sau nhưng không ngờ lần này lại bị lừa vì sơ ý và quá cả tin. Người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm ra nhóm người này để xử lý và cảnh tỉnh đến nhiều người biết, tránh bị mắc lừa.
Ngày 20/11/2023, chị Nguyễn Thị T. (50 tuổi, trú thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, Long An) đến Công an huyện Thủ Thừa trình báo vừa bị một nhóm đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt bầy heo. Theo chị T., nhà có nuôi 5 con heo thịt, đến thời điểm xuất chuồng nên chị tìm thương lái để bán. Cũng nhiều mối đến trả nhưng chưa được giá nên chị T. không bán.
Sáng 18/11, có một nhóm đối tượng đến giả danh là thương lái đang đi mua heo thịt và trả giá rất cao nên chị T. đồng ý bán. Hôm sau, có 2 người đến nhà chở heo đi, không trả tiền cho chị mà hứa sau khi chở 3 con heo sẽ quay lại chở tiếp 2 con còn lại và trả tiền luôn. Vì tin người nên chị T. đồng ý. Thế nhưng đợi lâu không thấy 2 người đàn ông quay lại, chị T. gọi điện thoại thì không liên lạc được.
Không chỉ chị T., thời gian qua, Công an huyện Thủ Thừa cũng nhận được tin báo của một số hộ dân chăn nuôi heo thịt đến thời điểm xuất chuồng thì bị một nhóm đối tượng giả danh thương lái đến nhà mua heo với giá cao rồi bắt heo "lặn" mất tăm. Cụ thế là trường hợp chị N.T.A (40 tuổi, ngụ xã Mỹ An). Ngày 12/10/2023, chị A. gọi điện thoại cho một người quen nhờ kêu dùm thương lái quen để bán đàn heo 9 con. Sau đó, lái heo gọi lại hỏi số lượng, địa chỉ nhà, hẹn sáng hôm sau đến coi heo.
Tuy nhiên, đến trưa có cặp vợ chồng đến nhà chị A. hỏi mua heo và cho biết do hay mua heo khu vực này nên biết bầy heo nhà chị đến ngày xuất chuồng. Nghe chị A. nói mai có lái đến bắt thì hai người này trả giá cao hơn, rồi kêu xe lôi đến lùa 6 con heo lên chở đi. Người phụ nữ ở lại đưa số điện thoại cùng địa chỉ nơi cư ngụ rồi nói: "Để chiều đến bắt số heo còn lai rồi trả tiền". Đến tối, không thấy họ quay lại, chị A. liên lạc lại không được liền tìm đến địa chỉ đã cho thì không có ai, đành đến công an trình báo.
Theo người dân địa phương, không riêng về gia súc, gia cầm mà các loại nông sản khác, người dân vẫn tin tưởng các thương lái dù lạ hay quen, hứa thanh toán sau mà không nghi ngờ. Chính điều này dẫn đến kẻ gian đã giả danh thương lái dỏm để đến nhà lừa gạt. Hiện công an đang điều tra, truy bắt số đối tượng lừa mua heo không trả tiền.
Cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác hơn nữa. Khi mua bán nên yêu cầu thanh toán rõ ràng, không ham lợi giá cao để bị lừa mất tiền. Điển hình như trường hợp thương lái đến hỏi mua heo cho "thương nhân nước ngoài" với giá cao hơn giá của các thương lái ở địa phương cả trăm ngàn đồng một tạ heo. Cân xong trao tiền sòng phẳng, nhưng khi người dân cầm tiền ra gửi ngân hàng mới té ngửa vì trong số tiền này có hàng chục tờ tiền giả!
Xem thêm: lmth.709551_oad-aul-ed-iv-hnit-naod-uht-cac-gnud/caig-hnac/na-uv/nv.moc.nagnoc