Trái phiếu doanh nghiệp và hàng nghìn tỉ đồng thu hút từ kênh này sẽ được sử dụng đúng mục đích hay là nguồn cơn cho cá nhân, tổ chức trục lợi? Bộ Tài chính cho biết sẽ khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý để kiểm soát rủi ro của hoạt động này.
Tiền trái phiếu đã đi đâu?
Bộ Tài chính mới đây đưa ra nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng nóng, xuất hiện một số hiện tượng huy động vốn trái phiếu chưa tuân thủ quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng cũng đã có những động thái xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa cho biết, đang phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) xử lý vụ việc các công ty có hành vi chào bán chứng khoán nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Kết quả kiểm tra cho thấy hoạt động chào bán trái phiếu của một số công ty có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.
"Các khoản tiền thu được các cá nhân trong doanh nghiệp rút ra khỏi tài khoản của doanh nghiệp và không được nhập quỹ đầy đủ, không được theo dõi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp" - Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết.
Vụ việc trên là điển hình cho dấu hỏi về dòng tiền thu được từ trái phiếu đã và đang đi đâu. Nó sẽ được doanh sử dụng đúng mục đích cam kết ban đầu với nhà đầu tư hay trở thành nguồn cơn của hành vi trục lợi? Dù vậy, lượng tiền lớn vẫn đổ vào trái phiếu doanh nghiệp, dù cho tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp.
Đơn cử như mới đây, Công ty Cổ phần Crystal Bay phát hành thành công 4,5 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, thu về 450 tỉ đồng. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu vừa phát hành là 78,2 triệu cổ phần của Crystal Bay
Hay như trường hợp Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt với khoản huy động 1.900 tỉ đồng, kỳ hạn 60 tháng, lãi suất cố định 11,5%/năm. Mục đích phát hành là góp vốn hợp đồng đặt cọc hợp tác kinh doanh dự án đầu tư 2 tòa văn phòng tại đường Đại Cồ Việt (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tài sản đảm bảo là quyền phát sinh từ hợp đồng đặt cọc hợp tác kinh doanh quyền sở hữu 200 tỉ đồng vốn điều lệ, tương đương 12,5% vốn góp tại Công ty Ngôi sao Việt.
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý
Phía Bộ Tài chính cho biết, từ thực tế hoạt động trên thị trường trái phiếu hiện nay, cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tăng cường việc quản lý, giám sát, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, các tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.
Đồng thời, cơ quan chức năng đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Trong đó, đáng chú ý, nghị định mới sẽ bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinRatings - cho biết, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp giải quyết vấn đề bất đối xứng thông tin cho nhà đầu tư. Các đơn vị xếp hạng tín nhiệm đưa ra chuẩn hóa về mặt thông tin để các nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định nhanh chóng. Đồng thời, xếp hạng tín nhiệm còn giúp cho cả nhà phát hành nhìn nhận mình tốt hơn, xây dựng hồ sơ năng lực tín dụng trên thị trường trong nước và quốc tế; hỗ trợ các cơ quan quản lý để định hình các chính sách, quy chuẩn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cho hợp lý.
Xem thêm: odl.029389-ueihp-iart-ut-gnod-yuh-neit-nougn-ev-gnouht-tab-ueih-uad/et-hnik/nv.gnodoal