Bất chấp tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bùng nổ khi VN-Index liên tục vượt đỉnh lịch sử. Bên cạnh làn sóng từ nhà đầu tư cá nhân, đà tăng trưởng của thị trường còn được hỗ trợ từ kỳ vọng về gói kích thích kinh tế quy mô hàng chục tỷ USD. Đây là lần thứ hai Việt Nam có gói kích thích kinh tế lớn và quy mô lần này lớn hơn đáng kể so với thời kỳ 2008-2009.
Năm 2009, đứng trước suy giảm kinh tế và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, gói kích thích kinh tế của Chính Phủ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất 4% như "liều thuốc" giúp thị trường chứng khoán lội dòng ngoạn mục.
Theo nhận định của các chuyên gia tại đối thoại chuyên đề: "Thị trường chứng khoán với gói kích thích kinh tế: Cú hích tăng trưởng và rủi ro bong bóng" do VnEconomy tổ chức, gói hỗ trợ kinh tế hiện nay sẽ không thể khiến thị trường chứng khoán bùng nổ như thời điểm năm 2009.
Bàn về vấn đề này, TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh, sáng lập QMV Group nhận định, bối cảnh thị trường hiện tại khác hoàn toàn với năm 2009. Theo chuyên gia, nền kinh tế thời điểm đó chuyển từ trạng thái thiếu tiền sang thừa tiền, việc bơm thanh khoản quá mức là một nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ của thị trường chứng khoán.
Trong thời điểm hiện tại, gói kích thích kinh tế sắp được bơm ra trong khi thị trường không thiếu tiền, nguồn tiền mới đẩy thị trường tăng cao. Ông Hào cũng nhấn mạnh, gói hỗ trợ kinh tế bản chất không phải bơm thêm tiền mới mà là tìm cách đưa tiền vào các hoạt động kinh tế. Trong khi đó, nền kinh tế như một cỗ máy, nếu cỗ máy đó chưa được khôi phục thì tiền vẫn sẽ nằm lại thị trường.
Đáng chú ý, kể từ khi thông tin về gói hỗ trợ được đưa ra trên các phương tiện truyền thông, mức độ rủi ro chung trên thị trường có xu hướng giảm, khi đó định giá tài sản được dâng lên. Đây một trong những nguyên nhân giúp chứng khoán thời gian gần đây ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng.
"Chính tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư vào gói hỗ trợ đã khiến thị trưởng bứt phá thời gian qua. Tuy nhiên chúng ta đừng kỳ vọng sau khi gói hỗ trợ được bơm ra sẽ khiến thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng giống như thời điểm năm 2009", TS. Quách Mạnh Hào nhận định.
Vị chuyên gia cũng cho biết, khi gói hỗ trợ chính thức được công bố, cỗ máy kinh tế bắt đầu hoạt động bình thường cũng là lúc thị trường chứng khoán sẽ phải cạnh tranh với Chính phủ trong việc sử dụng nguồn tiền của xã hội. Do đó, nhà đầu tư không thể quá mong mỏi vào việc thị trường sẽ tăng bằng lần như thời điểm trong quá khứ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinGroup cũng cho rằng nguồn tiền sắp tới cho gói hỗ trợ không phải mới, do đó nhà đầu tư không nên kỳ vọng gói hỗ trợ sẽ khiến thị trường bứt phá mạnh như thời điểm năm 2009.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinGroup
Nhìn về thời điểm năm 2009, gói kích cầu đã giúp thị trường bứt phá khi chỉ số VN-Index chạy từ 250 lên 600 điểm chỉ trong 6 tháng. Khi đó, có 72 mã tăng giá từ 200% trở lên, chủ yếu trong các ngành Xây dựng, Thép, BĐS, Nhựa, Khai khoáng,... nhờ vào những thông tin tích cực từ gói hỗ trợ kinh tế.
"Tuy nhiên, thị trường khi đó quy mô nhỏ chỉ bằng 1/20 hiện tại nên nhiều cổ phiếu dễ tăng bằng lần. Hiện tại quy mô thị trường lớn với 1.700 cổ phiếu niêm yết và giao dịch, vốn hoá vượt GPD và khả năng tiền thật bơm ra ngoài ít, do đó không nên quá kỳ vọng vào đà tăng mạnh như trong quá khứ".
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Fiin Group, thị trường vẫn có khả năng đón sóng khi gói hồi phục kinh tế được bơm ra, song sẽ có sự phân hoá giữa các nhóm ngành. Đặc biệt, những nhóm cổ phiếu trong nhóm VN30 sẽ có dư địa tăng nhiều hơn khi nhóm cổ phiếu đầu cơ đã tăng mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, những ngành được hưởng lợi nhờ gói kích cầu có thể là xây dựng, vật liệu xây dựng, tài chính, ngân hàng.
Minh Minh
Doanh nghiệp và Tiếp thị