Thương hiệu Chuk Chuk ra mắt đầu tháng 11, độc quyền các thức uống làm từ trái cây tươi không sử dụng hương liệu, được sản xuất và chế biến thông qua nhà máy của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido.
Dù mới kinh doanh nhưng ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn Kido cho biết, trung bình mỗi cửa hàng Chuk Chuk đã bán được khoảng 500-700 hoá đơn một ngày. Kido kỳ vọng đến hết năm 2022 sẽ mở khoảng 300-400 cửa hàng Chuk Chuk ở Việt Nam và kết nối với các đối tác chiến lược để đưa chuỗi vươn ra Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Bắt tay với các gã khổng lồ ngành bán lẻ
Chiều 12/12, Kido (KDC) hoàn tất ký hợp tác với Central Retail để đưa chuỗi F&B của mình vào hệ thống 39 trung tâm thương mại GO! Mall trên toàn quốc.
Trước đó một tuần, hãng này cũng đã bắt tay với Tập đoàn Sơn Kim (doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25) để thực hiện kế hoạch phủ kín các sản phẩm của Chuk Chuk tại chuỗi cửa hàng này.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn Kido cho biết, đây là cách giúp tập đoàn nhanh chóng chiếm vị trí số một về quy mô mảng đồ uống tươi tại thị trường Việt Nam trong năm 2022 và nhanh chóng được biết đến tại thị trường quốc tế vào 2023.
Cụ thể, giai đoạn 2023-2026, Kido và Kim Sơn sẽ đưa thương hiệu Chuk Chuk mở rộng toàn quốc và vươn ra thị trường quốc tế. Trong đó, đồ uống của Kido sẽ được bán tại GS25 ở Hàn Quốc. Với đối tác Central Retail, Chuk Chuk cũng sẽ có mặt trong hệ thống siêu thị, cửa hàng của tập đoàn này tại Thái Lan và Đông Nam Á.
"Chúng tôi chọn cách 'kết duyên với các gã khổng lồ' ngành bán lẻ để đi xa và đi nhanh hơn. Kỳ vọng, hết năm 2022, Kido sẽ bành trướng tại thị trường Việt Nam với 300-400 chuỗi cửa hàng đồ uống mang thương hiệu Chuk Chuk, doanh số có thể đạt 500 tỷ đồng. Kido sẽ nhanh chóng được xếp hạng doanh nghiệp tỷ USD thời gian tới", ông Nguyên nói.
Ông Nguyên cho biết chọn Sơn Kim và Central Retail vì đây là 2 đối tác đang có vị thế trên thị trường với việc sở hữu hệ thống bán lẻ hiện đại và liên tục cập nhật xu hướng mới. Ngoài ra, đây là những đơn vị có thể giúp Kido hiện thực hoá giấc mơ đem đồ uống tươi được chế biến từ nông sản của Việt Nam vươn ra thế giới...
Tại Việt Nam, Central Retail đang sở hữu danh mục thương hiệu bán lẻ đa dạng với hơn 290 cửa hàng, 39 trung tâm thương mại đặt tại nhiều tỉnh thành phố trên toàn quốc. Trong khi đó, GS25 có tới 150 cửa hàng tại Việt Nam và hơn 15.000 cửa hàng tại Hàn Quốc. "Hai đại gia này sẽ là bệ phóng giúp sản phẩm của Kido đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước", ông Nguyên chia sẻ.
Chia sẻ về lợi thế cạnh tranh và điểm khác biệt của thương hiệu Chuk Chuk, lãnh đạo Kido cho rằng, toàn bộ nguyên liệu tươi để chế biến ra thức uống của hãng 100% là nông sản chất lượng của Việt Nam.
Mô hình đầu tư chuỗi F&B của Kido cũng có chi phí thấp, chỉ bằng 30% so với các đối thủ. Do đó, sản phẩm cung cấp tới tay người tiêu dùng có giá hấp dẫn hơn đối thủ.
Để đa dạng hoá sản phẩm và phù hợp với xu hướng người tiêu dùng, Chuk Chuk có những combo thức uống phù hợp với nhiều khung giờ của nhiều nhóm khách hàng. Ngoài trà sữa, trà trái cây, kem, cà phê, sắp tới hãng này sẽ có cả trà chiều cho những nhóm khách có sở thích này. "Kido cũng sẽ nghiên cứu và điều chỉnh mùi, vị theo khẩu vị của từng khu vực trong và ngoài nước", lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho rằng, chiến lược trên của Kido sẽ là cầu nối đưa sản phẩm, nông sản Việt phủ khắp toàn quốc, đến Thái Lan, nhiều quốc gia ở ASEAN và vươn xa tại Hàn Quốc.
Tại thị trường Thái Lan, theo ông Christian Olofsson, Giám đốc điều hành Khối phát triển bất động sản của Central Retail, phân khúc người tiêu dùng trẻ ở quốc gia này đang tăng nhanh, đồng thời những người này cũng rất háo hức trải nghiệm sản phẩm mới, đặc biệt là từ nước ngoài. Do đó, ông tin rằng Chuk Chuk sẽ có cơ hội lớn để phát triển tại quốc gia này.
Với Việt Nam, ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) theo các nghiên cứu mới đây, được đánh giá rất tiềm năng khi chiếm khoảng 15% GDP, cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng cho mặt hàng này ngày càng tăng, đặc biệt là nhóm đồ uống tốt cho sức khoẻ.
Những năm gần đây, ngành giải khát của Việt Nam tăng trưởng ổn định từ 8-10%, trong đó ngành giải khát không gas có tốc độ tăng trưởng cao hơn (khoảng 10-12%) do người tiêu dùng quan tâm sản phẩm bảo vệ sức khỏe nhiều hơn. Vì vậy, đây được cho là cơ hội cho Kido khi có tham vọng bành trướng thị trường này.
Thi Hà