Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án kinh doanh, thương mại.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, hoạt động thi hành án dân sự nói chung, thi hành án kinh doanh thương mại nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng thực thi công lý, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Kết quả thi hành án xong về việc, về tiền loại án này ngày càng cao; qua đó kịp thời giải phóng các nguồn lực kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.
Trong hai năm 2020-2021, các cơ quan thi hành án phải tổ chức thi hành 970.141 việc tương ứng với số tiền hơn 550.607 tỷ đồng, trong đó loại án kinh doanh thương mại là 77.383 việc và hơn 121.399 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ trên 22% trong tổng số phải thi hành).
Tuy nhiên tỷ lệ thi hành xong về việc và về tiền của các cơ quan thi hành án đối với loại án kinh doanh thương mại trung bình 2 năm qua chỉ đạt 53,64% về việc và 35,93% về tiền - thấp hơn tỷ lệ trung bình của toàn quốc.
Vì vậy, Bộ Tư pháp cho biết mục tiêu của đề án trên nhằm bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật và góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong việc thực thi các bản án kinh doanh thương mại, các phán quyết giải quyết tranh chấp và từ đó cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài...
Phấn đấu nâng tỷ lệ thi hành các bản án kinh doanh thương mại xong về việc và về tiền.
Dự thảo đề án đặt mục tiêu rà soát, đánh giá tổng thể quy định của Luật Thi hành án dân sự, các văn bản hướng dẫn thi hành và đề xuất giải pháp hoàn thiện. Tập trung rà soát, có giải pháp xử lý phù hợp đối với các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành (nhất là ở những địa bàn có số lượng nhiều như TPHCM, Hà Nội và các địa phương), đã kéo dài nhiều năm chưa thể thi hành được.
Đề xuất tổ chức chỉ đạo tháo gỡ, giao tài sản cho người mua trúng đấu giá theo quy định, nhất là các địa bàn có số tài sản chưa giao lớn như Hà Nội, An Giang, TPHCM, Đắk Lắk, Kiên Giang, Lâm Đồng, Quảng Ngãi.
"Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ đối với việc thi hành án các bản án kinh doanh thương mại theo mô hình: Tổng cục Thi hành án dân sự kiểm tra đối với Cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án kiểm tra đối với Chi cục, Chi cục kiểm tra đối với từng Chấp hành viên. Việc kiểm tra gắn với trách nhiệm giải trình và xử lý nghiêm nếu phát hiện ra sai phạm"- Bộ Tư pháp cho hay.
Đặc biệt phải đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong tổ chức thi hành các bản án kinh doanh thương mại theo phương châm "hướng về cơ sở": Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thi hành các bản án kinh doanh thương mại theo định kỳ hàng tháng, quý, năm đối với từng đơn vị, từng Chấp hành viên để kịp thời có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành vụ việc…
Thế Kha