Trong bối cảnh lãi suất thấp, thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua ghi nhận lượng nhà đầu tư mới tăng mạnh và xác lập nhiều kỷ lục khi Vn-Index đạt mốc 1.500 điểm vào ngày 25/11, thị trường ghi nhận những phiên thanh khoản kỷ lục. Bên cạnh đó, gói kích thích kinh tế lên đến 800.000 tỷ đồng, tương ứng 35 tỷ USD dự kiến triển khai từ đầu 2022 trong bối cảnh thị trường chứng khoán hoàn toàn khác 2009, không phải đang suy thoái mà lúc này đang đạt đỉnh mới.
Ngày 13/12, Đối thoại chuyên đề: "Thị trường chứng khoán với gói kích thích kinh tế: Cú hích tăng trưởng và rủi ro bong bóng" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức đã diễn gia với sự tham gia của nhiều chuyên gia để cùng giải mã lo ngại đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán và phân tích ảnh hưởng của gói hỗ trợ kinh tế tới thị trường chứng khoán.
Hỗ trợ doanh nghiệp theo 2 giai đoạn
Tại hội thảo, TS. Võ Đình Trí chỉ ra 2 "điểm nghẽn" gây ra tình trạng các doanh nghiệp hấp thụ tín dụng kém thời gian qua dù dòng vốn dồi dào.
Thứ nhất, ông đánh giá nguồn cung của ngân hàng lớn nhưng việc giải ngân đến các doanh nghiệp đang bị vướng do phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp nguồn vốn từ các ngân hàng rất khó khăn. "Nếu khơi thông, kết nối giữa nguồn cung vốn của hệ thống ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cỗ máy sẽ chạy trơn tru hơn" - ông Trí nói.
Thứ hai, nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất của doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm đáng kể do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng bị chững lại do nhu cầu thế giới giảm sút. "Sang năm 2022, với các chính sách hỗ trợ cùng gói kích thích hàng tỷ USD, tôi kỳ vọng nguồn vốn lãi suất thấp sẽ được khơi thông, kéo theo kinh tế Việt Nam bứt tốc mạnh mẽ" - ông nói.
Theo TS. Võ Đình Trí, hiện nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào những doanh nghiệp khi được tiếp nhận nguồn vốn này với chi phí thấp, sẽ đẩy vào hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu quả, từ đó sẽ tạo ra doanh thu và lợi nhuận trong 2-3 năm tới đây. "Tuy nhiên, một vấn đề cũng được đặt ra là sẽ có tình trạng doanh nghiệp nhận vốn nhưng chưa có dự án sản xuất kinh doanh lại bỏ tiền vào trong chứng khoán, cần giám sát chặt chẽ" - ông nhận định.
Ông đánh giá, để giải quyết điều này, gói kích thích Chính phủ đang thiết kế cần được giải ngân, sử dụng hiệu quả, dự án được triển khai đúng kỳ hạn. Ông cho biết thêm, chính phủ các quốc gia khác thường hỗ trợ doanh nghiệp theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn đầu, "cấp cứu" cho các doanh nghiệp ngay trong giai đoạn giãn cách. "Tại Pháp, lúc đầu hơi lấn cấn về mặt thủ tục, nhưng sau đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ rất nhanh. Nhiều chủ doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng trong quá trình được nhận hỗ trợ từ phía Chính phủ" - ông nêu ví dụ.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết cần lưu ý một số vấn đề tiêu cực. Đơn cử, Bộ Tài chính của Pháp đã phát hiện ra việc nhiều doanh nghiệp lạm dụng thủ tục nhận hỗ trợ đơn giản, chỉ cần lên Internet kê khai mã số doanh nghiệp, đưa số tài khoản, tiền sẽ được chuyển nhanh chóng. "Thậm chí, có một hệ thống lập doanh nghiệp giả, lấy mã số doanh nghiệp giả để được hỗ trợ" - ông nói.
Giai đoạn thứ hai là phục hồi và cần ưu tiên hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng trụ vững sau dịch, có đóng góp nhiều cho tiến trình phục hồi. Khó khăn hai năm qua ập đến bởi đại dịch, không phải do sức khỏe doanh nghiệp ốm yếu từ trước đó. "Do đó, Chính phủ cân nhắc kỹ càng những tiêu chí, chọn lọc đối tượng nhận hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp sắp thành "xác sống" nhưng ăn may, khi dịch ập đến lại được xếp chung vào các nhóm doanh nghiệp bị bệnh, sẽ không có cửa nhận hỗ trợ" - ông nói.
"Với cách giải quyết thông thường như trên, tôi cho rằng doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán sẽ không tránh khỏi sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành. Thậm chí, doanh nghiệp trong cùng một nhóm cũng sẽ xuất hiện việc phân hóa" - TS. Võ Đình Trí nhấn mạnh.
Thị trường sẽ không tăng trưởng như năm 2009
Về gói hỗ trợ mới có thể triển khai trong năm tới của Chính Phủ, TS. Quách Mạnh Hào - Giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh nhận định bối cảnh của gói kích thích hỗ trợ kinh tế lần này khác với những gì đã diễn ra năm 2009, sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. "Thời điểm năm 2009 thị trường chuyển từ trạng thái thiếu tiền sang thừa tiền, thanh khoản quá mức dẫn tới sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán ngay lập tức" - ông nói.
TS. Quách Mạnh Hào cho rằng tiền trên thị trường còn nhiều, tiền dư thừa, nhàn rỗi đã chảy vào thị trường và đẩy thị trường đi lên. "Vấn đề ở chỗ, nền kinh tế giống như cỗ máy, nếu cỗ máy đó chưa khôi phục để chạy được, tiền vẫn nằm lại thị trường, nó cho thấy khó có dấu hiệu giảm trong giai đoạn trước mắt. Nhưng một khi các hoạt động kinh tế trở lại, có thể nguồn tiền vào thị trường sẽ giảm dần đi, gói hỗ trợ sẽ đưa tiền trở lại hoạt động kinh tế chứ không phải bơm mới ra" - ông cho hay.
Với gói hỗ trợ kinh tế lần này, ông đánh giá bản chất không hẳn là bơm thêm tiền mà sẽ tìm cách đưa tiền quay trở lại, tập trung hoạt động sản xuất kinh doanh. "Hiện, hầu hết mọi người đều kỳ vọng gói hỗ trợ sẽ mang lại tâm lý tích cực cho thị trường, kéo theo sự tăng trưởng. Chúng ta đừng kỳ vọng sau khi gói hỗ trợ đưa ra, thị trường sẽ tăng trưởng mạnh như năm 2009" - TS. Quách Mạnh Hào nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinGroup cho rằng, việc kỳ vọng vào sự bứt phá mạnh mẽ của VN-Index chỉ dựa vào gói hồi phục kinh tế này là điều khó có thể xảy ra.
Nhìn lại diễn biến giá chứng khoán từ gói kích cầu năm 2009, giai đoạn 6 tháng từ tháng 4/2009 - tháng 10/2009, từ khi thị trường rò rỉ thông tin gói kích cầu cho đến lúc duyệt gói và kích cầu, nhiều cổ phiếu tăng bằng lần trong khi VN-Index chạy từ 250 lên 600 và ở mức định giá cao hơn bây giờ rất nhiều.
"Cá nhân tôi cho rằng vẫn còn cơ hội tăng trưởng cho thị trường và các nhóm ngành này. Tuy nhiên không thể tăng bằng lần như giai đoạn trước nữa vì thị trường bây giờ quy mô quá lớn, có đến 1.700 cổ phiếu niêm yết, vốn hoá lớn vượt cả GDP, khả năng tiền thật bơm ra ngoài ít nên cũng không quá kỳ vọng" - ông nói. Trong khi đó, ông cho biết giai đoạn 2009, thị trường bé như "ao làng" - chỉ có khoảng 200 mã chứng khoán, vốn hóa 400.000 tỷ đồng, bằng 1/20 hiện nay.
"Tôi vẫn giữ quan điểm thị trường chứng khoán đã được kích cầu từ dòng tiền mới đến từ nhà đầu tư cá nhân F0, F0+n. Mọi người đã kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng, hạ tầng... Vậy thì khi có gói kích thích nền kinh tế, chứng khoán cơ hội ăn bằng lần nữa không? Theo tôi là có thể vẫn còn, dù sẽ khó" - ông Thuân nhấn mạnh.