Quan hệ Nga-Ấn trong quá khứ vốn rất phức tạp do vị thế địa chính trị của hai nước, và hội nghị thượng đỉnh tuần trước giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho thấy hai bên muốn giữ mối quan hệ thân thiết. Theo tờ South China Morning Post, mối quan hệ này thậm chí nó có thể sẽ khiến Mỹ và Trung Quốc phải quan ngại.
Quan hệ Nga-Ấn “không nên bị xói mòn do thay đổi địa chính trị”
Theo ông Harsha Kakar - cựu Thiếu tướng quân đội Ấn Độ, cuộc họp đã chứng minh rằng bất chấp các mối quan hệ hiện có của Nga-Trung Quốc và Ấn Độ-phương Tây hay bất kỳ sự liên kết nào, một mối quan hệ đã được xây dựng qua nhiều năm không nên bị xói mòn do thay đổi địa chính trị.
Kể từ vụ bất ổn tại Ukraine hồi năm 2014, Nga đã tăng cường quan hệ quân sự và kinh tế với Trung Quốc giữa lúc phương Tây lên án việc Moscow sáp nhập Crimea và cáo buộc nước này hậu thuẫn cho cuộc nổi dậy ở miền đông. Mỹ gần đây cũng cảnh báo sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow nếu họ đưa quân vào Ukraine. Chính quyền ông Putin cũng bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với Ấn Độ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: EPA
Trong khi đó, Ấn Độ đã tăng cường liên minh với các quốc gia phương Tây, bao gồm cả việc tham gia “Bộ tứ kim cương” (QUAD - liên minh an ninh do Mỹ dẫn đầu) để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Chính quyền New Delhi và Bắc Kinh cũng xảy ra căng thẳng ở khu vực biên giới giữa hai nước trong suốt 19 tháng qua.
Trong cuộc họp ngày 6-12, hai nhà lãnh đạo đã ký 28 thỏa thuận trong các lĩnh vực như than đá, đóng tàu, luyện kim và dầu mỏ. Moscow và New Delhi cũng cam kết đến năm 2025 sẽ nâng thương mại song phương lên 30 tỉ USD và đầu tư lẫn nhau lên 50 tỉ USD.
Không chỉ thế, hai nhà lãnh đạo còn thống nhất thỏa thuận để Ấn Độ tự sản xuất hơn 600.000 khẩu súng trường tấn công AK-203 của Nga để sử dụng trong quân đội. Hai nước cũng đã gia hạn một thỏa thuận quân sự-kỹ thuật giúp chuyển giao công nghệ quốc phòng giữa hai nước thêm 10 năm.
Theo số liệu thống kê của chính phủ Nga, nước này đã bán cho Ấn Độ số lượng vũ khí trị giá khoảng 70 tỉ USD kể từ năm 1991. Tuy con số này đã giảm kể từ khi Ấn Độ tự sản xuất vũ khí, nhưng hai bên vẫn hợp tác trong các dự án phát triển vũ khí chung, từ tên lửa hành trình siêu thanh đến các chiến hạm tàn hình.
Hệ thống phòng không tầm xa S-400 mà Ấn Độ mua từ Nga vào năm 2018 và hiện đang được chuyển giao có lẽ là minh chứng rõ nhất cho động lực địa chính trị phức tạp mà hai nước đang gặp phải.
Ấn Độ dự kiến sẽ đặt hai hệ thống S-400 gần đường kiểm soát thực tế (LAC) với Trung Quốc. Động thái này được nhiều người coi là phản ứng trước việc Trung Quốc thông báo sẽ triển khai S-400 ở khu vực biên giới với Ấn Độ.
Ông Kakar kỳ vọng các hệ thống S-400 mới của Ấn Độ sẽ đóng một "vai trò quan trọng" trong mạng lưới phòng không của nước này trước Trung Quốc và Pakistan.
Ông Alexey Kupriyanov - chuyên gia tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga - cho rằng theo quan điểm của Moscow, việc cả Ấn Độ và Trung Quốc trang bị S-400 thực sự làm giảm khả năng xảy ra chiến tranh bằng cách cân bằng cán cân quyền lực giữa hai quốc gia. Đồng thời, theo ông, tăng cường quan hệ quốc phòng với Ấn Độ là “cơ hội để Nga tiếp tục xoay trục sang châu Á mà không trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc”.
“Nga không quan tâm đến việc trở thành đồng minh quân sự của Trung Quốc, nhưng trong tình hình hiện tại, Mỹ và châu Âu đang đẩy Nga xích lại gần Trung Quốc” - ông Kupriyanov nhận định.
Trung Quốc không phải là nước duy nhất gặp vấn đề
Theo SCMP, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có thể gặp vấn đề khi Ấn Độ mua S-400. Vào năm 2017, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Chống lại những kẻ thù của nước Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA), trong đó có điều khoản kêu gọi trừng phạt các cá nhân và thực thể tham gia “giao dịch đáng kể” với lĩnh vực quốc phòng Nga.
Cho đến nay, khách hàng của mua S-400 chính là mục tiêu mà đạo luật này nhắm đến. Theo đó, Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt CAATSA lên Trung Quốc vào năm 2018 và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020 vì mua hệ thống phòng không của Nga.
Tuy nhiên, có khả năng Ấn Độ không bị Mỹ trừng phạt vì nhiều nghị sĩ Mỹ kêu gọi Washington không áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các quốc gia thành viên QUAD. Hồi tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền ông Biden chưa xác định liệu họ có áp đặt các lệnh trừng phạt lên Ấn Độ hay không, nhưng ông Richard Rossow - chuyên gia về quan hệ Mỹ-Ấn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington - cho biết có khả năng Mỹ sẽ miễn trừ.
Theo ông Kakar, trong trường hợp phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga, Ấn Độ rất có thể sẽ phớt lờ hoặc tìm cách xử lý hơn là cắt đứt quan hệ với Moscow.
“Chúng tôi đã luôn sát cánh bên nhau. Bất kể điều gì có thể xảy ra với bất kỳ bên thứ ba nào khác, tôi nghĩ rằng quan hệ Nga-Ấn sẽ tiếp tục phát triển” - ông chia sẽ.