Theo hãng tin Bloomberg, đại gia ngành dược Guo Guangchang, nhà sáng lập tập đoàn Fosun ở Trung Quốc là người đáng lẽ ra phải vui mừng khi mảng của ông ăn nên làm ra trong mùa đại dịch.
Thế nhưng trớ trêu thay, quyết định đầu tư vaccine Pfizer cho thị trường Trung Quốc của vị tỷ phú này lại là một bước đi sai lầm.
Hàng "ngoại"
Ngay từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh ở Vũ Hán, tỷ phú Guo đã hợp tác với hãng dược BioNTech của Đức để cùng sản xuất vaccine Pfizer, một trong những sản phẩm thành công nhất chống dịch hiện nay.
Thế nhưng cho đến tận hiện tại, loại vaccine này vẫn chưa được cấp phép ở Trung Quốc. Tồi tệ hơn, chính quyền Bắc Kinh mới đây đã chấp nhận cho sản phẩm vaccine công nghệ mRNA của hãng dược nội địa Walvax Biotechnology thử nghiệm nhằm làm mũi tiêm thêm thứ 3.
Động thái này của Trung Quốc dấy lên câu hỏi liệu Pfizer có được chấp nhận ở xứ sở 1,4 tỷ dân nữa hay không khi chính quyền Bắc Kinh coi vaccine là vũ khí ngoại giao và chỉ muốn nội địa hóa sản phẩm này.
Hiện Trung Quốc là thị trường dược phẩm lớn thứ 2 thế giới và có lượng người tiêu thụ vaccine nhiều nhất toàn cầu, bởi vậy quyết định này là đòn giáng mạnh cho tỷ phú Guo.
Khoảng hơn 1 tỷ người Trung Quốc đã được tiêm vaccine công nghệ truyền thống của Sinovac và Sinopharm dù chúng được cho là kém hiệu quả hơn sản phẩm dùng công nghệ mRNA như của Pfizer.
Đối với tỷ phú Guo, việc không thể thông qua Pfizer cho thị trường Trung Quốc đã khiến ông từ vị trí thứ 50 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất nước của tạp chí Forbes vào năm 2019, với 6,5 tỷ USD tài sản tụt xuống hạng 85 với tổng tài sản chỉ còn 5,2 tỷ USD.
"Vaccine đang bị Trung Quốc biến thành vấn đề chính trị hơn là sản phẩm kinh doanh hay dược phẩm. Liệu Fosun sẽ bị ảnh hưởng thế nào từ vấn đề này thì chưa rõ nhưng chắc chắn nó chẳng tốt đẹp gì mấy", chuyên gia phân tích Zhao Bing của hãng nghiên cứu CRS nhận định.
Hãng tin Bloomberg cũng có thống kê và dù có chênh lệch so với Forbes nhưng tình hình lại tương đồng. Cổ phiếu của Fosun Pharma đã giảm hơn 40% so với mức đỉnh tháng 8/2021. Tổng tài sản của ông Guo được cho là đã giảm xuống chỉ còn 3,5 tỷ USD sau thông tin vaccine mRNA nội địa của Trung Quốc được thử nghiệm ưu tiên trước Pfizer.
Tất nhiên, Pfizer vẫn tìm được đường vào các thị trường khác như Hong Kong, Đài Loan hay Ma Cao, những nơi mà theo hợp đồng không nằm trong phạm vi phân phối của Fosun Pharma.
Tìm lối thoát
Theo thỏa thuận, Fosun phải trả 125 triệu Euro, tương đương 141 triệu USD cho BioNTech vào cuối năm 2020 để thanh toán 100 triệu liều vaccine Pfizer cho thị trường Trung Quốc trong năm 2021.
Hiện chưa rõ Fosun đã giải quyết số tiền này như thế nào khi chưa được cấp phép. Tuy nhiên mới đây hãng đã đồng ý đầu tư 100 triệu USD hợp tác với BioNTech để xây nhà máy tại Trung Quốc sản xuất vaccine. Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá động thái này là quá muộn khi thị trường vaccine đang dần bão hòa với vô số thương hiệu mới ra đời.
Hãng tin Bloomberg nhận định Trung Quốc đang tăng cường vị thế của mình bằng cách phát triển vaccine nội địa. Ví dụ như sản phẩm vaccine mRNA của Walvax được phát triển cùng sự kết hợp của doanh nghiệp quân đội Shuzhou Abogen Bioscience, đang được thí nghiệm giai đoạn cuối tại Mexico và Indonesia.
"Trung Quốc chưa có vaccine mRNA nhưng nếu có thì họ muốn nó là hàng nội địa", chuyên gia phân tích Mia He của Bloomberg Intelligence nhấn mạnh.
http://tintuc.vdong.vn/12/1131482.htmHuyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị