Nghe thấy quen tai "khum" quý dzị?
Những trích đoạn trên đây đến từ những gương mặt quen thuộc trong làng bán hàng qua livestream. Nếu bạn không thuộc hệ xem livestream mua hàng, thì cá rằng cũng ít nhất một lần vô tình biết đến họ qua clip lọt top viral trên MXH.
Không có 1 công thức chung nào cho VĂN bán hàng qua livestream cả. Dĩ nhiên cũng chẳng có trường lớp nào dạy livestream như nào cho hay, cho thu hút người xem, bán được hàng. Nhưng những "idol" livestream cứ liên tục xuất hiện, ngoài bán hàng họ còn bán cả tính cách của mình cho người xem. Coi livestream bán hàng mà tưởng đâu đang coi hài!
Sôi nổi, náo nhiệt, hài hước và đôi lúc cũng hơi... bát nháo, song, đó là chính là nét đặc trưng của bán hàng qua livestream - xu hướng mà người người nhà nhà kinh doanh online đang "đu" cho bằng được. Ở góc độ khách hàng, khi phải ở nhà nhiều - mua sắm trên mạng lên ngôi, thì xem livestream vừa mua được hàng lại vừa vui, tội gì mà không tham gia!
Tất nhiên netizen đã chẳng còn xa lạ gì với hoạt động livestream (hay còn gọi là phát trực tiếp). Thậm chí trong vòng vài năm gần đây, streamer trên các nền tảng MXH còn được ví như một nghề hái ra tiền. Nhưng tạm gác chuyện livestream nhận donate sang một bên, thứ đang khiến nhiều người bị hấp dẫn là livestream bán hàng.
Đến đây, lại có người nói rằng livestream bán hàng cũng không mới mẻ gì. Đúng! Nhưng chưa đủ, bởi livestream bán hàng hiện tại đang trở nên càng phổ biến và rất được ưa chuộng. Vậy tại sao lại có sự bùng nổ này?
Có rất nhiều đáp án. Đầu tiên phải kể đến tác động của dịch Covid-19. Dịch bệnh đã thay đổi nhiều hoạt động của tất cả chúng ta, trong đó có mua sắm. Không còn những buổi lượn lờ trung tâm thương mại hay dạo khắp các khu phố shopping, thay vào đó, người ta phải ở nhà và mua bán qua mạng. Chính từ đây, livestream nói riêng và thương mại điện tử nói chung nở rộ.
Mà mua hàng online có một ám ảnh kinh hoàng là gặp chủ shop không có tâm, treo đầu dê bán thịt chó, hình minh hoạ một nơi - hàng nhận về một nẻo. Trong khi đó, nếu mua qua livestream, chí ít bạn cũng được an tâm phần nào khi nhìn thấy món đồ mình đặt. Cơ mà đó chỉ là bước chốt đơn, còn chủ shop ship đúng hay không thì... chưa biết.
Ai mà chẳng muốn tiết kiệm, nhất là hội con buôn. Và livestream chính là một cách tiết kiệm hiệu quả khi không phải đi thuê mặt bằng hay bày biện hàng hoá gì sất, người bán có thể livestream bất cứ đâu thuận lợi như tại nhà, phòng trọ,... Ở góc độ khách hàng, mua đồ qua livestream được xem là hình thức sắm sanh thông minh. Bởi chủ shop luôn có chính sách giảm giá/ tung voucher/ bán hàng 1K vào khung giờ vàng ngay trên live. Đây là cơ hội quý giá để mua sắm tiết kiệm mà chắc chắn khi shopping bên ngoài không có cửa để hưởng.
Thêm một lý do là ngày nay bất cứ xu hướng nào trên MXH cũng gắn liền với sự thay đổi về mặt công nghệ, livestream bán hàng không ngoại lệ. Hình thức truyền tải nội dung trực tiếp bằng video với đầy đủ hình ảnh, âm thanh, cung bậc cảm xúc đang được người dùng MXH ưa chuộng khiến cho livestream bán hàng trở nên hợp thời, hợp thị hiếu.
Cho dù đã đủ tất cả điều kiện thuận lợi này thì livestream bán hàng cũng sẽ không thành xu hướng nếu không có vai trò chủ chốt của những người trực tiếp livestream. Những ví dụ ngay từ đầu bài cũng đã thể hiện rõ ràng rằng người bán hàng livestream đều có cách nói chuyện cực kỳ "bánh cuốn", hấp dẫn như "thôi miên" người xem chốt đơn. Kể cả không chốt đơn, người ta cũng có thể xem livestream bán hàng như một cách giải trí, giết thời gian.
Hiện tại, ở Việt Nam có 2 môi trường livestream bán hàng cơ bản là MXH (Facebook, TikTok, Instagram,...) và các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki,...). Với những đặc trưng khác nhau mà việc livestream ở 2 kênh này cũng khác nhau.
Lượng người dùng MXH thường cao hơn lượng người dùng app TMĐT nên livestream trên MXH thường giúp người bán tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn. Tuy nhiên hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng bị "bóp" tương tác khi livestream trên MXH, làm giảm hiệu quả chốt đơn. Ngược lại, các sàn TMĐT lại có tệp khách hàng chọn lọc, người ta thường đổ về khi có nhu cầu sắm sanh hoặc trong những ngày sale. Nhưng chính vì đã được chọn lọc nên tỷ lệ đơn được chốt khi livestream trên sàn TMĐT cũng cao hơn.
Với ưu điểm tiếp cận lượng khách hàng không giới hạn, đối tượng người xem và chốt đơn qua livestream rất đa dạng, miễn là có thời gian. Sương sương có thể kể đến như Gen Z - hệ mua sắm trên MXH (theo Forbes, Gen Z là nhóm có khả năng mua sắm trên MXH cao hơn bất kỳ ai khác từ 2 - 3 lần), dân văn phòng - hệ có thời gian, các chị gái bỉm sữa - hệ muốn mua rẻ,... nói chung là bất kỳ ai dùng MXH và app TMĐT.
Thời điểm mọi người hoạt động trên MXH nhiều nhất cũng là thời điểm phù hợp nhất để livestream. Theo các dân chơi MXH, giờ "vàng" tương tác gồm có buổi tối từ 20 - 23h và buổi trưa 12 - 14h. Đây là lúc mọi người đã ăn uống xong xuôi, bật mode nghỉ ngơi, dễ vui và dễ "enjoy cái moment" mua sắm. Tuy nhiên để biết "Livestream nên diễn ra lúc nào và kéo dài bao lâu?" thì câu không ai trả lời CHÍNH XÁC nhất ngoài những người chủ shop/người trực tiếp tham gia buổi livestream bán hàng.
Mỗi chủ shop/ nhân viên livestream đưa ra một khung giờ khác nhau, không có khoảng thời gian nào là "công thức" để bán hàng qua livestream. Tuy nhiên có thể thấy các mốc thời gian này được chi phối bởi các nhóm tuổi khác nhau, sở thích, nghề nghiệp, thói quen... của chính những khách "ruột" của shop.
Sao Mai, một bạn trẻ đang thử sức với công việc livestream bán hàng , cho biết: "Thường thì giờ VÀNG để live của shop mình là vào thứ bảy, tầm 2h - 3h chiều. Có khá nhiều người ở trên sàn TMĐT vào thời điểm này để xem live. Lúc đó shop nào live hay hơn và tung ra nhiều xu hơn thì người ta đổ vào xem. Không phải tất cả người xem live đều có nhu cầu mua hàng của bạn, suy cho cùng họ cũng vì muốn xu. Xu đó sẽ chuyển đổi thành số tiền giảm giá cho các lần mua hàng trên sàn. Người ta ban đầu sẽ xem vì xu trước, sau đó thấy shop nào nói cuốn thì ở lại và mua hàng.
Các shop sẽ cố níu chân khách vãng lai xem live dạo bằng cách tung voucher giảm giá trên live, giảm giá 1 vài món hàng bất kỳ chỉ trong live đó, hay chơi trò "đấu giá". Ví dụ: 1 chiếc áo bán với giá 1K cho ai nhanh tay ấn vào nút chơi nhanh nhất, trò này cốt để giữ chân mọi người xem live, chờ đợi đến giây phút đấy".
Sao Mai
Chị Hương - chủ shop quần áo và mỹ phẩm thì chia sẻ: "Shop mình không có lịch cố định nhưng bình thường mình sẽ livestream vào buổi tối. Ban ngày mình cũng bán hàng trực tiếp tại shop nên buổi tối thì mới rảnh, khi đó khách cũng có nhiều thời gian xem hơn. Mỗi lần livestream khoảng 30 phút vì nói nhiều cũng mệt.
Lượng tương tác và tiếp cận khi livestream thường cao hơn so với các video bình thường. Theo cảm nhận của mình là khoảng 3 lần còn con số cụ thể thì không rõ lắm, thấy bán được thì làm thôi. Mình không chơi game hay quà cáp gì nhưng thỉnh thoảng không bán hàng mà vẫn livestream ‘buôn dưa lê’ với mọi người, vừa vui vừa duy trì tương tác với khách".
Chị Hương
Trong khi đó, chủ một shop bán đồ second hand có tiếng trên Instagram - Quyên, lại xem livestream chính là một trong những "chiến lược marketing" sống còn của thương hiệu. Và THỜI ĐIỂM livestream là điều cực kỳ quan trọng.
"Với người bán hàng online, tôi nghĩ thời điểm livestream quyết định lượng khách đến với mình đông hay ít và lượng sản phẩm bán nhiều hay ít", Quyên nói.
Cô nói tiếp: "Thường shop Quyên chọn thời điểm livestream vào buổi tối, khung giờ bắt đầu từ 7h30 đến khoảng 8h, đây là khoảng thời gian mà mọi người đã rảnh rỗi và khá enjoy nên việc livestream cũng sẽ diễn ra thuận lợi hơn. Nhiều shop khác họ chọn phương án ngày nào cũng live, giờ nào rảnh là live nhưng với Quyên, livestream cũng là một chiến lược marketing và phải được tính toán cẩn thận. Trong tuần Quyên chỉ live 2 đến 3 buổi và vào những ngày như thứ 5, thứ 7 hoặc Chủ nhật. Và điều đặc biệt là Quyên rất hiếm khi thất hứa.
Thời gian live trung bình thì tầm 2,5 tiếng đến 3 tiếng tuỳ vào lượng sản phẩm mong muốn bán ra. Với lại còn tuỳ vào lượng khách xem, hôm nào khách đông mình có thể live lâu hơn còn hôm nào khách ít thì mình kết thúc live sớm hơn".
Quyên
Cũng giống như chị Hương, Quyên nhận thấy lượng tương tác livestream cao hơn rất nhiều với việc shop đăng post.
Bởi vì sao?
"Trong livestream người xem sẽ có cơ hội hỏi về sản phẩm, tư vấn size, trò chuyện, người bán cũng có cơ hội trò chuyện thêm với khách hàng cũng như tạo thêm nhiều sự kết nối mà việc đăng post không thể làm được.
Cụ thể, với 1 bài post mình có tầm vài trăm người tiếp cận tuy nhiên bình luận vào post chỉ khoảng 5 đến 10 người tức là chiếm 0,5% trên tổng. Còn livestream, thường lượt xem trung bình của Quyên là 100 người thì lượng tương tác khoảng 7.000 bình luận còn nếu những ngày xem cao hơn như khoảng hơn 200 người xem thì lượng tương tác là 13.000 bình luận. Bạn thấy sự khác biệt rồi đấy. Và ở thời đại này, livestream thật sự mang đến cho cả người bán hàng lẫn người mua những trải nghiệm thật sự rất tuyệt vời", Quyên tâm đắc.
Và Quyên cũng có cách CÂU KHÁCH của riêng mình trong livestream như chương trình khuyến mãi trong live như giảm giá sản phẩm hoặc freeship cho khách.
Trong mỗi cuộc mua bán trên livestream, từ những vị trí khác nhau lại có ưu điểm - nhược điểm khác nhau.
Với các "thượng đế", họ sẽ chẳng phải lặn lội ngược nắng ngược gió đến đâu, cũng chẳng phải chen chúc ở đâu, chỉ ngồi một chỗ cũng có thể mua sắm bất cứ thứ gì đang muốn. Nhiều khi người xem livestream còn vợt được đồ rẻ hơn hẳn mua hàng trực tiếp vì người bán thường sale đẫm, tặng combo,... để hút tương tác. Ngoài ra, chủ động trong việc lựa đồ, mã nào không thích cứ bỏ qua, chẳng cần phải lăn tăn nghĩ ngợi cũng là ưu điểm khi mua hàng trên livestream.
Một tác dụng phụ nhưng lại rất đáng kể trong những cuộc livestream là tính giải trí. Phần lớn người bán hàng đều rất hoạt ngôn, mặn như muối biển nên chỉ cần nghe họ nói chuyện thôi cũng thấy hài hước. Chưa kể đến việc nhiều người còn biến buổi livestream bán hàng thành một chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn, ai ham vui thì cứ nhào vào xem thôi.
Đi kèm với ưu điểm chắc chắn là nhược điểm. Đầu tiên là không được trực tiếp thử đồ trước khi chốt đơn mà chỉ có thể mua theo mô tả của người bán. Lượng người xem livestream thường rất đông đảo, ai không nhanh tay thì dễ rơi vào cảnh "trâu chậm uống nước đục", không mua bán được gì. Thực tế hơn nữa, xem một buổi livestream tốn kha khá thời gian và phải nghe đi nghe lại những câu chốt đơn y hệt nhau. Thậm chí một số người bán hàng còn tập trung chửi bới để câu tương tác, khiến cho người xem cảm thấy mệt mỏi.
Từ vị trí những "tay" livestream bán hàng chuyên nghiệp, điểm cộng lớn nhất để họ tập trung livestream không còn gì khác ngoài bán được nhiều hàng. Ước tính, một video livestream có lượng tương tác cao gấp 3 lần (hoặc hơn) so với video/ hình ảnh bình thường. Từ đây lượng người chốt đơn tăng lên là chuyện hiển nhiên. Bên cạnh đó, việc tiết kiệm chi phí, không bị giới hạn không gian, thời gian khi tiếp cận khách hàng như đã đề cập ở trên cũng là những điểm nổi trội khi livestream bán hàng.
Nói đi cũng phải nói lại, lượng tương tác livestream lớn thì người bán dễ gặp cảnh bị spam comment, ảnh hưởng đến việc chốt đơn. Khách hàng không có tâm, tay thì chốt đơn nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại đã "quay xe", không mua nữa là lý do khiến nhiều người bán nổi quạu. Và đặc biệt, việc livestream trong nhiều tiếng đồng hồ, phải nói liên tục rất dễ ảnh hưởng đến sức khoẻ.
"Bán hàng online thì học vấn thấp", u là trời, đạo diễn Lê Hoàng từng phát ngôn một câu có khác gì "tát nước" vào mặt hội buôn bán để dân tình cãi nhau ỏm tỏi không? Nhưng công bằng mà nói, bên cạnh nhóm người cho rằng "ông Lê Hoàng quá đáng" thì cũng có hội gật gù "ổng chỉ nói sự thật".
Bất kì ngành nghề nào cũng chịu ít nhiều những đánh giá đầy định kiến của xã hội. Nghề buôn bán, đặc biệt là bán hàng online trên mạng lại càng bị phán xét hơn nữa.
"Chẳng ai có tiền mà chấp nhận chường cái mặt mình lên mạng, gào khản cả cổ để người ta mua hàng như thế", "Không hiểu sao chứ cứ nghe câu ‘mọi người ơi, mọi người ơi vào chốt đơn dùm em' là thấy kém sang rồi đó", "Làm gì thì làm, tao cấm mày bán buôn trên mạng - bộ nhà này không có đủ tiền cho mày sống hay sao phải đi làm phường con buôn",... Đó là những nhận xét có phần chua chát mà chúng ta đã đôi lần được nghe từ những người ngoài xã hội lẫn người thân trong gia đình khi ai đó/ hoặc chính bạn chọn cái nghiệp buôn bán, livestream.
Vậy tại sao người ta lại có định kiến với nghề này?
Thứ nhất, dù rằng "phi thương bất phú" song trong list nghề được đánh giá và có thứ bậc cao trong xã hội, chưa bao giờ có nghề buôn bán. Xưa giờ vậy rồi!
Thứ hai, bản thân những người đi buôn/ bán hàng cũng không nhiều người cho rằng bản thân mình đang làm một nghề danh giá. Đa phần sẽ tự hạ thấp nghề nghiệp của mình vì "khách hàng là thượng đế".
Chưa kể, một số người còn áp đặt định kiến rằng khi không có bằng cấp thì mới lao ra đời kiếm sống bằng cách đi buôn. Dù rằng nhiều câu chuyện thực tế đã chỉ ra, có những người sở hữu bằng đại học (và cả thạc sĩ), từng đi du học rốt cuộc vẫn chọn con đường bán buôn để làm giàu như Hằng Túi, Hạt Mít … Cát xê 1 buổi livestream của "ông trùm ngành bán lẻ" Lê Dương Bảo Lâm có khi hơn tiền lương cả năm đi làm văn phòng của bạn!
Nói đi thì phải nói lại, nghề livestream bị đánh giá "kém sang", "chợ búa" cũng bởi một bộ phận những người buôn bán có cách tiếp cận khách hàng khá suồng sã hay thậm chí là phản cảm. Chúng ta đã chẳng còn lạ gì với những "thánh livestream" chửi khách xơi xơi gây sốc, văng tục hay thậm chí là khoe thân để... thu hút lượt xem nhằm mục đích kéo tương tác để bán hàng.
Nghề nghiệp nào cũng có mặt trái, khi livestream đang là xu thế và chưa bao giờ ngừng hot thì mặt trái này lại càng lộ rõ hơn nữa. Tuy nhiên, chẳng có thước đo nào để xếp loại một ngành nghề hay lĩnh vực là cao quý hay thấp kém, livestream bán hàng có thể không "vừa mắt" bạn nhưng đang tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người trẻ, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và trên hết là rút ngắn thời gian công sức của cả người bán và người mua.
Tạm kết
Livestream bán hàng nói riêng và thương mại điện tử nói chung đang là một thị trường cực kỳ màu mỡ cho bất kỳ ai có máu kinh doanh và cũng cực kỳ tiện lợi cho người tiêu dùng. Tiền thì ai cũng mê thật nhưng đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ bê sức khoẻ hay "sập bẫy" những chiêu trò tinh vi đang nhan nhản khắp nơi nhé!
https://kenh14.vn/vu-tru-livestream-ky-nghe-thoi-mien-moc-vi-nguoi-khac-dinh-cao-the-nao-ma-hang-nghin-nguoi-ban-hang-online-song-chet-lao-vao-20211212162436366.chnChím-Ái Lê-Mai Linh
Pháp luật và bạn đọc