Con cháu quây quần bên ông bà gói bánh trong hương vị Tết xưa - Ảnh tác giả bài viết cung cấp
"Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường. Mùi hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng... Phải chăng mầm non mùa xuân đang hé nở. Phải chăng nụ hoa mùa xuân đang hé nở. Phải chăng ngày xuân đầu tiên đang gõ cửa...".
Trong giấc chiêm bao ta khẽ nghe câu hát du dương từ thuở nào.
Bình minh thức giấc, ta mở mắt thấy se se gió lạnh hanh hao lùa vào da thịt, màn sương đêm ướt đọng trên nhành cỏ non khiến nụ hoa, cành lá khẽ ngủ vùi vươn mình bừng khoe sắc hương.
Những tờ lịch đầu tiên tháng 12 cũng ngập ngừng dạo bước nhẹ tênh. Ta nghe mơn man hơi thở của đất trời giao thoa, để thấy rằng khoảnh khắc mùa xuân đến rất gần. Những áng mây trắng thôi kiếp lang thang, mải vui lãng quên ở góc trời nào để kéo về đau đáu một vị quê thương nhớ.
Xuân ùa về trên mọi nẻo đường. Xuân len lỏi gõ cửa từng mái nhà, góc bếp. Xuân xốn xang trong bao ca khúc đắm say lòng người. Xuân sang! Nửa hân hoan đón chào bao điều mới mẻ, nửa nặng lòng vương vấn bao điều xưa cũ đã qua.
Như Sài Gòn mưa nắng hai mùa, khung trời khéo bẻ làm đôi miền suy nghĩ. Mảnh lưu lạc nơi này, mảnh khắc khoải phía trời quê.
Hương vị Tết mùa xưa
Dạo từ đầu tháng chạp đã nghe mẹ lẩm bẩm tính chuyện Tết: "Năm nay nuôi được bầy gà, con heo nái, ít gạo nếp hương để gói bánh chưng! Ấy là tươm tất rồi!". Chiếc thùng gỗ vốn đựng gạo mẹ lau chùi sạch sẽ để đựng những gì thuộc về Tết.
Mỗi buổi đi chợ bán được buồng chuối, gánh rau, con gà... Mẹ lại chắt chiu mua miếng đường đen, ít đỗ xanh, cuộn miến dong... rồi tấm áo mới để hương vị Tết nhẹ nhàng vấn vương. Tụi tôi hóng mẹ về trước cổng trong cái giá rét căm căm, vẫn háo hức đợi chờ bóng dáng áo nâu sồng cùng đôi quang gánh.
Càng gần đến ngày Tết, chiếc thùng gỗ thêm nhiều đồ. Tôi mải miết sắp xếp gọn gàng mọi thứ bên trong, âu chỉ muốn ngửi hương vị Tết thoang thoảng từ những gói bánh, tấm áo mới và mong chờ mòn mỏi đến ngày được ăn thỏa thích, được mặc dạo quanh xóm làng.
Ừ thì! Tết về trên đôi quang gánh gầy guộc của mẹ. Tết về trên bóng dáng sạm nắng dãi dầu của cha. "Cha mẹ nặng đôi gánh để con thêm nhẹ bước. Cha mẹ cong lưng để đời con đứng thẳng". Mùi Tết đến từ vai áo đẫm mồ hôi cay xè của cha.
Trong làn gió hây hẩy, những cơn mưa giăng mắc hoài niệm vắt ngang lưng trời màu xám tím. Cơn mưa xua đuổi những vệt nắng còn sót lại về cuối trời, khẽ đánh thức cơn gió se lạnh trở mình cho cái giá rét kéo dài về đồng hành trong từng ngõ ngách làng quê. Mẹ tôi nhẹ bưng thau nước gừng lau chùi bàn thờ tổ tiên.
Mùi bụi nhang trầm khiến lòng tôi bồn chồn hoang hoải. Tôi phụ cha quét màu ve xanh, vôi mới khoác lên màu áo cho ngôi nhà để cầu mong một năm mùa màng bội thu, công việc hanh thông. Hai chị tỉ mỉ, cần cù quét dọn nhà, lau chùi bàn ghế. Ai cũng nhễ nhại mồ hôi nhưng niềm hân hoan lan tỏa trên mỗi gương mặt. Mùi Tết đã về! Tôi khẽ reo trong niềm thích thú.
Tết năm nao cũng vậy! Việc rửa lá dong mẹ luôn dành phần tôi vì tính cẩn thận. Mẹ nói: "Bánh chưng có thơm ngon một phần lá dong phải thật sạch". Vậy là cậu nhóc cứ tỉ mẩn ngụp rửa từng chiếc lá trong làn nước giá buốt khiến tay cứng đờ mà sạch sẽ bóng loáng.
Cha lực điền cùng mấy chú đấu vật với con heo nái rồi từng miếng thịt được xẻ gọn gàng đặt lên bàn. Ngày ấy, gia đình tôi còn làm giò giã. Hình ảnh hai cha con ngồi giã giò mới thấm đượm làm sao!
Những nhát giã đều đều khiến thớ thịt được đánh nhuyễn, tiếng cười vang khi giọt nước mắm khẽ bắn lên bởi nhát giã trật nhịp từ tôi. Cả nhà quây quần ngồi gói bánh chưng. Cha luôn ưu tiên gói cho tôi những chiếc bánh chưng nhỏ xíu, dễ thương được thắt lạt mềm tỉ mỉ. Mùi Tết đọng lại từ chiếc bánh nhỏ xinh.
Khoảnh khắc đêm 29 Tết, ba chị em nằm cuộn tròn trong tấm chăn mỏng trông nồi bánh chưng nơi góc bếp bồ hóng đã đơm kết thành từng mảng hăng hắc ấm áp vị quê. Cành củi khô bùng cháy kêu "tách tách" quyện tròn trong tiếng nước sôi "xèo xèo" từ nồi bánh.
Hơi nóng phả ra khiến đôi má chị em tôi ửng hồng như quả nhót chín mà môi nứt nẻ đến hết độ xuân sang. Những củ khoai, bắp ngô được vùi trong củi cháy tỏa mùi hương dịu ngọt. Thứ mùi thơm khiến lòng ta sôi sục mỗi khi nhớ về.
Mẹ tôi vẫn dặn: "Bánh chưng phải nấu 11 tiếng thì mới đủ rền" mà chị em tôi nào thức đến đó. Nửa đêm ngủ quên, lửa cháy sém cả một góc chăn. May mà cha phát hiện kịp. Mảnh vườn xanh non trước nhà, ngoài luống xà lách, su hào, bắp cải... mẹ luôn dành khoảng trống để trồng bụi rau mùi già om.
Mùi thơm hoang hoải từ nước mùi già mẹ nấu khiến chị em tôi thơm hết cả ngày. Cũng là niềm tin để gột rửa xui xẻo năm qua, mang lại may mắn trong năm mới.
Khi giọt nắng chiều 30 Tết len lỏi dưới sợi khói bồng bềnh xuyên qua cành lá khiến lòng người lay động. Con cháu thành tâm ngồi chắp tay nghe lời ông nội ngân nga đọc văn tế. Thoảng hương trầm bay làm cho mùa đông như ấm lại.
Cha mẹ khẽ nhìn nhau mỉm cười mãn nguyện, vì những lo toan vất vả vơi dần theo tiếng nói cười con trẻ đủ đầy, trong ấm áp sum vầy mâm cơm chiều cuối năm. Cứ mỗi độ xuân về, lòng ta đau đáu muốn ngả lòng mình nương náu vào mùa xuân quê hương.
Về để lòng bớt vương vấn.
Thời gian qua khi dịch bệnh hoành hành, những vất vả lo toan đã tạm lui về phía sau. Chắc hẳn, sâu thẳm trong mỗi trái tim, ai cũng có một cái Tết của riêng mình để vấn vương, hoài niệm, mong ngóng đoàn viên sau đại dịch. Tháng 12 đã tới! Mọi người đã chuẩn bị, đã dự định để về nhà chưa?
Về hít hà những nồng đượm trong vòng tay của mẹ, để ấm lòng trong tiếng nói cười trầm ấm của cha.
Về vuốt ve lại cánh cổng gỗ phai màu vì nắng mưa, vị dịu ngọt nhánh mạ non, hương bưởi bên chái nhà, ngắm cánh én chao nghiêng báo hiệu mùa xuân sang trong sắc thắm hoa đào, vệt nắng hoa mai.
Về quét cho mẹ cái sân gạch lâu ngày không có nhiều dấu chân qua lại đã lên rêu xanh trơn trượt.
Về sum vầy cùng nhau nhâm nhi tách trà xanh nghi ngút khói, nghe dịu ngọt vị bánh quê thổn thức thuở nằm nôi.
Về cảm nhận hương vị Tết qua đượm nồng bánh chưng với hạt nếp dẻo thơm vị mồ hôi tần tảo khuya sớm của cha mẹ, để quây quần với cay nồng mứt gừng ngày nào bà ngồi sên.
Về dựng lại cây nêu, câu đối đỏ, tràng pháo trong miền ký ức đậm sâu, thả lòng mình hoang hoải trong hồn cốt quê hương.
Về để cảm nhận nụ cười mãn nguyện, hạnh phúc của mẹ cha trong mâm cơm chiều 30 Tết.
Về! Về đi ta ơi!
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Con trai yêu quý, chắc đang ngủ say. Khoảng cách địa lý hơn 10.000 cây số khiến mẹ chỉ có thể cảm nhận được con ở cạnh bên mẹ trong những giấc mơ, để rồi choàng tỉnh giấc nhận ra rằng đã hơn 365 ngày gia đình mình xa nhau.
Xem thêm: mth.51552359041211202-id-ev-ned-pas-tet/nv.ertiout