Lãi suất huy động tiếp tục tăng đáng kể ở nhiều kỳ hạn huy động tại các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ.
Theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng (VND) bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước hiện phổ biến trong khoảng 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.
Riêng với các kỳ hạn huy động trên 12 tháng, lãi suất đạt mức cao nhất trong khoảng 5,5-6,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1-6,8% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Tuy nhiên trong các ngày gần đây, lãi suất huy động tại các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ có xu hướng tăng cao và kéo lãi suất cao nhất trên thị trường lên mức 7,15 - 8%/năm.
Cụ thể theo biểu lãi suất huy động VND vừa được ngân hàng SCB công bố áp dụng từ tháng 12.2021, một loạt kỳ hạn gửi tiền được áp dụng mức lãi suất xấp xỉ và trên ngưỡng 7%/năm.
Ở sản phẩm tiết kiệm online, SCB hiện đang áp dụng lãi suất tăng dần từ 7,05% lên 7,15%/năm cho 5 kỳ hạn huy động từ 13 tháng đến dài nhất là 36 tháng.
Tương tự, ngân hàng Việt Á (VietABank) hiện cũng đang áp dụng lãi suất huy động trên 7-7,1%/năm cho hàng loạt kỳ hạn huy động tiết kiệm online từ 15 tháng đến 36 tháng, cao hơn 0,1 - 0,2%/năm so với sản phẩm tiết kiệm thông thường.
Ngoài xu hướng tăng lãi suất huy động truyền thông, nhiều ngân hàng hiện cũng đang áp dụng việc tặng thêm lãi suất khi người dân gửi tiền tiết kiệm online, hoặc áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm online cao hơn đáng kể so với tiết kiệm thông thường.
Như tại ABBank, người gửi tiền được cộng thêm lãi suất 0,4% khi gửi tiết kiệm online. Hay tại ngân hàng SHB, biểu lãi suất huy động tiết kiệm online ở hàng loạt kỳ hạn cao hơn tới 0,9 - 1,05% so với sản phẩm tiết kiệm thông thường.
Một chi nhánh của ngân hàng SHB tại quận Ba Đình (Hà Nội) cách đây ít ngày cũng treo biển lãi suất huy động 8%/năm với tiền gửi VND, được ghi nhận là mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường tính đến thời điểm hiện nay.
Theo đánh giá của một số tổ chức đầu tư, trong 2 tháng gần đây, xu hướng giảm lãi suất tại các ngân hàng thương mại có dấu hiệu chững lại và được nhận định sẽ khó duy trì mức thấp trong thời gian tới trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp có xu hướng tăng mạnh trong thời gian còn lại của năm.
Theo phân tích của công ty chứng khoán VNDirect, có 3 yếu tố khiến mặt bằng lãi suất khó duy trì ở mức thấp như hiện tại. Trong đó bên cạnh nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng và áp lực lạm phát trong năm 2022, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác như bất động sản và chứng khoán có thể là yếu tố khiến lãi suất được dự báo sẽ tăng trong năm tới.
Theo đó lãi suất tiền gửi được dự báo sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản (tương đương 0,3 - 0,5%) trong năm 2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng vì vậy sẽ tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, dù vẫn thấp hơn mức 6,8%/năm trước giai đoạn dịch bệnh.
Xem thêm: odl.044489-gnob-gnon-gnac-yagn-taus-ial-aud-couc/et-hnik/nv.gnodoal