Quận, huyện chuyển "nguy cơ cao" có thể hạn chế hoạt động không thiết yếu
Kể từ khi Hà Nội "thích ứng an toàn với dịch", Đống Đa là quận đầu tiên siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch trong bối cảnh được xếp vào vùng cam, tức "nguy cơ cao". Trong đó 7 phường cũng thuộc cấp độ 3, 13 phường cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) và một phường cấp độ 1 (bình thường mới).
Ngày 13/12, quận Đống Đa chính thức ban hành công văn hỏa tốc về việc điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, từ 12h ngày 13/12, quận Đống Đa hạn chế các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu những người tham gia phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR.
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về, đóng cửa trước 21h hàng ngày. Cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm. Các cơ sở lưu trú hoạt động được phép hoạt động không quá 50% công suất.
Các hàng quán ở quận Đống Đa chuyển sang bán mang về sau khi địa phương siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch
Một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội ngày 14/12 cho biết, quận Đống Đa tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu là sự điều chỉnh phù hợp và linh hoạt với tình hình dịch thực tế tại địa phương.
Bên cạnh đó, người dân tại "vùng cam" (nguy cơ cao) cũng sẽ được vận động hạn chế di chuyển sang các khu vực khác.
Bên cạnh Đống Đa, nhiều quận, huyện khác của Hà Nội cũng ghi nhận số ca Covid-19 tăng cao như: Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Hà Đông…
Lãnh đạo CDC Hà Nội nhấn mạnh, trong thời gian tới, nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, các quận, huyện nâng cấp độ dịch lên "vùng cam" cũng có thể sẽ hạn chế một số hoạt động không thiết yếu.
Hà Nội dẫn đầu cả nước về số F0 trong ngày, hiện hơn 9.000 F0 đang điều trị
Hôm qua, Bộ Y tế ghi nhận Hà Nội cán mốc kỷ lục 1.000 ca Covid-19, "dẫn đầu" cả nước. Theo thống kê của CDC Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 18.484 ca mắc Covid-19, trong đó có 6902 ca cộng đồng và 11.582 ca đã được cách ly.
Trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ từ 11/10 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 14.405 ca mắc (trung bình 232,32 ca/ngày), trong đó 5.370 ngoài cộng đồng (37,28%), 6.813 tại khu cách ly 47,29%), 2.193 tại khu phong tỏa (15,22%), 29 ca nhập cảnh (0,21%).
Kể từ khi thực hiện giám sát với những người đi về từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, toàn thành phố đã giám sát được 25.735 người, phát hiện 368 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã.
Hiện tại, 9.017 F0 đang được điều trị tại Hà Nội
Về công tác điều trị, hiện tại có 9.017 F0 đang được điều trị, trong đó có 8.017 F0 được điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị, trạm y tế lưu động, còn lại 438 bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại nhà.
Cụ thể, 2 bệnh viện của Trung ương là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị cho 257 bệnh nhân. 28 bệnh viện của Hà Nội điều trị cho 1.963 bệnh nhân.
Cơ sở thu dung điều trị thành phố tiếp nhận điều trị cho 3.864 người, trong đó ký túc xá Phenikaa (540), Đền Lừ III (844), Thượng Thanh (718), Pháp Vân - Tứ Hiệp (1.762). Các trạm y tế của các quận, huyện điều trị cho 2.495 người mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Về công tác tiêm chủng cho người trên 18 tuổi, toàn thành phố hiện đã hoàn thành 12.453.328 mũi.
Đối với trẻ em từ 15-17 tuổi, từ ngày 23/11 đến nay đã tiêm được 294.046 mũi/302.346 mũi, đạt 97,2%.
Đối với trẻ em từ 12-14 tuổi, từ ngày 27/11 đến nay đã tiêm được 349.933 mũi/387.020 mũi, đạt tỷ lệ 90,4%.
Minh Nhân
Doanh nghiệp tiếp thị