Hậu Giang - Với diện tích đất hơn 6ha mà nông dân Võ Thị Hằng (ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng cây đa canh "lấy ngắn nuôi dài", điển hình cho việc dám nghĩ dám làm, mạnh dạn trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất.
Mô hình "lấy ngắn nuôi dài" thu tiền tỉ/năm
Theo như bà Hằng chia sẻ, trước kia gia đình canh tác lúa, nhưng thu nhập không cao mà công lao động lại vất vả, lại thêm chi phí lo cho con cái ăn học khiến gia đình thêm trăn trở. Nhưng với tính chăm chỉ, chịu thương chịu khó, bà Hằng quyết định lên liếp trồng tiêu để góp phần cải thiện đời sống.
"Năm 2015, sau khi học hỏi kỹ thuật trồng tiêu leo trên thân cây tràm từ nhà vườn ở Kiên Giang, tôi quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích ruộng sang trồng tiêu. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, giống cây này bắt đầu bấp bênh về kinh tế, vợ chồng tôi mạnh dạn chuyển đổi mô hình trồng tiêu sang trồng cây ăn trái, chủ lực là cây sầu riêng và trồng xen các loại cây ngắn ngày, chủ yếu "lấy ngắn nuôi dài" để trong thời gian 4 năm sầu riêng phát triển và cho trái" - bà Hằng cho biết.
Mít thái là giống cây ngắn ngày đầu tiên bà chọn để trồng tại vườn nhà mình, vì đây là giống cây cho thu nhập ổn định. Bà Hằng trồng 1.000 cây mít chạy dài hai bên liếp trái sầu riêng, đan xen ở giữa là 350 mãng cầu xiêm và hạnh; giữa các cây sầu riêng bà còn trồng thêm 300 cây bơ sáp Cái Mơn. Mỗi loại bà trồng theo khoảng cách để các cây không cạnh tranh chất dinh dưỡng của nhau.
"Mỗi loại cây ngắn ngày trồng khoảng 8 tháng là có thể thu hoạch, số tiền lãi kiếm được tôi mua phân bón chăm sóc các cây chủ lực. Đối với các loại cây chủ lực, tôi chỉ bón phân hữu cơ để cây phát triển tốt, cứng cáp, còn cây ngắn ngày tôi bón phân vô cơ để mau thu hoạch" - bà Hằng nói thêm.
Nhờ cách làm hay mà toàn bộ số cây trong vườn của bà phát triển tốt. Trong khoảng 2 năm nay mít thái thu hoạch khá ổn định, cứ nửa tháng bà có thể thu hoạch với giá dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Mô hình "lấy ngắn nuôi dài" của bà Hằng đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm gia đình bà có thể "bỏ túi" cả tỉ đồng từ mô hình này.
Mục tiêu đưa sản phẩm lên "sàn thương mại điện tử"
Trong 10 năm qua, bà Hằng luôn đạt thành tích nông dân giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2021 bà vinh dự được chọn đại diện nông dân toàn tỉnh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Chương trình tự hào Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021".
Với bà Hằng, lao động không chỉ để tạo ra kinh tế mà đó còn là niềm đam mê, nghiên cứu phát triển giống cây trồng tại địa phương, mục tiêu hướng đến đưa sản phẩm lên "sàn thương mại điện tử". Theo đó, hướng đi mới này sẽ giúp người nông dân chủ động hơn trong việc tiêu thụ nông sản, từng bước chuyển đổi, thích ứng với môi trường số.
"Nói đến thành công thì không hẳn, bởi đó là quá trình học hỏi và tích lũy dần kinh nghiệm, trước khi chuyển đổi giống cây trồng nào tôi cũng đều đến nơi đó để học hỏi, tham quan nhiều mô hình, ngay cả được sự tư vấn của kỹ sư để canh tác được hiệu quả. Và mục tiêu sắp tới đây mà tôi hướng tới là đưa cây ăn trái lên sàn thương mại điện tử cũng như phát triển du lịch tại địa phương, mở cửa đón khách tham quan khi cây ăn trái thu hoạch ổn định" - bà Hằng chia sẻ.
Nói về cách làm hay của nữ nông dân tỉnh Hậu Giang, ông Châu Minh Tiến - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Hậu Giang - cho biết: "Nông dân Võ Thị Hằng là tấm gương lao động tiêu biểu của hội viên nông dân trong tỉnh. Đặc biệt, với cách làm hay, mô hình thông minh đã góp phần xây dựng đời sống kinh tế gia đình ổn định. Bên cạnh đó, mục tiêu đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử là cách nhìn tiến bộ và đây cũng là định hướng chung của tỉnh".
Cũng theo ông Tiến, về lâu dài bà con tại địa phương sẽ tham gia vào tổ hợp tác xã, tham gia các buổi tập huấn về kỹ năng và công nghệ trong sản xuất. Từ đó, nông dân có thể áp dụng đối với mô hình của mình trong thời gian tới.
Xem thêm: odl.996489-nad-gnon-un-auc-hnac-ad-nouv-mal-hnih-om-ut-manit-neit-pahn-uht/et-hnik/nv.gnodoal