Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 14/12 theo giờ Việt Nam giảm 0,1% xuống 96,315, mất đi phần lớn mức tăng 0,3% của phiên liền trước.
Dữ liệu mới nhất của Mỹ về giá sản xuất củng cố thêm niềm tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày thứ Tư (15/12) sẽ thông báo về việc nhanh chóng rút lui khỏi chương trình mua trái phiếu chính phủ. Cụ thể, giá hàng hóa xuất xưởng đã đạt mức cao nhất trong vòng 11 năm.
David Riley, chiến lược gia về đầu tư của BlueBay Asset Management cho biết: "Rõ ràng là Fed cần phải phản ứng với việc lạm phát tăng." Ông nói: "Đó là một môi trường mà rất khó để giữ cho đồng USD không tăng".
Nhà kinh tế cấp cao của Mizuho, Colin Asher, cho biết các nhà giao dịch vẫn lạc quan về triển vọng đồng USD trong dài hạn kể từ sau khi phát hiện virus Omicron.
Ông Asher nói: "Trong vài ngày sau khi virus Omicron xuất hiện, hoạt động kém nhất là hàng hóa và tiền tệ do lo ngại virus Omicron sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhưng giờ đây, tình hình thương mại đã đảo ngược ở một mức độ nào đó. Đồng USD dự báo sẽ ổn định cho đến khi thị trường tin rằng lạm phát của Mỹ đã đạt đỉnh".
Thị trường đã xác định Fed sẽ kết thúc việc mua trái phiếu vào khoảng tháng 3 năm sau và tiến hành tăng lãi suất.
Lạm phát giá xuất xưởng ở Mỹ tăng vọt.
Charles Diebel, chuyên gia của công ty Mediolanum International Funds cho biết: "Chúng ta thấy vị thế dài hạn của đồng USD khá tốt dựa trên những gì chúng ta mong đợi Fed sẽ làm".
Đồng euro và bảng Anh tăng giá nhờ đồng USD yếu đi, euro tăng 0,1% lên 1,1294 USD sau khi chạm mức thấp nhất trong một tuần là 1,12605 USD qua đêm. Viện Ifo của Đức hôm mới đây dự đoán nền kinh tế Đức sẽ giảm 0,5% trong ba tháng cuối năm nay so với quý trước và sẽ trì trệ trong ba tháng đầu năm tới.
Bảng Anh tăng 0,2% lên 1,323 USD sau khi dữ liệu cho thấy các nhà tuyển dụng đã thuê được số lượng nhân viên nhiều kỷ lục trong tháng 11.
Tuy nhiên, đồng yên của Nhật Bản giảm giá, so với USD giao dịch ở mức 113,69 yên.
Các đồng tiền liên quan đến hàng hóa, bao gồm đồng đô la Australia và đô la Canada, phiên vừa qua mất khoảng 0,1% đến 0,2% giá trị so với đồng bạc xanh khi giá dầu giảm xuống 73 USD/thùng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết biến thể Omicron sẽ làm suy giảm sự phục hồi nhu cầu toàn cầu.
Tỷ giá hối đoái đã đổi chiều với kỳ vọng thay đổi về chênh lệch lãi suất giữa các loại tiền tệ. Các nhà đầu tư bắt đầu khó khăn trong việc lựa chọn phương án dự báo các ngân hàng trung ương lớn nhằm chống lại lạm phát bằng cách rút lại hỗ trợ tiền tệ cho nền kinh tế của họ hoặc cung cấp tiền để có thể ứng phó với virus Omicron. Điều đó khác hẳn với lúc đại dịch mới bắt đầu, khi các ngân hàng trung ương có xu hướng thực hiện các động thái tương tự như trên.
Cuộc họp kéo dài hai ngày của Fed bắt đầu vào cuối ngày 14/12 đề cập đến một loạt các quyết định chính sách trong tuần này từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, Ngân hàng Nhật Bản và những người khác. Trong khi thị trường tiền tệ đánh giá cao khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 6 thì các ngân hàng trung ương như: ECB, BOJ hoặc SNB … được dự kiến sẽ không sớm có động thái điều chỉnh lãi suất nào. Mối đe dọa từ Omicron có thể buộc BoE phải hoãn việc tăng lãi suất.
Chuyên gia Charles Diebel thuộc công ty Mediolanum International Funds cho biết: "Vị thế đồng USD dài hạn khá tốt dựa trên những gì chúng ta mong đợi Fed sẽ làm".
"Ngay cả khi Fed chỉ đơn thuần đáp ứng kỳ vọng tăng lãi suất thì họ vẫn đi trước ECB – tổ chức đang tìm cách giữ nguyên chính sách tiền tệ" sau khi Chương trình Mua tài sản Khẩn cấp trong giai đoạn Đại dịch (PEPP) dự kiến kết thúc vào tháng Ba tới, các chiến lược gia của Westpac cho biết.
Theo các chiến lược gia, mặc dù đà tăng của Dollar index đã chậm lại trong thời gian gần đây, nhưng nếu chỉ số này chạm mức 95 thì rất đáng để mua USD vào.
Tiền tệ Châu Á hầu hết giảm giá trước thềm cuộc họp của các ngân hàng trung ương lớn. Đồng rupee và chứng khoán của Ấn Độ nằm trong nhóm giảm giá nhiều nhất trong số các thị trường mới nổi châu Á trong ngày 14/12 do các nhà đầu tư bán tài sản rủi ro trước khi diễn ra một loạt các cuộc họp quan trọng của các ngân hàng trung ương trong tuần này và sự suy yếu kéo dài trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ phiên này vẫn tăng 0,1% do nhu cầu thanh toán ngoại hối của các doanh nghiệp, bất chấp việc một cựu quan chức cấp cao của cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Quốc cảnh báo nước này nên tránh để đồng tiền này tăng giá quá mức.
Cập nhật tỷ giá tiền tệ quốc tế.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm xuống dưới 47.000 USD và hiện thấp hơn trên 30% so với mức cao kỷ lục hồi đầu tháng 11.
Nghịch lý là Bitcoin giảm giá bất chấp lượng vốn ròng chảy vào các sản phẩm và quỹ đầu tư Bitcoin trong tuần trước lên tới 51 triệu USD, đánh dấu tuần thứ 13 liên tiếp hút vốn ròng của tiền ảo này.
"Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy giá Bitcoin có thể giảm thêm 4-6 ngày nữa trước khi có thể lập một mức đáy", công ty Fundstrat nhận định, và cho biết: "Xu hướng giá Bitcoin vẫn nghiêng về giảm trong ngắn hạn. Xung lực giá vẫn chưa cho thấy những dấu hiệu của sự ổn định trở lại để có thể bật tăng",
Hãng tin Reuters dẫn số liệu từ công ty quản lý tài sản số CoinShares cho thấy các sản phẩm và quỹ đầu tư tiền ảo hút ròng 88 triệu USD trong tuần trước, cho dù giá Bitcoin biến động mạnh gần đây với xu hướng chính là giảm. Tính từ đầu năm đến nay, các sản phẩm và quỹ đầu tư tiền ảo đã hút ròng 9,5 tỷ USD, trong khi chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc năm 2021. Năm ngoái, lượng vốn ròng được ghi nhận đạt 6,7 tỷ USD.
Giá Bitcoin ngày 14/12.
Giá vàng cũng giảm hơn 1% do dự đoán Fed sớm nâng lãi suất. Theo đó, vàng giao ngay kết thúc ngày 14/12 theo giờ Việt Nam giảm 0,9% xuống 1.771,76 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 2 cũng giảm 0,7% xuống 1.775,10 USD.
Giá vàng giảm bất chấp lạm phát vẫn duy trì ở mức cao và dự đoán tình trạng này sẽ còn kéo dài. "Đây là lý do tại sao lạm phát được gọi là con dao hai lưỡi," David Meger, Giám đốc kinh doanh kim loại thuộc công ty giao dịch kim loại High Ridge Futures cho biết.
Nhà phân tích Lukman Otunuga của FXTM cho biết: "Nếu Fed tăng tốc độ giảm dần kích thích kinh tế thì điều đó sẽ gây áp lực lớn lên giá vàng do đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ đều tăng giá".
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk