Reuters dẫn tuyên bố của Pfizer ngày 14-12 cho biết thuốc viên kháng virus SARS-CoV-2 của họ vẫn đạt hiệu quả gần 90% trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ cao. Đồng thời, dữ liệu phòng thí nghiệm gần đây chỉ ra rằng thuốc vẫn giữ được hiệu quả chống lại biến thể Omicron lây lan nhanh.
Hồi tháng trước, hãng dược Mỹ tuyên bố thuốc viên Covid-19 của họ có hiệu quả khoảng 89% trong việc ngăn ngừa nhập viện hoặc tử vong khi so sánh với giả dược dựa trên kết quả nghiên cứu tạm thời trên 1.200 người. Dữ liệu được công bố ngày 14-12 bao gồm thêm 1.000 người khác.
Không ai trong thử nghiệm điều trị bằng thuốc viên của Pfizer tử vong so với 12 trường hợp tử vong ở những người nhận giả dược.
Thuốc của Pfizer được dùng cùng với ritonavir kháng virus cũ hơn, cứ 12 giờ dùng một lần trong 5 ngày, bắt đầu ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng Covid-19. Nếu được phép, thuốc sẽ được bán với tên Paxlovid.
Pfizer cũng công bố dữ liệu ban đầu từ thử nghiệm lâm sàng thứ hai cho thấy thuốc làm giảm tỉ lệ nhập viện 70% ở 600 người trưởng thành có nguy cơ trung bình.
"Đó là một kết quả tuyệt vời" - trưởng bộ phận khoa học của Pfizer Mikael Dolsten ca ngợi trong một cuộc phỏng vấn.
Dolsten cho biết ông hy vọng thuốc sẽ sớm được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cùng các cơ quan quản lý khác cấp phép sử dụng cho những người có nguy cơ cao.
Hiện chưa có phương pháp điều trị kháng virus SARS-CoV-2 đường uống nào được cấp phép tại Mỹ.
Một hãng dược khác là Merck & Co đã đề nghị các cơ quan quản lý y tế Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Molnupiravir của họ. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ làm giảm 30% tỉ lệ nhập viện và tử vong trong thử nghiệm lâm sàng trên những bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ cao.
Một số nhà khoa học bày tỏ lo ngại về tính an toàn cũng như nguy cơ gây dị tật bẩm sinh của thuốc viên Covid-19 của Merck & Co, đồng thời cho rằng nó có thể khiến virus đột biến.
Thuốc của Pfizer hoạt động khác. Nó là một phần của nhóm thuốc được gọi là chất ức chế protease hiện được sử dụng để điều trị HIV, viêm gan C và các loại virus khác.
Theo Phạm Nghĩa
Người lao động
Xem thêm: nhc.60270557051211202-norcimo-eht-neib-coud-irt-rezifp-auc-91-divoc-couht/nv.zibefac