Nhiều phòng khu nhà trọ ở phường Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM) đóng cửa do ít người thuê - Ảnh: VŨ THỦY
Ông Vũ Văn Xuân (quận Gò Vấp) đã quyết định bán khu trọ 54 phòng để chuyển hướng kinh doanh. "Làm nhà trọ đã 10 năm rồi, nhưng nay không thể gồng thêm được nữa.
Nhiều người thuê nợ 4 - 5 tháng tiền phòng mà mình cũng không biết khi nào họ mới trở lại", ông Xuân cho biết. Theo ông Xuân, chủ mới cũng sẽ không kinh doanh phòng trọ mà đập đi chuyển sang mô hình kinh doanh căn hộ dịch vụ.
Gần dãy trọ của ông Xuân, ông Nguyễn Văn Có (53 tuổi) cũng đã bán dãy trọ 10 phòng để chuyển sang sửa chữa xây dựng nhỏ.
"Có chục phòng nhưng mấy tháng nay trống phân nửa, chờ mãi chẳng thấy ai lên. Còn người ở lại đến giờ có người nợ 5 - 6 triệu, không có tiền trả, phải cho người ta luôn chứ biết sao" - ông Có chia sẻ.
Về quyết định bỏ nghề kinh doanh phòng trọ, ông Có giải thích: "Phòng trọ để lâu cũng xuống cấp, giờ cho thuê cũng phải sửa sang, cải tạo lại. Người thuê không có, vật tư lại đắt đỏ, sửa chữa rất tốn kém, thấy khó ăn nên buộc phải chuyển đổi".
Trong khi đó, một số chủ nhà trọ có nhiều phòng cho thuê vẫn cố gắng "vượt cạn". "Phòng trống còn nhiều, phải chờ qua Tết nhưng cũng lo chưa chắc có người thuê.
Tôi hỏi dò chừng thì người ở quê họ chờ tiêm vắc xin đủ hai mũi mới nghĩ đến chuyện đi làm" - ông Nguyễn Thành Tâm, chủ trọ tại quận 12, cho biết. Với tình hình kinh doanh cho thuê hiện tại, ông Tâm cho hay tiền thu không đủ để trả lãi ngân hàng và cũng không thể giảm giá thêm vì "giảm nữa là lỗ".
Theo ông Tâm, kinh doanh phòng trọ cho công nhân, lao động lâu nay vốn dĩ lời ít nhưng nhờ luôn có người thuê thường xuyên nên thu nhập ổn định.
Chi phí xây một phòng trọ khoảng 70 triệu, giá cho thuê bình thường 1,5 - 1,6 triệu, trừ chi phí thuê đất, lãi ngân hàng, tiền quản lý, khấu hao... chỉ lời 200.000 - 400.000 đồng/phòng.
Do dịch nên giá cho thuê phải giảm "tới đáy" cho những người khó khăn. Đã vậy, nhiều người thuê không việc làm, không thể trụ lại nên hiện tại phòng trống lên tới 20 - 30 phòng.
Tương tự, khu trọ 20 phòng của anh Anh Duy ở quận Bình Tân vốn luôn kín người thuê nhờ gần khu công nghiệp giờ cũng phòng trống đến một nửa. Anh phải vào các hội, nhóm công nhân đăng tin tìm người thuê dù trước đây chưa bao giờ phải làm việc này.
"Dịch người ta về quê nhiều lắm. Số phòng còn lại chỉ phân nửa nhưng lâu nay mình cũng phải giảm tiền thuê, hỗ trợ những người còn lại nên đâu có lời lãi gì", anh Duy chia sẻ và tiếp tục cầm cự để chờ tình hình ổn định trở lại, chưa nghĩ đến bán dãy trọ.
"Có chủ trọ gần tính bán, nhưng mình dù còn 1 - 2 phòng thuê cũng chờ. Người thuê ở đây đa phần dân miền Tây. Mấy ngày nay ở dưới quê họ gọi điện lên nói muốn đi làm trở lại nhưng còn lo sợ nên chưa dám lên. Giờ tôi chỉ mong tình hình dịch ổn định, việc làm ăn tốt hơn thì người dân mới yên tâm để đi làm lại", anh Duy nói.
TTO - Nhiều người đã đi làm nhưng công việc vẫn bấp bênh, bán vé số, bán hàng rong đều chưa có mấy người mua, ông Lê Tuấn Giảng (78 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) đã cho tiền người ở trọ để họ có thêm chút tiền xoay xở.
Xem thêm: mth.66224139051211202-ial-ort-gnod-oal-ohc-ort-ahn-uhc/nv.ertiout