Giá vận chuyển container có nơi tăng 200%
Chia sẻ của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tại diễn đàn logistics 2021 ngày 14/12, VLA cho biết tính riêng năm 2021, có khoảng 15% doanh nghiệp bị giảm 50% doanh thu và hơn 50% doanh nghiệp giảm số lượng dịch vụ logistics từ 10-30% so với năm 2020. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cho biết cùng thời điểm này năm 2020, giá cước container sang bờ đông nước Mỹ chỉ 3.500-4.000 USD/container. Nhưng nay cũng cung đường ấy, giá cước đã lên tới 15.000 USD, thậm chí 18.000 USD/container.
Theo ông Trung, giá vận chuyển container trên một số tuyến chính đều tăng trên 100%, có nơi trên 200%. Trong khi đến 80% hàng hóa trên thế giới vận chuyển bằng đường biển.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đang chịu hơn 10 loại phí đối với một container hàng xuất khẩu, như phí chứng từ, phí xếp dỡ, phí vệ sinh container, phí cân bằng container, phí khai trọng lượng; vấn đề tỉ giá áp tùy tiện… rất nặng nề và phiền toái. Chi phí logistics đang tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Chia sẻ về tác động của tiêu cực trong câu chuyện đứt gãy cung ứng suốt 2 năm qua, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết trong 2 năm 2020 và 2021, doanh nghiệp may đầu đàn của Việt Nam khó chồng chất do sự tăng đột biến các loại chi phí logistics, bên cạnh khó khăn về thị trường, nguyên liệu.
Thời điểm dịch bùng phát, May 10 không có container để xuất khẩu. Đến khi có container rồi thì không có tàu, có tàu thì lại mất rất nhiều thời gian chờ đợi. Ông Việt cho biết có thời điểm, doanh nghiệp phải mất đến 6 tuần chỉ để tìm container và tàu để xuất khẩu. Thiệt hại rất khủng khiếp về tiến độ giao hàng.
Vào đầu tháng 8, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chạy đôn chạy đáo khi lượng hàng tồn gần lên ngưỡng 100%, Cát Lái phải thông báo tạm ngưng tiếp nhận tàu.
Không chỉ vậy, chi phí vận chuyển đang quá đắt đỏ và tăng đột biến. Tính trung bình, năm 2021, chi phí vận chuyển của doanh nghiệp tăng 19% so với năm 2020. Nếu so với năm 2019 thì chi phí vận chuyển đã tăng lên đến 38%.
Các loại phí logitics đang gây ra quá nhiều phiền toái
Chi phí vận chuyển tăng ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm. Khi giá thành lên quá cao thì ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
"Mỗi năm May 10 xuất nhập khẩu khoảng 2.000 container và 120.000 m3 hàng hóa, mất khoảng 12.000 tờ khai. Mỗi lần khai là chi phí lại đội lên", ông Thân Đức Việt nói.
Không chỉ vậy, vấn đề thu các loại phí logitics đang gây ra quá nhiều phiền toái. Hiện thu phí của đại lý giao nhận áp dụng các mức không đồng đều, riêng phí CFS có đại lý thu 8 USD/m3, có đại lý lại thu 15 USD/m3. Phí vệ sinh container có nơi thu 200.000-300.000 đồng/container, nơi lại thu 600.000 đồng/container.
Ông cũng chia sẻ thêm hiện nay, đầu xuất khẩu là do khách hàng chỉ định hãng tàu. Rất nhiều lần doanh nghiệp viết thư gửi cho cho khách hàng, đề nghị được thuê hãng tàu, nhưng không được khách hàng đồng ý, bởi họ đã quen với việc thuê hãng tàu của nước họ.
Việc không chủ động được tàu bên nhận hàng thì doanh nghiệp luôn bị lệ thuộc, bị động trong mọi tình huống, và luôn phải chấp nhận bị tăng giá. Với riêng May 10, chi phí logistics đang chiếm tới 9,3% giá thành sản phẩm.
Lãnh đạo May 10 kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ ngành nên xây dựng những lộ trình, mục tiêu để chủ động với tuyến vận chuyển dài. Ông kiến nghị Chính phủ can thiệp vào các loại phí để thống nhất, không làm khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt với các mặt hàng chủ đạo của nền công nghiệp.
Với thị trường nội địa, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết đợt dịch lần thứ tư vừa qua, các hoạt động kinh tế, trong đó có cung ứng hàng hóa, hoạt động logistics đã bộc lộ tất cả khó khăn, khi nhiều chuỗi cung ứng đứt gãy.
Theo ông Phương, TP.HCM có 9,4 triệu người dân, nhu cầu lương thực, thực phẩm rất lớn, nhưng 234 chợ đầu mối, 106 siêu thị, 28.700 cửa hàng tạp hóa, hơn 2.400 cửa hàng tiện lợi... phải dừng hoạt động dần vì có ca nhiễm Covid-19, khiến nguồn hàng hóa bị đứt gãy.
Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thành phố là cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực phía Nam, như cảng Cát Lái, sân bay Tân Sơn Nhất... nhưng phải thực hiện giãn cách.
Từ thực tế như trên, TP.HCM kiến nghị Chính phủ phân công Bộ Công thương làm tổng điều phối kế hoạch phát triển ngành logistics của cả nước, để các tỉnh phát triển đồng bộ, tránh lãng phí.