Bị mất việc do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều hướng dẫn viên du lịch phải chuyển sang làm đủ mọi nghề như shipper, bán hàng online, gia sư... để có nguồn thu nhập.
Khó khăn khi bị dừng việc
Từ khoảng một năm trở lại đây, cuộc sống của anh Nguyễn Văn Họa (28 tuổi, Hà Nội) mới thực sự thấm những "đòn đánh" nặng nề bởi dịch COVID-19.
Là một hướng dẫn viên của công ty du lịch ở mảng outbound (dẫn khách Việt đi du lịch nước ngoài) với hơn 9 năm kinh nghiệm, anh Hoạ chia sẻ: “Khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, trung bình mỗi tháng, tôi có thể dẫn từ 3 tới 5 tour đi Hàn hoặc Thái, mỗi tour kéo dài 5 ngày. Nhưng do dịch bệnh, lần cuối tôi dẫn tour quốc tế đã cách đây khoảng 2 năm, tức vào ngày 2 tết âm lịch 2019”.
Và kể từ năm 2020, khi dịch bệnh lây lan rộng, hoạt động của các công ty anh Hoạ gần như phải “đóng băng". Cuộc sống sinh hoạt cũng phải thay đổi hoàn toàn.
“Thời gian đầu thì có thể gắng gượng. Nhưng sau khoảng gần 1 năm thì mọi chuyện thực sự ảnh hưởng. Chẳng hạn trước kia chi phí sinh hoạt của mình ổn định, có thể mua cái này cái kia, ăn uống thì không phải quá chi li. Nhưng giờ thì đã lâu rồi chưa biết mua thêm một món đồ gì cho bản thân, chỉ cố gắng lo đủ sinh hoạt phí. Trước kia có thể ra ngoài ăn sáng nhưng giờ luôn tự nấu ăn" - anh Họa nói thêm.
Trong khi đó, cũng là hướng dẫn viên du lịch 8 năm nay, anh Nguyễn Ngọc Thắng (37 tuổi, Hà Nội) cảm thấy khá mù mịt khi nhắc tới công việc của mình.
Là hướng dẫn viên chuyên dẫn khách Hàn Quốc inbound và outbound, nếu như trước dịch, khi dẫn khách inbound (dẫn khách Hàn Quốc sang Việt Nam) chuyên tuyến Hà Nội - Yên Tử - Hạ Long, trung bình một tháng, anh Thắng dẫn từ 5 đến 8 đoàn. Trong khi đó, outbound các tuyến Hàn Quốc ít nhất cũng phải từ 3 đến 6 đoàn. Nhưng hiện giờ tất cả đều phải dừng lại.
Trong những ngày này, anh Thắng đang phải dùng số tiền tích lũy được sau nhiều năm làm hướng dẫn viên để chuyển sang bán hàng online.
"Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của những người như tôi. Anh em trong nghề cũng hay chia sẻ với nhau, nhiều công ty du lịch nhẹ thì chỉ cắt giảm nhân viên thôi. Nhưng cũng có các công ty khó khăn quá, không trụ nổi đến phải đến mức phá sản” anh Thắng nói với PV.
Làm đủ thứ nghề để tồn tại
Để tồn tại qua những ngày dịch bệnh, tạm xa với công việc chính, những hướng dẫn viên du lịch đang phải làm đủ thứ nghề để có thêm thu nhập.
"Tôi có thử sức mình với đủ nghề suốt 2 năm qua từ shipper giao hàng, chạy xe ôm công nghệ đến nhân viên bán hàng cho siêu thị, bán hoa quả online. Nhưng cũng chỉ là tay ngang, không thấy hợp lắm do mình làm hướng dẫn viên đã quá lâu rồi" - anh Nguyễn Văn Họa nói.
Trong khi đó, chị Ngô Thị Thanh Thanh (25 tuổi, Hà Nội) chuyên dẫn khách nước ngoài tuyến Hà Nội - Hạ Long, đã cố gắng chuyển sang làm thêm các công việc khác như tuyển dụng nhân sự, bán hàng online, dạy tiếng Anh, làm tiếp thị liên kết để trang trải cuộc sống.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỉ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, lượng doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành trên 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động.
Là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, theo Quyết định số 23/2021 của Thủ tướng quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, hướng dẫn viên du lịch sẽ nhận được mức hỗ trợ 3.710.000 đồng/người, chi trả 1 lần.
Xem thêm: odl.829489-91-divoc-nod-maht-hcil-ud-neiv-nad-gnouh/et-hnik/nv.gnodoal