Hôm 15/12, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thẳng thừng gạt bỏ ý tưởng cấm các thành viên Quốc hội và vợ chồng sở hữu cổ phiếu của các công ty cụ thể, bất chấp khả năng xung đột lợi ích giữa nhiệm vụ lập pháp và tài chính cá nhân.
"Không", bà Pelosi trả lời chắc nịch khi các phóng viên hỏi rằng liệu bà có ủng hộ lệnh cấm như vậy không.
"Chúng ta là một nền kinh tế tự do. Các nhà lập pháp nên được phép tham gia thị trường chứng khoán tự do".
Câu hỏi về lệnh cấm được nhắc đến sau khi tờ Business Insider đăng chuỗi bài điều tra về sở hữu chứng khoán của các nhà lập pháp và sau các cuộc tranh cãi về việc mua cổ phiếu của nhiều thượng nghị sĩ kể từ đầu đại dịch.
Loạt bài của Business Insider trong tuần này phát hiện rằng 49 thành viên Quốc hội và 182 nhân viên quốc hội cấp cao đã vi phạm Đạo luật Không giao dịch dựa trên Hiểu biết trong Quốc hội (STOCK Act). Luật quy định những đối tượng này và thành viên gia đình trong vòng 45 ngày phải công khai giao dịch mua bán cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu và hợp đồng tương lai hàng hóa.
Được ban hành năm 2012, Đạo luật STOCK trên lý thuyết sẽ ngăn ngừa các nhà lập pháp và nhân viên Quốc hội tham gia giao dịch chứng khoán dựa trên thông tin có được từ công việc, cũng như các xung đột lợi ích.
Nhưng việc vi phạm Đạo luật STOCK ít khi bị trừng phạt, và nếu có thì mức phạt thường cũng chỉ là 200 USD.
Chủ tịch Hạ viện Pelosi cũng khẳng định rằng: "Chúng tôi có trách nhiệm phải báo cáo giao dịch chứng khoán". Bà nói mình không biết thông tin của Business Insider có đúng không.
"Nhưng nếu các nhà lập pháp không báo cáo giao dịch thì họ nên làm vậy", bà nói thêm.
Đầu tuần này, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) Gary Gensler đã kêu gọi ban hành các quy định cứng rắn hơn để hạn chế giao dịch cổ phiếu của CEO và các giám đốc cấp cao của doanh nghiệp.
Vào tháng 10, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ban hành lệnh cấm các quan chức của ngân hàng trung ương sở hữu cổ phiếu và trái phiếu riêng lẻ. Quyết định được đưa ra sau khi hai quan chức Fed phải từ chức vì lùm xùm mua bán chứng khoán trong năm 2020, khi thị trường chao đảo và Fed mua lượng lớn tài sản tài chính để ổn định thị trường.
Bê bối giao dịch chứng khoán của các nhà lập pháp
Khá nhiều tổ chức quan sát chính phủ và một số nhà lập pháp đã khuyến khích lệnh cấm sở hữu cổ phiếu hoặc bắt buộc các thành viên Quốc hội để các sở hữu tài chính trong quỹ ủy thác ẩn danh khi đương chức.
Ủy thác ẩn danh là kiểu thỏa thuận tài chính trong đó cá nhân đồng ý rằng tiền của họ được đầu tư bởi người khác và cá nhân này không thể chi phối quyết định đầu tư mà bên nhận ủy thác đưa ra.
Cho phép các nhà lập pháp tiếp tục sở hữu quỹ chỉ số cũng được coi là một cách giúp họ kiếm lời từ thị trường đồng thời hạn chế khả năng lợi dụng thông tin từ chức vụ về từng công ty riêng lẻ.
Năm 2019, Hạ nghị sĩ Chris Collins nhận tội trước các cơ quan điều tra liên bang về việc tiết lộ cho con trai thông tin mật về thử nghiệm thuốc thất bại của một công ty dược Innate Therapeutics. Không lâu sau, thông tin này được công bố rộng rãi và đẩy giá cổ phiếu rơi thẳng đứng, CNBC cho biết.
Hồi đầu năm 2016, ông Collins là cổ đông lớn nhất của Innate Therapeutics với tỷ lệ sở hữu hơn 17%, hay gần 34 triệu cổ phiếu. Các con ông là Cameron và Caitlin có thời điểm là cổ đông lớn thứ ba hoặc thứ 4 của công ty, mỗi người sở hữu hơn 5,2 triệu cổ phiếu. Ông Collins giữ ghế trong HĐQT Innate ngay cả khi giữ chức trong Quốc hội.
Ông Collins lĩnh án 26 tháng tù nhưng được xá tội bởi Tổng thống Donald Trump trong tháng 12/2020.
Năm ngoái, các công tố viên liên bang đã điều tra các giao dịch bán cổ phiếu trước khi COVID-19 đổ bộ khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc. Vụ việc liên quan tới các Thượng nghị sĩ Richard Burr, Jim Inhofe, Kelly Loeffler và Dianne Feinstein. Cuộc điều tra kết thúc mà không cáo buộc hình sự nào được đưa ra.
Nhưng SEC đang tiến hành điều tra liệu ông Burr và vợ chồng em gái có tham gia giao dịch nội gián dựa trên thông tin không công khai mà vị thượng nghị sĩ này có được từ chức vụ hay không. Ông Burr đã phải từ chức Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện.
Tháng 8 năm nay, Thượng nghị sĩ Rand Paul lần đầu tiết lộ rằng ông và vợ đã mua cổ phiếu Gilead Sciences hồi đầu năm 2020, một ngày sau cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của Mỹ bắt đầu đối với thuốc remdesivir của Gilead như một phương pháp điều trị COVID-19.
Trong 10 năm trước đó, vợ chồng ông Paul chưa từng mua cổ phiếu của bất kỳ công ty riêng lẻ nào. Tiết lộ của ông Paul được đưa ra muộn hơn 16 tháng so với hạn chót của Đạo luật STOCK.
Hồi tháng 7, Thượng nghị sĩ Tommy Tuberville tiết lộ các giao dịch quyền chọn và cổ phiếu có giá trị tổng cộng từ 894.000 đến 3.500.000 USD từ tháng 1 đến tháng 5.
Giống như đồng nghiệp Paul, ông Tuberville công khai thông tin sau khi hết thời hạn quy định của Đạo luật STOCK.