Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn sắn của Việt Nam
Sắn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Sắn bao gồm sắn tươi, sắn thái lát khô và tinh bột sắn. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được 1,59 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 747,33 triệu USD. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam.
Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc đạt 1,36 tỷ USD, tăng 98,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 10 tháng năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 2,81 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 1,34 tỷ USD.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn lát cho Trung Quốc, thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 10,8% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc. Về thị phần tinh bột sắn, Việt Nam cũng là quốc gia lớn thứ 2 cung cấp cho Trung Quốc nhưng so với Thái Lan thì chỉ chiếm một phần khá nhỏ.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, do nguồn sắn lát tồn kho vụ 2020/21 của Việt Nam còn rất ít nên giá sắn đang ở mức khá thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh sắn lát.
Cùng với đó, do tình trạng thiếu hụt sắn tươi cho các nhà máy chế biến trong khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng cao là nhân tố khiến cho giá sắn tại các địa phương vẫn khá ổn định trong thời gian qua dù tác động của dịch Covid-19.
Hiện, giá sắn lát khô của Việt Nam sang Trung Quốc ở mức khoảng 275 USD/tấn, FOB Quy Nhơn. Trong khi đó, giá sắn tươi tại Kon Tum, Gia Lai trong khoảng 2.600 - 2.750 đồng/kg. Giá sắn tại Tây Ninh những ngày qua dao động trong khoảng 3.050 - 3.150 đồng/kg; giá sắn tại Đắk Lắk trong khoảng 2.700 - 2.750 đồng/kg.
Tại sao Trung Quốc nhập nhiều sắn đến vậy?
Tại Việt Nam, sắn được trồng nhiều nhất là ở các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung nhưng năng suất cao nhất vẫn là ở vùng Đông Nam bộ. Sắn là một loại cây trồng có nhiều tác dụng trong các ngành công nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Loại cây nông nghiệp này có nhiều công dụng thiết thực. Củ sắn được dùng để chế biến tinh bột, sắn lát khô, bột sắn nghiền, từ sắn củ tươi hoặc từ các sản phẩm sắn sơ chế tạo thành hàng loạt các sản phẩm công nghiệp như bột ngọt, rượu cồn, mì ăn liền, gluco, xiro, bánh kẹo, mạch nha, kỹ nghệ chất dính (hồ vải, dán gỗ), phụ gia thực phẩm, phụ gia dược phẩm…
Nông dân thu hoạch sắn. Ảnh: T.T
Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn sản phẩm sắn từ Việt Nam ngoài phục vụ cho việc sản xuất ethanol thì còn nhằm mục đích trộn vào thức ăn chăn nuôi. Nguyên nhân là do ngành chăn nuôi lợn sau khi bị dịch tả lợn châu Phi đã dần phục hồi lại. Trong khi đó, nguồn cung ngô ở Mỹ và Nam Mỹ gặp khó do thời tiết bất lợi, nên Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn để làm thức ăn chăn nuôi.
Củ sắn chứa một lượng lớn tinh bột, dao động từ 70 – 85% và tăng lên tùy theo giai đoạn thu hoạch. Hàm lượng chất xơ trong sắn cũng rất thấp, do đó nó dễ dàng tiêu hóa hơn đối với tất cả các loại vật nuôi từ lợn cho đến gia cầm (gà, gà tây, gà đẻ...).
Hiện nay, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi vẫn chưa tận dụng các cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…