Ngày 16-12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị về công tác xây dựng Đảng và công tác Đảng ngoài nước với chủ đề Tăng cường xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng công tác Đảng ngoài nước, triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, khẳng định, Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành Ngoại giao bởi xây dựng Đảng đóng vai trò then chốt, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi trên mặt trận đối ngoại.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TUẤN ANH
Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành Ngoại giao qua các thời kỳ đều luôn đặc biệt coi trọng vị trí, vai trò của công tác xây dựng Đảng cũng như hết sức chăm lo xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ.
Được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện, ngành Ngoại giao đã có những thế hệ cán bộ ngoại giao xuất sắc, trong đó nhiều cán bộ là những tấm gương sáng về lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị, trình độ, phong cách ngoại giao được bạn bè quốc tế nể trọng.
Theo Bộ trưởng, nhìn lại thời gian qua, nhất là kể từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 năm 2018 đến nay, tình hình quốc tế chuyển biến nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và chưa có tiền lệ, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Việc thực hiện Quyết định số 209 của Bộ Chính trị khóa XII về hợp nhất Đảng bộ Ngoài nước với Đảng bộ Bộ Ngoại giao tạo nên một sức mạnh mới cho Đảng bộ Bộ Ngoại giao, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao hơn, phức tạp hơn về xây dựng Đảng trong ngành Ngoại giao, nhất là công tác Đảng ngoài nước.
“Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực với quyết tâm cao, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại và xây dựng Đảng”- Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Từng cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí Bí thư, cán bộ lãnh đạo, quản lý, phải gương mẫu, đi đầu, không ngừng rèn luyện vững vàng về chính trị, tư tưởng, tuyệt đối trung thành với Đảng, lợi ích quốc gia - dân tộc, không để "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" bởi phía sau những “chiến sĩ tiền phương” trên mặt trận đối ngoại là Đảng, là Tổ quốc, là Nhân dân.
Theo Bộ trưởng, chỉ có xây dựng được đội ngũ cán bộ ngoại giao toàn diện về tư tưởng, bản lĩnh chính trị và trí tuệ, hiện đại về phong cách, lề lối làm việc, mới xây dựng được ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Có mặt tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư biểu dương, ghi nhận thành tích mà Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã đạt được trong những năm qua.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng bày tỏ: Trên cơ sở nhận định, phân tích tình hình trong nước và thế giới, đánh giá những thành tựu, kết quả đã đạt được, cũng như khó khăn, hạn chế, yếu kém của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác đối ngoại thời gian qua, Tổng Bí thư đã định hướng, gợi mở, chỉ ra những yêu cầu, nhiệm vụ cần phải thực hiện trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị và công tác đối ngoại trong thời gian tới.
Ông Võ Văn Thường cũng đề nghị Đảng bộ Bộ Ngoại giao tập trung nghiên cứu, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong hai bài phát biểu này.
Cũng tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh 6 nội dung nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng của ngành Ngoại giao và công tác Đảng ngoài nước.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TUẤN ANH
Trong đó có việc mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ về công tác xây dựng, chính đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, Đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
Trên cơ sở đó nâng cao nhận thức, xác định quyết tâm, tập trung xây dựng, chính đốn Đảng, xây dựng ngành Ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại, vì khát vọng, mục tiêu, tầm nhìn phát triển và nâng cao vị thế đất nước.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chỉ đạo: Ngay sau Hội nghị này, căn cứ nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận 21 và Quy định 37, Đảng bộ chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê binh theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trị phải gương mẫu, tự giác làm trước;... nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình minh, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thi tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa minh...
Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đầu chắc đến đó, đạt kết qua cụ thể, thực chất.
Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bản, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Trong môi trường hoạt động ở ngoài nước, xa cấp trên thì ý thức “tự kiểm tra”, “tự giám sát”, “tự tu dưỡng”, “tự soi”, “tự sửa” của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng để kịp thời phát hiện từ nội bộ, chấn chính ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn.
“Cùng với đó, phải tăng cường công tác bảo vệ cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước, chủ động phỏng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước “từ sớm, từ xa”- Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chỉ đạo.