Tình trạng tắc nghẽn cảng biển tại Trung Quốc đang giảm bớt và trong một số trường hợp tình hình còn lạc quan hơn các cảng biển tại Mỹ, theo nhận định của ngân hàng Natixis và chỉ số thương mại Kiel Trade Indicator.
Đáng chú ý, các nhà phân tích đứng sau Kiel Trade Indicator nhận định, dù tỷ lệ hàng hóa bị mắc kẹt tại các cảng trên toàn cầu vẫn ở mức đỉnh ba năm, nhưng ách tắc đang dần được khơi thông.
Cụ thể, tỷ lệ hàng hóa trên các tàu biển đang neo đậu chờ cập cảng ở Mỹ và Trung Quốc đã giảm từ mức 14% hồi tháng 8 năm nay xuống còn 12% trong tháng 11. Dù vậy, số liệu này vẫn còn khá cao so với mức 8% của tháng 8/2020.
Trong đó, tỷ lệ hàng hóa mắc kẹt trên các tàu ở cảng Ninh Ba (Trung Quốc) là khoảng 1,5%, thấp hơn một nửa so với mức 3% tại cảng Los Angeles (Mỹ). Ninh Ba - Chu Sơn là cảng biển lớn thứ ba thế giới tính theo khối lượng container vận chuyển, còn cảng Los Angeles - San Francisco là cửa ngõ nhộn nhịp nhất cho hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Ở diễn biến khác, khu vực đồng bằng sông Châu Giang (thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) vẫn tắc nghẽn tương tự như khu vực Savannah (bang Georgia, Mỹ). Tỷ lệ hàng hóa chờ cập cảng đều rơi vào khoảng 3%.
Trong nhiều tháng qua, chính phủ Trung Quốc đã liên tục bổ sung các biện pháp hạn chế tại cảng biển để hạn chế sự bùng phát của đại dịch. Tuy nhiên, nước này vẫn đang chịu áp lực phải phục hồi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ nần của các công ty bất động sản trở nên trầm trọng hơn.
Một trong các cách để Trung Quốc thúc đẩy nền kinh tế chính là tăng cường xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, SeafoodSource cho hay. Do đó, đây có thể là một trong các nguyên nhân giúp tình trạng ách tắc tại các cảng biển của Trung Quốc được khơi thông.
Xem thêm: mth.23311205161211202-gnoht-iohk-nad-gnad-couq-gnurt-iat-nol-neib-gnac-cac/nv.zibmanteiv