Người dân xét nghiệm COVID-19 tại thành phố New York (Mỹ) hôm 15-12. Đến nay biến thể Omicron đã xuất hiện tại ít nhất 77 quốc gia/vùng lãnh thổ và ít nhất 35/50 bang của Mỹ - Ảnh: AFP
"2022 là năm đại dịch COVID-19 có thể kết thúc. Giờ đây, chúng ta đã có các công cụ có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này" - bà Van Kerkhove đưa ra nhận định trong chương trình hỏi đáp trực tuyến của WHO.
Đánh giá của bà làm dấy lên nhiều hy vọng về việc cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường.
Từ đại dịch thành bệnh đặc hữu
Chưa rõ TS Van Kerkhove dựa trên cơ sở cụ thể nào để đưa ra mốc 2022. Tuy nhiên, tháng 10 năm nay, WHO từng phát động "Chiến lược đạt mục tiêu tiêm chủng toàn cầu vào giữa năm 2022". Theo đó, đến cuối năm 2021, mỗi nước tiêm được cho 40% dân số và đến giữa năm 2022, tỉ lệ này sẽ đạt 70%.
Chắc chắn vắc xin là một trong những "công cụ" quan trọng mà bà Van Kerkhove muốn nói đến. Bà cho biết với những công cụ này, "chúng ta có thể giảm tỉ lệ mắc bệnh, nhập viện, bệnh nặng, giảm số người phải chăm sóc tích cực và số người đang hấp hối. Chúng ta có thể khiến COVID-19 không còn gây chết chóc nữa và cũng có thể giảm sự lây lan của nó".
Theo kênh CNBC, nhiều chuyên gia cũng cho rằng có thể vào năm 2022, COVID-19 sẽ không còn là "đại dịch" nữa, mà được xem là bệnh đặc hữu. Sự thay đổi này phần lớn nhờ tỉ lệ tiêm chủng toàn cầu tăng và việc phát triển các loại thuốc kháng virus, một "công cụ" khác có thể trở nên phổ biến hơn trong năm tới để đối phó COVID-19.
Khi COVID-19 thành bệnh đặc hữu, mức độ nghiêm trọng của nó sẽ giảm dần và là một phần của cuộc sống thường ngày. Trong hơn một thế kỷ qua, nhiều chủng virus cúm cũng đã đi theo "lộ trình" này, từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 cho tới đại dịch cúm heo năm 2009.
Tuy nhiên, dù COVID-19 không còn là "đại dịch", không loại trừ khả năng nó vẫn nguy hiểm như cúm mùa. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, cúm mùa đã cướp đi 62.000 sinh mạng người Mỹ từ tháng 10-2019 đến tháng 4-2020.
Nhà dịch tễ học Shaun Truelove của Trường y tế công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết nếu COVID-19 thành bệnh theo mùa, việc đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng và trong không gian kín trong suốt mùa COVID-19 có thể sẽ thành tiêu chuẩn.
Một trung tâm tiêm vắc xin COVID-19 ở Bangkok (Thái Lan) hôm 15-12. Nước này đang tăng tốc triển khai tiêm mũi vắc xin tăng cường để đối phó với biến thể Omicron - Ảnh: AFP
Lạc quan trong thận trọng
Bên cạnh nỗi mong mỏi "khi nào đại dịch COVID-19 kết thúc", vấn đề quan trọng lúc này là biến thể đáng lo ngại Omicron. Đến nay, đã có những nghiên cứu sơ bộ và một số nhận định ban đầu của giới chuyên gia, trong đó có WHO, về biến thể này. Đôi khi cũng có một số thông tin mâu thuẫn khiến người dân bối rối.
Đầu tuần này, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết Omicron đã có tại ít nhất 77 quốc gia/vùng lãnh thổ và đang lây lan với tốc độ chưa từng thấy nếu so với những biến thể khác.
Các dữ liệu từ Nam Phi cho thấy Omicron có thể gây triệu chứng nhẹ hơn các biến thể đã biết. Hôm 12-12, WHO cũng nói Omicron dễ lây hơn Delta, làm giảm hiệu quả vắc xin, nhưng không gây triệu chứng nặng hơn.
Tuy nhiên, giới chuyên gia thận trọng khuyến cáo cần nhiều dữ liệu hơn nữa và vẫn còn quá sớm để kết luận về mức độ nghiêm trọng của Omicron. Nhà dịch tễ học Bruce Aylward - chuyên gia của WHO - cảnh báo lúc này không nên "đi đến kết luận đây là một bệnh nhẹ".
WHO hối thúc các nước nhanh chóng hành động để hạn chế sự lây lan của Omicron, bảo vệ hệ thống y tế, đồng thời tránh tâm lý chủ quan. Tổ chức này lo ngại các nước đánh giá thấp Omicron chỉ là "biến thể nhẹ" và điều này có thể gây hệ lụy nguy hiểm. Theo WHO, ngay cả khi biến thể Omicron thực sự không gây bệnh nặng, số ca bệnh quá lớn cũng sẽ làm quá tải các hệ thống y tế chưa có sự chuẩn bị hoặc hạn chế nguồn lực.
Ông Tedros cảnh báo chỉ vắc xin thôi sẽ không thể bảo vệ các quốc gia trước Omicron. Ông kêu gọi các nước dùng mọi biện pháp có thể để ngăn chặn biến thể này, trong đó có mở rộng quy mô tiêm chủng, khuyến khích đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
"Không phải dùng vắc xin để thay khẩu trang. Không phải dùng vắc xin để thay cho giữ khoảng cách. Và cũng không phải dùng vắc xin để thay cho thông gió hay rửa tay. Hãy thực hiện tất cả các biện pháp này và làm điều đó một cách nhất quán" - ông Tedros nói.
Ông Mike Ryan - giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO - cho rằng trong lúc cần thêm dữ liệu để hiểu rõ về Omicron, các nước cần chuẩn bị sẵn sàng để "đối phó với những gì có thể xảy ra", trong đó bao gồm khả năng bị một đợt dịch lớn tấn công.
Về tiêm phòng, chuyên gia bệnh nhiễm hàng đầu của Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci cho rằng không cần tiêm vắc xin tăng cường riêng biệt cho từng biến thể. Các mũi vắc xin bổ sung hiện nay đã đủ để ngăn Omicron.
Các nước cảnh giác với Omicron
Hiện nhiều quốc gia đã tăng cường biện pháp ứng phó với Omicron, trong đó có kiểm soát chặt khách nhập cảnh và kêu gọi người dân tuân thủ quy định chống dịch.
Ngày 16-12, Indonesia cho biết đã ghi nhận ca đầu tiên mắc Omicron, là nhân viên tại Bệnh viện Wisma Atlet ở thủ đô Jakarta và không có lịch sử đi lại ra nước ngoài gần đây. Indonesia đã nâng thời gian cách ly bắt buộc với khách nhập cảnh từ 7 lên 10 ngày. Họ cũng tăng cường hoạt động giải trình tự gene của virus từ mức 5% lên 10% số ca nhiễm ghi nhận, theo Hãng tin Bloomberg.
Cùng ngày, Malaysia công bố các biện pháp phòng dịch mới và yêu cầu các nhóm có nguy cơ cao tiêm mũi tăng cường sau khi ghi nhận các ca mắc Omicron. Trong khi đó, Thủ tướng Hun Sen của Campuchia kêu gọi công chúng không hoang mang, sợ hãi sau khi nước này có ca đầu tiên mắc Omicron hôm 14-12.
Philippines thông báo cấm nhập cảnh với hành khách đến từ 8 nơi (Andorra, Pháp, Monaco, quần đảo Bắc Mariana, đảo Reunion, San Marino, Nam Phi, Thụy Sĩ) từ ngày 16 tới 31-12 để phòng Omicron...
* PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên (trưởng bộ môn nhi Trường đại học Y dược TP.HCM):
Then chốt vẫn là 5K và vắc xin
WHO dự đoán đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc trong năm 2022 là dựa trên nhận định về độ phủ vắc xin và thuốc điều trị COVID-19. Tuy nhiên, cho đến nay tỉ lệ tiêm ngừa COVID-19 của toàn thế giới vẫn đang là thử thách, ở một số nước tỉ lệ này còn hạn chế nên số ca bệnh vẫn cao.
Số người chưa tiêm vẫn còn nhiều, nếu trong năm 2022 có thể kiểm soát được số người chưa tiêm vắc xin trên toàn thế giới, nâng tỉ lệ này lên 80-90% mới có thể kiểm soát được dịch COVID-19.
Tại Việt Nam, từ nay đến năm 2022, chúng ta vẫn phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch như tuân thủ nguyên tắc 5K, chích vắc xin... Dù TP.HCM có tỉ lệ chích ngừa cao nhưng các địa phương khác vẫn chưa đồng đều, và lượng kháng thể cũng sẽ giảm theo thời gian. Những người có bệnh nền khi mắc COVID-19 vẫn có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, TP.HCM nên tiếp tục chiến dịch bao phủ vắc xin cho người dân, tiêm đủ liều bổ sung cho các nhóm đối tượng suy giảm miễn dịch. Thực hiện các biện pháp bảo vệ nhóm nguy cơ, quay lại thực hiện tốt y tế dự phòng truy vết F1, F0. (THU HIẾN)
TTO - Bà Maria Van Kerkhove - trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - cho biết đại dịch COVID-19 có thể kết thúc vào năm tới (2022) nhờ có vắc xin.
Xem thêm: mth.47670102261211202-oas-ar-ueih-nen-2202-man-gnort-cuht-tek-91-divoc-hcid-iad/nv.ertiout