“Bảo đảm thực hiện, phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” là chuyên đề thành phần thứ 27, thuộc đề án “xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Chuyên đề này được giao cho Đảng đoàn MTTQ Việt Nam chủ trì.
Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cùng Chủ tịch Hội đồng Quỹ Hòa bình Hà Hùng Cường đồng chủ trì tọa đàm. Ảnh: Nghĩa Nhân
Chuyên đề thành phần này có ý nghĩa quan trọng trong làm sáng tỏ cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ - điểm khác biệt rất lớn giữa Việt Nam với nhà nước pháp quyền theo nghĩa phổ quát trên thế giới và sáng 16-12, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp Quỹ Hòa bình và phát triển tổ chức hội thảo đã nhận được nhiều góp ý sôi động.
Hồ Chí Minh: “Dân chủ tức là làm cho dân được mở miệng ra”
Giới thiệu kết quả nghiên cứu chuyên đề, ông Nguyễn Duy Khánh – Phó trưởng ban Dân chủ Pháp luật thuộc MTTQ, cho biết đến nay tổng hợp kết quả từ các nhóm nghiên cứu 16 đề tài nhánh, đã bước đầu hình thành dự thảo báo cáo.
Theo đó, về mặt nhận thức, vai trò chủ thể của Nhân dân dù là tới 2030 hay xa hơn là sự tái khẳng định các giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ.
Đó là: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã đều do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (Nước ta là nước dân chủ, Sự thật, 1949).
Dân chủ còn theo nghĩa: “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Hoặc đơn giản nhất: “Dân chủ tức là làm cho dân được mở miệng ra”, hay “Khai hội, phê bình và bày tỏ chính kiến, bầu cử các ủy ban, các hội đồng… đó là những cách quần chúng kiểm soát những người làm lãnh đạo”.
Những kiến nghị mang tính chiến lược
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS Dương Thanh Mai nhấn mạnh hàm ý “chiến lược” trong tên gọi đề án của Trung ương Đảng gợi ý rằng dân chủ và pháp quyền trong giai đoạn mới là không thể đảo ngược.
Nhấn mạnh vậy để thấy sự khác biệt với giai đoạn trước đây, đã có lúc “ngập ngừng” (Trung ương khóa VII từng đặt vấn đề về “pháp quyền”, nhưng sang khóa VIII thì bỏ lửng, và chỉ tiếp tục nhắc lại, khẳng định từ Đại hội IX đến nay).
Với tính chất ấy, quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN thời gian tới phải thực sự nhận thức “dân là gốc” theo đầy đủ tinh thần của Hiến pháp 1946. “Tất cả quyền bính trong nước” (Hiến pháp 1946), chứ không chỉ “quyền lực nhà nước” (Hiến pháp 2013) thuộc về Nhân dân.
Trong tinh thần ấy, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ thì Nhân dân không đơn thuần thụ động là đối tượng của lãnh đạo, quản lý. Trong cơ chế ấy, Nhân dân ở vị thế chủ động hơn, là người ủy quyền lãnh đạo, quản lý đất nước.
Nghiên cứu của MTTQ nhận định tròn 20 năm kể từ khi hai chữ “pháp quyền” được bổ sung vào Hiến pháp, chế độ dân chủ ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, đi vào cụ thể thì vẫn còn những điểm hạn chế.
Cụ thể, quyền sáng lập (chủ động ủy quyền) thể hiện qua hoạt động bầu cử vẫn còn chưa thực chất, chưa có sự gắn kết trách nhiệm chặt chẽ giữa người được bầu và cử tri. Một số quyền cơ bản của công dân đã được hiến định (như quyền miễn nhiệm, biểu tình, lập hội), thậm chí được luật định (trưng cầu ý dân) nhưng chưa được cụ thể hóa và cũng chưa được thực hành trên thực tế như một giá trị của nhà nước pháp quyền đầy đủ…
Cũng như vậy, mối quan hệ có tính rường cột là Đảng – Nhân dân thì ngoài quy định mang tính nguyên tắc trong Hiến pháp (Đảng, Đảng viên hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát của Nhân dân) thì vẫn chưa được cụ thể hóa, chẳng hạn bằng một luật về Đảng…
TS Dương Thanh Mai thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày một số kết quả nghiên cứu, đề xuất. Ảnh: Nghĩa Nhân
Mạnh dạn đưa thêm cơ chế dân chủ trực tiếp
Đánh giá cao kết quả làm việc của nhóm nghiên cứu, TS Nguyễn Chí Dũng, với nhiều năm công tác ở Văn phòng Quốc hội, cho rằng Nhà nước pháp quyền XHCN giai đoạn tới đây cần đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Làm sao để từng điều khoản Hiến pháp được trích dẫn, áp dụng trực tiếp, có giá trị tài phán.
Góp ý cho dự thảo báo cáo của MTTQ, ông Hà Huy Thông - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đánh giá Đại hội XIII đã phát triển một bước quan điểm về dân chủ khi bổ sung “giám sát”, “thụ hưởng” vào phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Tuy nhiên, với tầm nhìn 2030, 2045 thì MTTQ cần mạnh dạn đề xuất bổ sung thêm “dân bầu” để nâng cao hơn nữa quyền dân chủ trực tiếp với tính chất là quyền sáng lập, thực hiện ủy quyền để tạo ra các thiết chế quyền lực.
Cũng với tầm nhìn xa như vậy, ông Thông đồng tình với dự thảo báo cáo của MTTQ khi đặt vấn đề tổng kết và nghiên cứu, đánh giá nhu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013, ở thời điểm 10 năm thi hành, tương tự như đã diễn ra với Hiến pháp 1980, 1992.
Từ kinh nghiệm thực tiễn trên mặt trận ngoại giao, bà Đinh Thị Minh Hiền – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Canada đồng tình với đề xuất của nhóm nghiên cứu là tới đây cần nghiên cứu thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia. “Tôi rất vui vì trước đây mình từng kiến nghị như vậy, nhưng mức độ chấp nhận mới chỉ là lập Ban Chỉ đạo” – bà nói.
Bà cũng cho rằng cần ban hành Luật Biểu tình như là một phần của nhiệm vụ hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Cho dù nhiệm kỳ Đại hội XIII này đưa giải quyết thì vấn đề này cần được xem xét nghiêm túc hướng tới tầm nhìn quốc gia 2030, trong một thế giới đang thay đổi một cách nhanh chóng.
Khâu thực hiện vẫn còn yếu
Trong phát biểu kết luận, ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao ý kiến các chuyên gia và cũng thẳng thắn trao đổi về một số đề xuất.
Ông cho biết, Đại hội XIII đã nhấn mạnh tổ chức thi hành pháp luật là khâu yếu của thể chế. Các quyền dân chủ đã được đặt ra nhiều, nhất là trong Hiến pháp 2013, nhưng thi hành và các điều kiện để tổ chức thi hành nhiều khi chưa đáp ứng đủ, thành ra còn hình thức.
Liên quan đến Luật về Đảng, đã thực sự cần thiết chưa, ông Châu nói: “Đảng đã có Điều lệ và gần đây đã thể chế hóa hàng loạt quy định. Công dân là đảng viên mà thực hiện, tuân thủ cho hết là cũng khắt khe lắm rồi”.
Tổng quát lại, ông Lê Tiến Châu yêu cầu tổ biên tập tiếp thu các ý kiến của chuyên gia để chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo. Theo kế hoạch, cuối tháng 12 này, Đảng đoàn MTTQ sẽ phải hoàn tất để gửi báo cáo chuyên đề 27 của mình cho Ban Chỉ đạo đề án chiến lược xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng ban.