Quảng Ninh - Sáng nay (17.12), tại TP.Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh. Đây được coi là sự kiện đầu tiên về hợp tác phát triển kinh tế, đầu tư ở cấp quốc gia, sau chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào cuối tháng 11.2021.
Có mặt trực tiếp tại hội nghị ở Hạ Long, đông đảo đại diện các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam đã góp ý, trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về một loạt các vấn đề liên quan đến thu hút đầu tư.
Theo ông Nakajima Takeo - Trưởng đại diện JETRO Hà Nội, một khảo sát của JETRO Hà Nội gần đây cho thấy, dù lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam giảm đi nhiều do đại dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp đều đánh giá cao triển vọng đầu tư ở Việt Nam.
Hầu hết doanh nghiệp (DN) đều mong muốn đầu tư vào Việt Nam cao hơn nhiều so với muốn vào các nước khác. Nhiều DN muốn chuyển dịch từ các nước khác sang Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Nakajima Takeo cho hay, tỉ lệ nội địa hóa ở Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 40%, 60% còn lại phải nhập khẩu. Vì thế, chuỗi cung ứng liên tục bị đứt đoạn thời gian vừa qua do COVID-19 đã khiến các DN gặp khó khăn.
Đại diện các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, các lĩnh vực mà các DN Nhật Bản mong muốn đầu tư gồm: Chế tạo, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chuyển đổi số, môi trường, tăng trưởng xanh xanh, đào tạo nguồn nhân lực…
Ông Vũ Hồng Nam - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản - cho rằng, Quảng Ninh hội tụ nhiều điều kiện để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư Nhật Bản. Trong đó, chuyến thăm Nhật Bản vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặt hái được nhiều thành công.
Ngoài ra, các DN Nhật Bản đang quan tâm đầu tư ở những thị trường an toàn mới, trong đó có Việt Nam. Quảng Ninh có hệ thống giao thông kết nối cả đường không, đường bộ, đường thủy, nằm trên hành lang kinh tế, lại ngay cạnh thị trường Trung Quốc rộng lớn.
Phát biểu trực tuyến từ Hà Nội, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - ông Yamada Takio - cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện, số lượng DN Nhật vào Quảng Ninh còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng. Hội nghị hôm nay là cơ hội để các DN Nhật Bản tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh. Tuy nhiên, theo đại sứ, Quảng Ninh cần chú trọng đến vấn đề nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực nói tiếng Nhật.
Theo ông Hoàng Trung Kiên - Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Quảng Ninh, đến nay, 10/16 KCN của Quảng Ninh đã đủ thủ tục đón các nhà đầu tư. Hiện, còn 500ha mặt bằng sạch, đầy đủ hạ tầng để đón các nhà đầu tư. Đặc biệt, các KCN nằm trải dài bám các tuyến cao tốc, lại thuộc các khu kinh tế nên được hưởng các cơ chế tốt hơn so với các KCN khác trong cả nước.
Chia sẻ với đại diện các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản, ông Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh - khẳng định, Quảng Ninh luôn ưu tiên thu hút đầu tư Nhật Bản, với những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, nhất là dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió…
Ngoài việc sẽ thành lập một tổ xử lý riêng các vấn đề của các nhà đầu tư Nhật Bản, các nhà đầu tư Nhật Bản có thể gặp trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy để trao đổi công việc.
Về vấn đề nguồn nhân lực, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh sẽ vừa đào tạo, đào tạo lại, vừa thu hút lao động từ nơi khác về để cung cấp nguồn nhân lực cho các nhà đầu tư.
Trong khuôn khổ hội nghị, các DN Nhật Bản đã đi khảo sát thực địa tại một số KCN tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh để nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tính đến nay, Quảng Ninh mới có 6 dự án FDI của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký các dự án gần 45,4 triệu USD.
Xem thêm: odl.976589-hnin-gnauq-oav-nab-tahn-ut-uad-tuh-uht-ek-neih-nab-tahn-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal