"Dịch COVID-19 đã tạo ra một tình huống chưa hề có tiền lệ. Hiện cảng Long Beach ở California, Hoa Kỳ cũng đang chịu tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến trao đổi thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như giữa Hoa Kỳ và châu Á nói chung".
Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu - châu Mỹ vào hôm nay, 17-12. Diễn đàn do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức.
Theo đó, ông Roger WU, Giám đốc phát triển kinh doanh cảng Long Beach, cho biết: "Tình trạng tắc nghẽn đã tăng lên hơn 6% so với trước. Tình trạng tắc nghẽn càng trầm trọng hơn khi các lô hàng được vận chuyển bằng đường hàng không liên tiếp được đưa đến. Cùng với đó là các biện pháp phong tỏa của Chính phủ cũng làm quá trình xử lý các tàu hàng tại cảng khó khăn hơn".
Diễn đàn phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu - châu Mỹ. Ảnh: AH
Tình trạng tắc nghẽn ở cảng Long Beach không phải là hiếm gặp. Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và lan rộng, hoạt động vận tải hàng hóa liên tục bị ảnh hưởng, tắc nghẽn. Tình trạng thiếu container, tăng cước vận chuyển khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp vô vàn khó khăn.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) diễn tả lại hoạt động vận tải xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp thủy sản thời gian qua được gói gọn trong "5T". Đó là cước tăng, phí tăng, thời gian vận chuyển biển tăng, tình trạng delay, hoãn chuyến tăng, tình trạng tự đẻ ra các loại phí ngày càng tăng.
"Chúng tôi đang lo ngại vài ngày tới có khi lại có thêm loại phí mới gắn tên COVID-19" - ông nói.
Vậy đâu là giải pháp cho doanh nghiệp? Ông Nam cho biết ngoài trông chờ các giải pháp của Chính phủ, các doanh nghiệp thủy sản sẽ chủ động sản xuất, tránh tình trạng sản xuất ra quá nhiều mà không có tàu để vận chuyển, trong khi kho lạnh có hạn. Cùng với đó là cố gắng ký hợp đồng với các đối tác vận tải lớn để người ta sắp xếp được container rỗng.
Ông Hans Kerstens, Phó trưởng tiểu ban vận tải và hậu cần (EuroCham) khuyến nghị các doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh, không nên chỉ phụ thuộc vào vận tải đường biển, mà có thể khai thác thêm đường sắt, đường bộ. Điều quan trọng là đảm bảo hàng hóa đến đúng thời điểm và dự đoán được các vấn đề có thể xảy ra.
Đồng quan điểm, ông Trần Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty CTCP Vận tải và Thương mại đường sắt (RATRACO) cho rằng vận chuyển bằng đường sắt cũng là một lựa chọn cho các hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu.
Ông lấy ví dụ, nếu như trước đây, hàng từ Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển đi thẳng sang châu Âu thì bây giờ có thể kết hợp bằng cách vận chuyển bằng đường biển sang các cảng của Trung Quốc. Sau đó, hàng từ cảng được đưa lên đường sắt chạy thẳng từ Trung Quốc qua Nga sang châu Âu.
Hoặc hàng có thể đi bằng đường bộ, qua các cửa khẩu từ Đồng Đăng, Hữu Nghị (Lạng Sơn) qua Nam Ninh (Trung Quốc), từ đó kết nối với đường sắt của Trung Quốc để vận chuyển sang các nước.
"Chúng tôi đang tiếp nhận các hàng xuất khẩu của Việt Nam đi sang Trung Quốc, Nga, các nước châu Âu. Trước đây đường sắt chưa đi được nhưng với tình trạng ách tắc vận tải biển vừa qua, chúng tôi đã và đang phối hợp với các nhà xuất khẩu tổ chức được một tuần/3 đoàn chạy thẳng từ Việt Nam sang châu Âu, điểm cuối cùng là Đức" - ông Hùng cho biết.