Học sinh tại một trường trung học ở Los Angeles (bang California, Mỹ) đeo khẩu trang trong phòng học - Ảnh chụp màn hình New York Times
CDC Mỹ tóm gọn hướng dẫn mới trong 3 chữ "Test to Stay". Theo đó, học sinh thuộc diện tiếp xúc gần người mắc COVID-19 sẽ được đến trường, vào lớp học bình thường kể cả khi chưa tiêm chủng.
Điều kiện duy nhất là các em phải có kết quả âm tính liên tục trong những ngày sau tiếp xúc.
Theo báo New York Times, nhiều trường học thuộc một số học khu ở Mỹ đã áp dụng cách này trước khi có khuyến nghị ngày 17-12 của CDC. Một số trường chọn xét nghiệm 2 lần/tuần, một số nơi xét nghiệm 4 lần trong tuần đầu sau tiếp xúc.
CDC ban đầu tỏ ra miễn cưỡng với lý do thiếu bằng chứng khoa học. Sau khi xem xét dữ liệu từ các trường học, CDC đồng ý "Test to Stay" thực sự hiệu quả, giảm đáng kể những phiền toái cho học sinh và phụ huynh.
Theo quy định trước đây, học sinh chưa tiêm chủng nếu chẳng may thuộc diện tiếp xúc gần ca bệnh sẽ phải nghỉ học ở nhà trong vòng 14 ngày.
Học sinh đã tiêm vắc xin và không có triệu chứng COVID-19 vẫn tiếp tục đến trường nhưng phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.
CDC khuyến cáo những người đã tiêm vắc xin vẫn nên đi xét nghiệm từ 5 đến 7 ngày sau khi tiếp xúc gần với người nghi ngờ hoặc có kết quả xác nhận mắc COVID-19.
Giám đốc CDC, bà Rochelle P. Walensky, gọi "Test to Stay" là một cách làm mới và đầy hứa hẹn vì đã được chứng minh trong thực tế. Tuy nhiên, do chỉ mới thử nghiệm trong môi trường học đường, CDC khuyến cáo những lĩnh vực khác có ý định "Test to Stay" nên chờ thêm hướng dẫn mới.
Một số nghiên cứu của Mỹ cho thấy nguy cơ lây bệnh trong trường học tương đối thấp do đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống COVID-19 như khẩu trang và cải thiện hệ thống thông gió.
Báo New York Times đặt câu hỏi về tính "thời sự" của nghiên cứu của CDC vì chúng được thực hiện trước khi biến thể Omicron trở thành mối lo ngại ở Mỹ và nhiều nước.
Trong khi phần lớn phụ huynh Mỹ kêu gọi ban giám hiệu áp dụng "Test to Stay", một số ít phụ huynh khác có con nằm trong nhóm dễ bị tổn thương nếu mắc bệnh cảm thấy lo lắng.
Theo New York Times, nếu được áp dụng, cách làm này cũng sẽ gây áp lực lên các bác sĩ, y tá trong trường học nên cần sự chuẩn bị tốt về nhân sự trước khi làm.
TTO - Ngày 13-12, gần 160.000 học sinh khối lớp 9 và 12 ở TP.HCM trở lại trường sau gần bảy tháng thực hiện giãn cách vì dịch bệnh.