Giao dịch tài sản số tăng "nóng" tại Thái Lan
Thái Lan là quốc gia mới nhất gia nhập xu hướng quản lý tiền số và các loại tài sản số. Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về kế hoạch này, ngoài một "lằn ranh đỏ" đầu tiên đó là nước này sẽ không coi tiền số là phương tiện thanh toán hợp pháp.
Bước đi này có lẽ đã được tính toán kỹ lưỡng, trong bối cảnh giao dịch các loại tài sản số như tiền điện tử đang tăng nóng trong thời gian qua ở Thái Lan.
Cụ thể, dữ liệu từ Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Thái Lan cho biết, trong tháng 11 giá trị giao dịch trên 7 sàn giao dịch tiền số được cấp phép lớn nhất ở Thái Lan đã đạt mức 221 tỷ Baht, tương đương hơn 6 tỷ USD, tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Các ngân hàng thương mại tại nước này cũng rất "chào đón" các giao dịch tài sản kỹ thuật số. Ngân hàng Trung ương Thái Lan đang dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm một đồng tiền kỹ thuật số bán lẻ trong năm tới, với hy vọng sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn trong việc đạt tới bao trùm tài chính ở nước này mà không ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Sự bùng nổ của thị trường tài sản số châu Á
Không chỉ ở Thái Lan, mà quanh khu vực Đông Nam Á các khái niệm như tiền số hay là NFT đang dần trở nên quen thuộc. Trong năm nay trên báo chí đã xôn xao về những vụ bán mảnh đất trên các trò chơi "vũ trụ ảo" mà có giá đến vài triệu USD.
"Chất xúc tác" từ đại dịch COVID-19, được đánh giá là đang mở ra một kỷ nguyên mới cho lĩnh vực tài sản kỹ thuật số. Theo các chuyên gia, những giao dịch kỷ lục được công khai đó mới chỉ là phần nổi của "tảng băng" lĩnh vực đầu tư, đầu cơ tài sản số.
Từ chỗ có vẻ xa xôi khó hiểu, tài sản kỹ thuật số đang dần trở thành một thứ được tìm kiếm, truyền tai nhau ở khắp mọi nơi, đặc biệt là trong nhóm những nhà đầu tư F0 - các cá nhân nhỏ lẻ mới gia nhập thị trường, phần lớn là giới trẻ với mong muốn tìm kiếm một công cụ sinh lời cao.
Tại châu Á, Hàn Quốc đang là một trong những "trung tâm" của cơn sốt tài sản kỹ thuật số. Chỉ riêng quý I/2021, tổng quy mô các giao dịch đã chạm ngưỡng hơn 1,3 nghìn tỷ USD, theo KBS. Kéo theo đó là sự nở rộ của các sàn tiền số và những loại token được giao dịch bằng đồng Won, được gọi chung bằng cái tên "kimchi coin".
Số lượng nhà đầu tư tài sản số tại nước này cũng liên tục tăng trưởng, hiện đã chạm mốc gần 4 triệu người với thành phần rất đa dạng từ người làm nội trợ, nhân viên văn phòng cho tới cả các sinh viên.
"Đây là một xu hướng hàng đầu của thế hệ chúng tôi. Thậm chí, chúng tôi có thể đùa nhau về việc mua tiền số trong những việc hàng ngày, chẳng hạn khi uống sữa bạn có thể mua đồng Milkcoin", Park Min-soo (25 tuổi) - sinh viên đại học cho hay
Lee Jae-yeon (26 tuổi) - nhân viên văn phòng chia sẻ: "Những người trẻ sống ở Seoul như chúng tôi sẽ chẳng bao giờ mua được căn nhà giống như bố mẹ mình, trừ khi không ăn tiêu gì trong 30 năm. Nên chúng tôi phải chọn một con đường khác như tiền số để tích lũy, chúng mang lại mức sinh lời cao hơn".
"Cơn sốt" tài sản số ngày càng quen thuộc và bùng nổ hơn với giới trẻ.
Không chỉ giới hạn ở mảng tiền số, những loại tài sản trên nền tảng blockchain khác như vật phẩm NFT hay bất động sản ảo cũng đang nhanh chóng tạo sức hút. Tại Philippines, cộng đồng tham gia các trò chơi như Axie Infinity hay The Sandbox đang ngày càng trở nên đông đảo, khi chúng mang lại một nguồn thu nhập mới giữa kinh tế khó khăn.
Dưới dạng vũ trụ ảo và và dùng phương thức "play-to-earn", những nền tảng cho phép người chơi tích lũy vật phẩm số để trao đổi và giao dịch trên các sàn. Vừa chơi, lại vừa kiếm tiền nhờ đó cũng đưa "cơn sốt" tài sản số ngày càng quen thuộc và bùng nổ hơn với giới trẻ.
Rủi ro thị trường tài sản số
Nhiều kỳ vọng là thế nhưng bên cạnh đó công nghệ blockchain và các hình thức tài sản số cũng có không ít quan điểm bày tỏ sự quan ngại nhất định.
Chẳng hạn như bất động sản ảo, các ý kiến này cho rằng các bất động sản ảo không gắn liền với bất kỳ thứ gì có giá trị trong thực tế, do đó khi các metaverse không còn phổ biến, hàng trăm triệu USD tiền bỏ vào các bất động sản ảo sẽ biến mất. Một số người thậm chí lo ngại về tình trạng bong bóng bất động sản ảo trên các metaverse.
Hay giá trị của các đồng tiền số cũng đối mặt với nhiều nghi vấn. Bitcoin - loại tiền số phổ biến nhất hiện nay, cũng từng bị Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cảnh báo là hoàn toàn có nguy cơ trở thành vô giá trị và người đầu tư cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Hay mới đây nhất, vụ đồng tiền số SQUID ăn theo bộ phim nổi tiếng "Trò chơi con mực" liên tục tăng vọt tới hàng trăm nghìn %, để rồi lao dốc về gần như bằng 0 chỉ trong chưa đầy 1 ngày, đã càng tạo thêm tín hiệu cảnh báo về sự bất ổn định của lĩnh vực này.
Quản lý tài sản số: Câu chuyện tại các nước châu Á
Tài sản số - tiềm năng lớn thì rủi ro cũng không kém - đó là lý do hàng loạt các quốc gia như là Thái Lan đã có động thái "đi trước đón đầu", bằng những chính sách mới, cập nhật với thị trường.
Trung Quốc là quốc gia ban hành nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến tiền số. Từ năm 2017, Bắc Kinh đã cấm các sàn giao dịch tiền số tư nhân, xuất phát từ những lo ngại cho an ninh tiền tệ quốc gia và sự ổn định của hệ thống tài chính. Sau đó, từ tháng 9/2021, nước này đã mở rộng lệnh cấm sang cả việc đào tiền số lẫn tất cả các giao dịch liên quan đến tiền số tư nhân.
Trong khi nghiêm khắc với tiền số tư nhân, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển tiền số Ngân hàng Trung ương (CBDC).
Trong vòng 2 năm qua, nước này đã liên tục mở các đợt thử nghiệm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số và hiện đang xem xét thiết lập một sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số đặt tại thủ đô. Trung Quốc cũng thúc giục các ngân hàng lớn thiết lập các đơn vị vận hành đồng nhân dân tệ điện tử.
"Sự phát triển của nền kinh tế điện tử cần trở thành một trong những ưu tiên của chúng ta trong vòng 30, thậm chí 50 năm tới. Nền kinh tế kỹ thuật số đã bước vào một giai đoạn phát triển nhanh và có chất lượng cao", ông Li Yongjian - Giám đốc Văn phòng nghiên cứu kinh tế Internet nói.
Hàn Quốc cũng là một quốc gia với nhiều quy định về tài sản kỹ thuật số.
Tháng 3/2020, Quốc hội nước này đã sửa đổi luật, cho phép các giao dịch tài sản số nhưng yêu cầu tất cả các nhà cung cấp dịch vụ phải đáp ứng đủ các điều kiện như: được cấp giấy phép hoạt động, phải đăng ký tài khoản ngân hàng định danh, cung cấp thông tin chi tiết cho Đơn vị Tình báo tài chính và đáp ứng quy định chống rửa tiền.
Hồi tháng 9, nước này đã rút giấy phép tới 35 sàn tiền kỹ thuật số không đáp ứng được các quy định trên, chiếm hơn một nửa các sàn giao dịch sẵn có. Hàn Quốc cũng sẽ đánh thuế 20% với các giao dịch tiền kỹ thuật số từ đầu năm 2022.
Cũng với mong muốn "hợp pháp hóa" các giao dịch tài sản số để quản lý, Philippines đang xem xét việc đưa giao dịch tiền số lên sàn chứng khoán quốc gia. Nước này tin tưởng rằng, sàn chứng khoán Philippines đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ và có độ an toàn cao hơn so với các sàn quốc tế.
Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc. (Ảnh: Global Times)
Ngoài Trung Quốc ban hành nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến tiền số, dường như là các nước khác vẫn muốn tạo một không gian phát triển có quản lý với các loại hình tài sản số.
Tại Thái Lan, nước này vừa lên kế hoạch quản lý tài sản số, mặt khác giới chức nước này cũng dự định có thể cho phép du khách quốc tế được sử dụng tiền số - một bước đi góp phần làm hồi sinh ngành du lịch trứ danh nhưng đang chịu thiệt hại nặng nề vì dịch COVID-19.
Với những tiềm năng của mình, Chính phủ như Thái Lan sẽ không muốn "bỏ qua" các loại tài sản số. Vấn đề ở đây là quản lý như thế nào để vừa khai thác được những lợi ích của chúng, vừa đảm bảo thị trường vận hành hiệu quả, an toàn, tránh những rủi ro cho người dân và hệ thống tài chính.
VTV.vn - Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đang lên kế hoạch chấp nhận tiền kỹ thuật số nhằm thu hút những người sở hữu loại tiền này đến du lịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.81795920181211202-os-tauht-yk-neit-iov-iod-od-hnar-nal-gnuhn/et-hnik/nv.vtv