Mới đây, Công an tỉnh Nghệ an vừa triệt phá đường dây cho vay lãi nặng của một nhóm người dưới vỏ bọc là một công ty tài chính. Theo thông tin ban đầu, số tiền giao dịch qua đường dây này lên tới hơn 1.000 tỉ đồng với hơn 10.000 bị hại.
Từ trước đến nay, việc cho vay lãi nặng bằng nhiều hình thức khác nhau (vay qua app, vay công ty tài chính…) đang là nỗi ám ảnh, bất an của nhiều người. Đặc biệt là trong thời điểm giãn cách xã hội do dịch COVID-19 vừa qua, đã có thêm nhiều người bị vướng vào vấn nạn này.
Việc tư vấn để vay qua các app trên mạng tương đối dễ dàng khiến nhiều người vướng vào vấn nạn này. Ảnh: ĐẶNG LÊ
Quá sợ với những kiểu khủng bố đòi nợ
Anh Nguyễn Minh Hải (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết khoảng đầu tháng 11 vừa qua, anh có đi vay tiền qua app Vdong với số tiền 5 triệu đồng. Chỉ sau một tuần, anh phải trả cho app này tổng số tiền là 6,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, do dịch bệnh không có việc làm nên anh Hải đã xin cho trả nợ trễ vài ngày để có thể xoay xở tiền nhưng nhân viên đòi nợ không cho trễ dù chỉ một ngày.
“Những người đòi nợ thường xuyên gọi điện thoại cho tôi và người thân gia đình tôi để hăm dọa. Họ còn gọi điện thoại khủng bố, đe dọa bố mẹ tôi, nói rằng sẽ đến nhà chặt tay tôi và giết cả nhà làm cho bố mẹ tôi phải luôn sống trong lo sợ. Ngoài ra, họ còn ghép ảnh của tôi cho lên mạng xã hội, nói tôi là kẻ lừa đảo” - anh Hải chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Anh Kim ở TP.HCM cho biết đợt dịch vừa qua, công ty nơi chị làm việc giải thể, chị mất đi nguồn thu nhập chính. Để xoay xở trong cuộc sống, chị phải bấm bụng vay tiền của một trang web trên mạng tại địa chỉ h5…com.
Lần đầu, họ cho vay 1,6 triệu đồng trong bảy ngày, khi giải ngân thì chỉ nhận được 1 triệu đồng. Lần sau, họ nâng cho chị vay mức 2,3 triệu đồng mà khi giải ngân chỉ nhận được 1,4 triệu đồng.
“Đến hạn bảy ngày, tôi chưa kịp xoay tiền trả nợ gốc thì họ gọi điện thoại cho tất cả bạn bè, người thân trong danh bạ điện thoại của tôi, để yêu cầu tôi phải trả nợ. Họ còn lấy ảnh của tôi, rồi ghép nhiều nội dung xấu để đưa lên các trang mạng xã hội. Thiếu nợ thì phải trả nhưng tôi thật sự bị ám ảnh, quá sợ bởi những kiểu đòi nợ coi thường pháp luật của những người này” - chị Kim nói.
Vay qua app, hậu quả rất nặng nề
Trước thông tin Công an tỉnh Nghệ An triệt phá được đường dây lớn cho vay lãi nặng. Nhiều bạn đọc đã cảm thấy lạc quan hơn trong vấn nạn này.
Anh Trần Trung Phi (TP.HCM) chia sẻ: “Cám ơn những chiến sĩ Công an tỉnh Nghệ An đã cho người dân những hy vọng, lấy lại niềm tin trước vấn nạn cho vay lãi nặng, khủng bố để đòi nợ. Tôi mong rằng càng có thêm nhiều chuyên án từ công an các địa phương khác để triệt phá hết các đường dây cho vay lãi nặng, từ đó kéo giảm vấn nạn này”.
Đồng cảm với các nạn nhân trong các vụ cho vay lãi nặng, chị Phạm Thị Vân Anh (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi có thể hiểu và đồng cảm cho nhiều người khi dịch bệnh COVID-19 kéo dài, mọi người đều gặp khó khăn về tài chính. Thông qua những vụ việc như thế này, mọi người hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi vay tiền. Đi vay qua các app trên mạng không phải là cái để thử, để nhắm mắt làm liều vì hậu quả để lại là rất nặng nề. Cũng từ chuyên án của Công an tỉnh Nghệ An, chúng ta cũng thấy được rằng hiện nay, vẫn còn rất nhiều người đang vướng vào các đường dây cho vay lãi nặng”.
Trong khi đó, anh Vũ Tuấn Ngọc (TP.HCM) cho rằng những đường dây cho vay lãi nặng được công an triệt phá là những điểm sáng cần được duy trì và làm mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng hợp pháp cũng nên có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, tư vấn cho người dân gặp khó khăn và có nhu cầu vay vốn chính đáng. Có như vậy mới phần nào giúp người dân không vướng vào việc cho vay lãi nặng.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Nhất Anh Pha, chuyên gia tài chính một ngân hàng thương mại cổ phần, cho biết qua vụ việc lần này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đã, đang và sắp có ý định đi vay kiểu này.
Cũng theo ông Pha, hiện nay, bên cạnh mời chào, quảng cáo cho vay qua app thì những nhóm cho vay lãi nặng còn mạo danh là cán bộ tín dụng của các ngân hàng để xét hồ sơ cho vay.
Sau khi nhận làm thủ tục cho vay, đến lúc giải ngân khoản vay thì yêu cầu người vay phải đóng trước nhiều khoản phí, bảo hiểm vô lý. Kết quả là người vay không được nhận tiền vay mà còn mất tiền cho các khoản phí do các nhóm này tự đặt ra để lừa đảo.•
Triệt phá đường dây hơn 1.000 tỉ đồng Sáng 15-12, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, gần 500 cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh đã bắt Nguyễn Sỹ Dũng, giám đốc Công ty Tài chính Tân Tín Đạt. Đồng thời, công an cũng khám xét đồng loạt tại 51 điểm là văn phòng đại diện của công ty này ở 28 tỉnh, TP để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Bước đầu, cơ quan công an xác định có hơn 10.000 bị hại ở 30 tỉnh, TP trong cả nước trong đường dây này. Số tiền giao dịch lên tới hơn 1.000 tỉ đồng. Mức lãi suất cao nhất của đường dây này là 5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương gần 200%/năm. Ban chuyên án Công an tỉnh Nghệ An cũng đã phong tỏa 56 tài khoản liên quan để phục vụ điều tra. |