Liên tiếp trong những ngày qua, trung ương, Bộ Ngoại giao tổ chức các hội nghị đối ngoại, ngoại vụ, ngoại giao để đánh giá, đúc kết và đề ra phương hướng trong thời gian tới.
Đáng chú ý trong các chương trình này là hoạt động ngoại giao của các địa phương, đặc biệt là TP.HCM, rất được quan tâm. Phát biểu của các lãnh đạo TP.HCM tại các sự kiện trên cho thấy quyết tâm của TP trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại phù hợp bối cảnh và yêu cầu của “bình thường mới” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Nhận định về hoạt động đối ngoại địa phương của TP.HCM, TS Trương Minh Huy Vũ, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng công tác đối ngoại của TP.HCM còn tiềm năng rất lớn để phục hồi và phát triển kinh tế.
TS Trương Minh Huy Vũ, ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Đ.T
Hai vai trò quan trọng của ngoại giao địa phương
. Phóng viên: Thưa ông, cụm từ đối ngoại địa phương hay ngoại giao địa phương gần đây liên tục được các nhà làm chính sách và truyền thông nhắc đến. Vì sao ngoại giao địa phương lại được quan tâm như thế?
+ TS Trương Minh Huy Vũ: Khái niệm ngoại giao địa phương (city diplomacy) được đặc biệt chú ý hơn khi đại dịch COVID-19 xảy ra từ cuối năm 2019. Khi các nước đối diện với rủi ro chung, giới tư vấn chính sách và các học giả đã có sự đồng thuận rằng các TP có xu hướng liên kết, hợp tác với các TP của chính phủ nước khác, các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các mạng lưới khu vực, quốc tế để tìm kiếm thêm nguồn lực và đối tác xử lý với các thách thức.
Một mặt, các địa phương có thể trao đổi kinh nghiệm và chuyên môn. Các TP có thể trao đổi với các TP khác và các mạng lưới TP để tìm các mô hình cho chính sách và thông tin liên lạc, đồng thời chia sẻ các bài học, kinh nghiệm.
Dù có khác biệt về văn hóa, lịch sử, tuy nhiên những vấn đề phát triển trong các đô thị có nhiều điểm tương đồng.
Cạnh đó, các TP cũng nâng cao tiếng nói chung để gây ảnh hưởng và vận động hỗ trợ từ các cấp khác của chính phủ cũng như các tổ chức tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh đại dịch, khi mỗi tiếng nói của TP trở nên quá đơn lẻ thì các “liên minh” cùng mục tiêu, cùng tầm nhìn trở nên cấp bách. Chẳng hạn như sự ra mắt nền tảng Cities For Global Health, qua đó các tổ chức châu Âu đã đối chiếu các phương pháp hay nhất trên nền tảng CovidNews.
Thế giới nhộn nhịp ngoại giao địa phương Urban 20 (U20) đang thành lập một nhóm công tác đặc biệt về tài chính nhằm mục đích tìm cách dỡ bỏ các thách thức tài chính và sự phụ thuộc mà các TP sẽ phải trải qua trong quá trình phục hồi. Tại Liên minh châu Âu, một nhóm các TP đang vận động thông qua mạng lưới Eurocities để thúc đẩy nguồn đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong dài hạn. Tại Mỹ, Bloomberg Philanthropies đã hỗ trợ Tổng Liên đoàn các TP tạo ra “Bộ theo dõi hành động địa phương” và tổ chức các cuộc họp chuyên gia cấp cao với các thị trưởng mà sau đó bao gồm cả các đối tác toàn cầu. |
Ngoại giao địa phương giúp TP.HCM hồi sinh
. Trong trường hợp của TP.HCM thì ngoại giao địa phương đóng vai trò như thế nào, thưa ông?
+ Trước những áp lực về việc ứng phó với COVID-19, sự đa dạng của các mạng lưới và cơ hội, cũng như các giới hạn về nguồn lực và nhân viên, các TP đang bắt đầu thực hiện các bước để hợp lý hóa việc lựa chọn và tham gia các mạng lưới TP. Tôi nghĩ TP.HCM cũng không nằm ngoài xu thế đó bởi công tác đối ngoại gắn liền với các lợi ích sát sườn.
Nhìn lại năm 2021, TP.HCM đã tranh thủ mối quan hệ với các đối tác quốc tế để thúc đẩy vaccine, thuốc chữa trị, sinh phẩm y tế, kiến thức y tế, các mô hình điều trị, mô hình giải quyết vấn đề tâm lý cho người dân.
Đến năm 2022, mục tiêu của TP là thích ứng và phục hồi, như vậy các mục tiêu đối ngoại của TP cũng sẽ tương tự thế.
Hàng triệu liều vaccine của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… đã liên tục được trao tặng cho Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng với mong muốn sớm đẩy lùi được dịch bệnh. Trong ảnh: Người dân TP.HCM được tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG
. Có thể hình dung ngoại giao địa phương của TP.HCM có thể triển khai theo hướng nào?
+ Khi TP chống chọi với làn sóng dịch lần thứ tư vừa qua thì đó cũng là động lực để chính quyền TP đa dạng hóa và gia tăng số lượng đối tác cũng như các vấn đề cần hợp tác.
Ở cấp độ song phương, đối tác chính của chúng ta là từng TP trong khu vực như Đông Nam Á, Đông Á và mở rộng ra toàn cầu.
Về đa phương, TP có thể kết nối với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP)… Ngoài ra, phải nhấn mạnh thêm vai trò của các đối tác tư nhân quốc tế trong các chương trình nghị sự về đối ngoại của TP.HCM. Nhóm đối tác này gồm các tập đoàn quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các mạng lưới chuyên ngành - chuyên đề (được hình thành tự phát hoặc có tổ chức).
Những trọng tâm của năm 2022
. Trước các yêu cầu đặt ra của quá trình thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022, hoạt động ngoại giao địa phương của TP.HCM sẽ nhắm tới những mục tiêu cụ thể nào?
+ Trước hết, giai đoạn thích ứng của TP.HCM cần tiếp tục có vaccine, thuốc điều trị cũng như hạ tầng y tế, kinh nghiệm với biến chủng mới và diễn biến mới của đại dịch vốn vẫn còn phức tạp ở phạm vi toàn cầu. Công tác đối ngoại của TP vì thế cần nhắm đến khả năng tiếp cận nhanh các nguồn hỗ trợ vaccine và y tế có chất lượng, chi phí hợp lý.
Thứ hai, TP.HCM là địa phương tiên phong của cả nước mở cửa lại du lịch quốc tế, đường bay quốc tế. Vậy nên công tác đối ngoại vừa phải thông tin kịp thời đến bè bạn quốc tế về các chính sách mới, vừa xây dựng hình ảnh TP.HCM nói riêng và VN nói chung thích ứng an toàn trong giai đoạn tới, có các chính sách tương thích với mặt bằng chung của các nước.
Hoạt động đối ngoại của TP cũng cần nhắm tới việc huy động tối đa các nguồn lực của tất cả đối tác từ song phương đến đa phương, từ Nhà nước đến tư nhân quốc tế để thúc đẩy tiến trình phục hồi y tế, an sinh xã hội và khôi phục chuỗi giá trị sản xuất. Tôi xin lưu ý hai vấn đề đột phá và quan trọng của TP trong những năm sắp tới là kinh tế số và xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. Nhu cầu này của TP rất cần sự hợp tác của các đối tác, bạn bè quốc tế có tiềm lực, quyết tâm và để cùng chí hướng.
. Để thực hiện các mục tiêu trên thì TP cần tập trung những giải pháp nào?
+ Các định hướng đã có, quan trọng nhất bây giờ là tổ chức triển khai. Trọng tâm, trọng điểm là điều kiện cần vì chúng ta không thể thực hiện nhiều việc cùng một lúc khi nguồn lực hạn chế. Dựa trên các ưu tiên trong giai đoạn phục hồi, TP sẽ tập trung vào các hoạt động đối ngoại phù hợp và tương thích.
Điểm thứ hai là cơ chế đội đặc nhiệm (task forces) mà chúng tôi đã nhiều lần đề cập. Khi một vấn đề, một đề án, một dự án có liên quan đến nhiều ngành, nhiều khâu, nhiều đơn vị khác nhau thì cách làm hiện nay không phát huy hiệu quả, dễ làm “nản lòng” các đối tác quốc tế. Cơ chế tổ công tác “một cửa” gánh nhiệm vụ xử lý nhanh chóng các việc ưu tiên đặt ra với các đối tác, đo lường bằng những chỉ số định lượng kết quả cụ thể.
Thứ ba là bài toán tận dụng nguồn lực từ các mạng lưới TP đang hiện hữu; trong đó cả kênh ngoại giao chính thức lẫn các kênh từ các cộng đồng khoa học, văn hóa, nhân sĩ tri thức khác nhau. Kiến thức, nguồn nhân lực và phương thức tiếp cận nguồn tài chính là mục tiêu mà đối ngoại địa phương thông qua việc tham gia các mạng lưới này nhắm tới. Cần cụ thể trong kế hoạch, những tổng thể trong chiến lược và cách tiếp cận!
. Xin cám ơn ông.
“Chỉ số” tình cảm của quốc tế dành cho TP.HCM và Việt Nam Doanh nghiệp Hàn Quốc trao tặng gần 6 tỉ đồng và trang thiết bị y tế. Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) tặng thiết bị bảo hộ, vật tư y tế được chuyển đến các bệnh viện dã chiến, trung tâm và trạm y tế, cùng nhiều chuyến xe nghĩa tình chở hàng trăm tấn rau củ và nhu yếu phẩm đến người dân TP.HCM ở các khu phong tỏa. Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) đã bàn giao cho TP.HCM bốn máy thở cao cấp, tám máy theo dõi bệnh nhân, 15 bơm tiêm điện trị giá 5,22 tỉ đồng. Hàng triệu liều vaccine của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Úc… đã liên tục được trao tặng cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam với mong muốn sớm đẩy lùi được dịch bệnh. Những sự hỗ trợ, giúp đỡ nói trên phần nào cho thấy “chỉ số” tình cảm, sự chia sẻ của các địa phương, tổ chức, cá nhân quốc tế dành cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. |