Năm 1943, Samuel Marshall, trong vai trò của một đại tá và một sử gia, cùng quân đội Mỹ đổ bộ lên một hòn đảo ở Thái Bình Dương để tìm cách chiếm lại đảo từ tay quân Nhật. Bất chấp sự áp đảo về mặt quân số, quân Nhật gần như đã chọc thủng phòng tuyến của quân Mỹ. Phỏng vấn các binh sĩ vào ngày hôm sau, Marshall đã có một phát hiện bất ngờ: hầu hết binh sĩ đều chưa hề nổ súng. Khi tiếp tục phỏng vấn nhóm binh sĩ ở chiến trường châu Âu, ông có được kết quả: trên thực tế chỉ có 15-25% binh sĩ từng nổ súng.
Trong cuốn sách "Mens Against Fire" (tạm dịch: Những người chống nổ súng) xuất bản năm 1946, cho đến tận bây giờ vẫn được đọc tại các học viện quân sự, Marshall nhấn mạnh: "một cá nhân khỏe mạnh và bình thường… có một sự phản kháng không nhận thấy từ bên trong, họ sẽ không lựa chọn việc giết hại đồng loại, sẽ không làm theo ý chí của mình mà tước đoạt mạng sống của người khác".
Điều này cũng được khẳng định bởi nhiều sĩ quan, tướng tá khác. Trung tá Lionel Wigram than phiền trong chiến dịch 1943 ở Sicily rằng, ông ấy không thể trông chờ vào quá ¼ binh sĩ của mình. Thượng tướng Bernard Montgomery cũng viết một bức thư về nhà với nội dung: "Rắc rối với các chàng trai Anh của chúng ta là, về bản chất họ không phải là những kẻ sát nhân."
Hàng loạt các nghiên cứu khảo sát về các cuộc chiến khác tại Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha cũng cho ra một kết quả: phần lớn các binh sĩ được phỏng vấn đều cho biết họ chưa bao giờ giết hại ai cả. Phần lớn những người lính bị tử vong hoặc bị thương đều do tai nạn.
Thông qua nghiên cứu này cùng hàng loạt các câu chuyện thật sự về sự lụi tàn của đảo Phục Sinh, thí nghiệm nhà giam dưới tầng hầm Đại học Stanford, thí nghiệm máy sốc điện của Stanley Milgram… tác giả cuốn sách "Nhân loại – Một lịch sử tràn đầy hi vọng" Rutger Bregman đã chứng minh cho độc giả thấy rằng: quan điểm cho rằng bản chất con người vốn ích kỷ, xấu xa là hoàn toàn sai lầm. Thay vào đó, con người là những sinh vật phức tạp, có cả mặt chưa tốt lẫn mặt tốt. Và sâu thẳm trong phần lớn nhân loại là sự tử tế, thiện lương; những đức tính này dù bị nghi ngờ vẫn được thể hiện rõ ràng khi các cộng đồng phải đối mặt với biến cố lớn trong xã hội như các thiên tai, hỏa hoạn…
Câu hỏi đặt ra là có thể trả lời như thế nào với những thảm sát vẫn còn hằn dấu trong các trang sử của nhân loại, mà gần đây và được nhắc nhiều nhất là thảm họa diệt chủng người Do Thái do phát xít Đức gây ra? Điều gì đã khiến những người lính Đức vẫn chiến đấu ngoan cường đến những thời khắc cuối cùng của Thế chiến thứ hai?
Thực tế, không phải để cho độc giả đặt ra câu hỏi, với tư cách là một nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm, Bregman thậm chí còn dành hẳn phần 3 của cuốn sách gồm 3 chương để đưa ra các ví dụ và chứng minh các lý do làm tha hóa sự tử tế của con người. Theo ông các nguyên do bao gồm: sự thấu cảm che mờ lý trí của những người lính Đức, sự biến thái về nhân cách của những người đứng đầu như Adolf Hitler. Ngoài ra họ đã bị ép sử dụng tới 35 triệu viên methamphetamine, ma túy đá gây ra tình trạng bạo lực hung hăng. "Một khi được truyền cảm hứng bởi tình bằng hữu và những kẻ biến thái, có thế lực, sách động; con người sẽ làm những việc kinh khủng nhất với nhau".
Thậm chí sự khai sáng cũng góp phần tạo ra hậu quả đó. Các sử gia đã chỉ ra rằng nếu thời kỳ Khai sáng cho chúng ta sự bình đẳng thì đồng thời cũng tạo ra sự phân biệt chủng tộc. Và sau này cuộc tàn sát người Do Thái đã diễn ra ở nơi từng là cái nôi của thời kỳ Khai sáng.
Bregman không phủ nhận thành công của thời kỳ Khai sáng. Ông thậm chí còn đánh giá rất cao những thành tựu mà thời kỳ này mang lại cho nhân loại: tạo ra Chủ nghĩa Tư bản, nền dân trị và pháp trị; giúp thế giới trở nên giàu có, an toàn hơn nhiều trước kia. Điều ông muốn nhấn mạnh là mặt tối của Chủ nghĩa tư bản được tạo ra dựa trên những quan điểm tiêu cực về bản chất con người. Và trong vài thế kỷ qua, Chủ nghĩa Tư bản đã tạo cơ hội cho những kẻ rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể nắm quyền lực và tạo ra các thảm họa hay rối loạn, một xã hội không coi trọng con người…
Vấn đề mà Bregman đặt ra là: Liệu mọi thứ có thể trở nên khác đi không nếu các thiết chế xã hội vận hành trên quan điểm tích cực về bản chất tốt đẹp của con người?
Trong phần còn lại của cuốn sách "Nhân loại – Một lịch sử tràn đầy hi vọng", tác giả Bregman đưa ra nhiều câu chuyện thành công trong quản lý giáo dục dựa trên sự tin tưởng vào con người như: câu chuyện về thành công của Buurtzorg – tổ chức chăm sóc sức khỏe có 14.000 nhân viên cực kỳ thành công tại Hà Lan với lối quản lý trao quyền hoàn toàn cho các đội nhóm. Trường tư thục dành cho các học sinh cá biệt Agora tại miền Nam Hà Lan, nơi cho phép học sinh nhiều lứa tuổi tự vạch ra lộ trình học tập của mình cũng như kết bạn, hợp tác với nhau như xã hội ngoài đời thực dưới sự hỗ trợ của các giáo viên được coi như các huấn luyện viên… Sự thành công của hơn 100 thành phố tại Brazil khi cho phép công dân được quyền đóng góp, quyết định một phần ngân sách đầu tư… Cách đối xử dựa trên sự tử tế với tù nhân ở nhà tù Halden, Na Uy giúp tỷ lệ tái phạm thấp hơn 50% so với các cơ sở truyền thống và chi phí thấp hơn đáng kể… Bregman chứng minh hoàn toàn có thể xây dựng một nền dân chủ mới dựa trên sự tin tưởng vào thiện tính tốt đẹp của con người. Và ông cho rằng, nếu nhân loại muốn giải quyết những thách thức lớn của thời đại – biến đổi khí hậu, mất niềm tin nơi con người, chuyển sang một kiểu xã hội khác – chúng ta buộc phải làm như vậy.
Bregman viết: "Tương tự như hiệu ứng phản dược, nếu chúng ta tin rằng: mọi người không đáng tin, thì chúng ta sẽ dùng chính cách đó đối xử với người khác, thậm chí còn gây tổn thương cho tất cả mọi người. Và ngược lại. Một vài ý tưởng có sức mạnh định hình thế giới… vì cuối cùng bạn sẽ nhận được điều đúng như những gì bạn kỳ vọng."
Khó có thể kể hết những lời khen tặng dành cho cuốn sách "Nhân loại – Một lịch sử tràn đầy hi vọng". Thậm chí ngay cả các nhà sử học và tư tưởng hiện đại nghiêng về lý thuyết vỏ ngoài - cho rằng bản chất của con người là ích kỷ, xấu xa và điều này sẽ được lộ ra ngay sau những khiêu khích nhỏ nhất - như Frans de Waal, Yuval Noah Harari… cũng cho rằng cuốn sách khiến họ phải nhìn lại thiện tính của con người ở góc độ khác, đồng thời lạc quan hơn về tương lai của nhân loại.
"Nhân loại - Một lịch sử tràn đầy hi vọng" nằm trong danh sách sách bán chạy nhất của New York Times, nằm trong danh sách 50 cuốn sách phi hư cấu xuất sắc nhất năm 2020 của tờ Washington Post, và lọt vào danh sách đề cử của Giải thưởng Andrew Carnegie năm 2021. Cuốn sách đã được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
Bregman là nhà sử học và nhà văn nổi tiếng ở Hà Lan. Ông đồng thời là tác giả của cuốn sách bán chạy trước đó là "Utopia – Hành trình xây dựng xã hội với tầm nhìn xa" đã được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ khác nhau.
Hà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị