Quang cảnh phiên họp toàn thể Hội nghị ngoại giao lần thứ 31 vào ngày 18-12 - Ảnh: TTXVN
Hội nghị có sự tham gia của trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài (đại sứ, tổng lãnh sự) và nhận được sự chỉ đạo của các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, và Chính phủ.
Trả lời báo chí chiều 18-12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết hội nghị đã nhất trí thông qua nghị quyết và chương trình hành động trong thời gian tới.
Theo đó, ngành ngoại giao tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả, trên tinh thần "ngoại giao tâm công, từ trái tim đến trái tim", "tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển", như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo.
Bộ Ngoại giao cũng nhất trí triển khai hiệu quả chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương.
Nghị quyết và chương trình hành động cũng nhấn mạnh nội dung "Kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; thúc đẩy luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình".
Bên cạnh đó, ngành ngoại giao cũng quyết tâm nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ. Tiếp tục đẩy mạnh tham mưu về các biện pháp phòng chống dịch, mở cửa đi lại, phục hồi kinh tế; thu hút các dự án hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước. Sớm nghiên cứu, triển khai các hướng đi mới, cách làm mới như ngoại giao số, ngoại giao về biến đổi khí hậu...
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan trưng bày sách, báo, tạp chí về các hoạt động ngoại giao của Việt Nam - Ảnh: TTXVN
Các nội dung khác đáng chú ý trong nghị quyết và chương trình hành động:
- Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức triển khai ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại, góp phần xây dựng sức mạnh mềm của đất nước.
- Hoàn thiện các cơ chế, chính sách để triển khai kịp thời, hiệu quả công tác bảo hộ công dân; đẩy mạnh toàn diện công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngoại giao với đối ngoại đảng, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội.
- Đẩy mạnh xây dựng lực lượng cán bộ ngoại giao toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức và trí tuệ, hiện đại, chuyên nghiệp. Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ; xây dựng "hệ thống chính trị trong ngành ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, hiện đại" như chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư.
- Tăng cường nghiên cứu, dự báo chiến lược trong tình hình mới như phòng chống dịch, phục hồi kinh tế, phát triển bền vững, ứng xử trước các chuyển biến chiến lược của môi trường quốc tế và khu vực.
TTO - Ngoại giao cần phải 'tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, hiệu quả và cùng phát triển', Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 31 ở Hà Nội ngày 15-12.