Chiều ngày 19/12, tại Hà Nội, Sở Du lịch Bình Định và Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức hội nghị kết nối du lịch Hà Nội – Bình Định trong bối cảnh mới.
Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết: Với mong muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là điểm đến không thể thiếu của du lịch Nam Trung bộ, trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hấp dẫn; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá và thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia đầu tư phát triển du lịch; quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách và dần khẳng định thương hiệu Bình Định là điểm đến an toàn - trải nghiệm hấp dẫn. Năm 2019, du lịch Bình Định đạt tăng trưởng cao với số lượng khách đạt hơn 4,8 triệu lượt.
“Để thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, Sở Du lịch Bình Định ban hành kế hoạch phục hồi các hoạt động du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2022 du khách đến Bình Định đạt 70%, cuối năm 2023 đạt 100% so với lượng khách du lịch đến tỉnh Bình Định vào năm 2019 trong điều kiện không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thiên tai”, ông Trần Văn Thanh cho biết.
Trong khi đó, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Trong thời gian qua, các chuyến bay kết nối Hà Nội – Bình Định đã được triển khai, nhưng tâm lý khách đi du lịch còn e dè. Do đó, doanh nghiệp du lịch và đơn vị quản lý du lịch cần “phá băng” tâm lý e dè này. Để làm được việc đó, ngành du lịch Bình Định cập nhật thường xuyên danh sách điểm đến an toàn, tuyến du lịch an toàn.
“Để thu hút khách đến Bình Định, sau hội nghị, hai sở du lịch và các doanh nghiệp có thể triển khai các đoàn famtrip để có thể giới thiệu sản phẩm du lịch cụ thể với 4 tiêu chí: Khách an toàn – điểm đến an toàn – doanh nghiệp an toàn – lộ trình an toàn. Đồng thời, cả 2 sở đẩy mạnh quảng bá, truyền thông”, bà Đặng Hương Giang cho biết.
Phát biểu tại sự kiện, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho biết: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phát động chương trình du lịch nội địa an toàn, linh hoạt. Mục đích của chương trình là phục hồi hoạt động du lịch theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến nội địa, đồng thời giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn, bảo đảm an toàn phòng chống dịch, khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn. Do đó, giai đoạn này, các đơn vị du lịch đẩy mạnh truyền thông để biết đến điểm đến an toàn; các doanh nghiệp tái cơ cấu để tạo ra sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thay đổi của khách.
Kiến nghị đón kiều bào về Việt Nam theo chương trình du lịch
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa kiến nghị Chính phủ cho phép người Việt sống ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam, người Việt có thẻ xanh Mỹ, thẻ thường trú tại một số quốc gia được tham gia chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế.
Kiến nghị được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đưa ra trong báo cáo sơ kết triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mà bộ này vừa gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, để tiếp tục triển khai việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế đảm bảo an toàn, hiệu quả, Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét khôi phục chế độ miễn thị thực dưới 15 ngày đối với du khách từ một số thị trường theo chính sách đã có trước khi Việt Nam đóng cửa vào tháng 3/2020.
Kiến nghị thứ hai là cho phép triển khai sớm giai đoạn 2 của chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, bắt đầu từ ngày 15/12.
Ba là cho phép người Việt Nam học tập, sinh sống ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam, người Việt Nam có thẻ xanh Mỹ, thẻ thường trú tại một số quốc gia tham gia chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế, bởi đây là nhóm đối tượng khách du lịch đang có nhu cầu về Việt Nam trong dịp Tết dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán.
Thứ tư là kiến nghị cho phép đón khách qua đường biển, đường bộ và các chuyến bay quốc tế thường lệ. Hiện nay, chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đang được áp dụng thông qua các chuyến bay thuê bao.
Nhưng theo đánh giá của một số địa phương và doanh nghiệp, việc đón khách du lịch quốc tế bằng đường biển rất có tiềm năng. Hiện đã có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tái khôi phục hoạt động du lịch đường biển.
Bộ cũng kiến nghị cho phép khai thác khách du lịch outbound đối với các thị trường cho phép đón khách du lịch Việt Nam, đồng thời cần nhanh chóng đàm phán để các nước công nhận hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam. Hiện nay các trường hợp là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam khi ra nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn khi chỉ có một số nước tuyên bố chấp nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam.
Thêm một kiến nghị nữa được bộ đưa ra là bổ sung các địa phương tham gia đón khách du lịch quốc tế trong giai đoạn 2 gồm Bình Định, Tp.HCM theo đề xuất của hai địa phương này.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, quyền hạn tiếp tục triển khai công tác phối hợp mở cửa thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Hương Anh (tổng hợp)