Sau một tuần TP.HCM thí điểm cho học sinh (HS) lớp 9 và lớp 12 học trực tiếp tại trường, dù Sở Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời phương án kiểm soát dịch COVID-19 trong trường học nhưng quá trình thực hiện và áp dụng thực tế, các trường học còn gặp lúng túng khi xử lý.
Đại diện một trường THPT cho biết trường chưa phát hiện F0 trong quá trình tổ chức dạy học nhưng có hai em khi về nhà được phát hiện dương tính.
Theo hướng dẫn của Sở Y tế, trường hợp phát hiện HS nhiễm COVID-19 tại nhà, cơ sở giáo dục thực hiện quy trình từ bước 3 gồm tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ HS, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng test nhanh.
Tuy nhiên, theo đại diện trường này, sự việc xảy ra vào buổi tối, hầu hết phụ huynh quan tâm đến sức khỏe con em nên đã tự thực hiện test cho con, kết quả âm tính nên hôm sau các em vẫn được cho đến trường bình thường. Vị này đặt giả thuyết nếu HS được phát hiện dương tính vào ngày nghỉ như tối thứ Sáu trong khi thứ Bảy, Chủ nhật được nghỉ học thì việc yêu cầu các em đến trường để thực hiện test sẽ gây nhiều bất tiện và khó khả thi.
Thêm vào đó, trường lo công tác chuyên môn giáo dục nên việc thực hiện xét nghiệm cần hỗ trợ từ y tế địa phương, từ đó trường băn khoăn về lâu dài lực lượng này có hỗ trợ được không vì các trạm y tế có khá nhiều việc phải quán xuyến. Vị này đề xuất đối với các trường hợp F1, phụ huynh có thể tự test cho con và trường hợp nào không tự test được thì nhờ cơ sở y tế hỗ trợ.
Cũng theo vị này, cần sớm có hướng dẫn cụ thể về nguồn chi ngân sách thực hiện phòng chống dịch này. Vì thời gian qua, trường chủ yếu vận động nguồn lực để trang bị các trang thiết bị phòng dịch như xà phòng, khẩu trang, bình ôxy, máy đo SpO2 , kit test nhanh...
Ngoài ra, theo hướng dẫn, với người lao động tại cơ sở giáo dục, F1 được xác định là người tiếp xúc gần với F0 ở khoảng cách dưới 2 m và trong thời gian trên 15 phút, bao gồm HS các lớp do giáo viên là F0 trực tiếp giảng dạy. Hiện trường xác định nếu có F0 trong lớp học thì các em được tính là F1 vì khó biết được các em có tuân thủ khoảng cách và giao lưu tiếp xúc với nhau ra sao. Như vậy, chưa có sự thống nhất đối tượng F1 để thực hiện test cho chính xác, việc gom test hết liệu có cần thiết và lãng phí hay không, cần hướng dẫn rõ thêm.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề trên, BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết cơ quan này sẽ ghi nhận các điểm vướng mắc trong quá trình áp dụng hướng dẫn phương án kiểm soát dịch COVID-19 trong trường học và sẽ có điều chỉnh phù hợp. BS Lê Hồng Nga cũng lưu ý khi có ca F0 xuất hiện trong trường học, các trường phải báo cáo với trung tâm y tế để cùng phối hợp xử lý.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các trường cũng có thể trao đổi với HCDC để được hướng dẫn. Về các trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện khi về nhà rơi vào ngày nghỉ, HCDC ghi nhận và sẽ có điều chỉnh.
Học sinh lớp 9 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trong ngày đầu học trực tiếp. Ảnh: TT
Chủ động ngăn chặn mầm bệnh từ xa
Khi HS đi học trực tiếp, việc phát sinh những ca nhiễm trong trường học là điều khó tránh khỏi khi số ca F0 ngoài cộng đồng đang ngày một tăng. Tuy nhiên, để ứng phó, nhiều trường cũng chủ động có những giải pháp để ngăn chặn nguồn lây từ sớm cũng như lên phương án hỗ trợ học tập cho HS trong các tình huống cần thiết.
Như Trường THCS Lạc Hồng (quận 10) đã trải qua tuần đầu tiên giảng dạy trực tiếp cho HS lớp 9 khá suôn sẻ, công tác phòng chống dịch được triển khai nghiêm ngặt.
Ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng trường, cho biết trường có 245 em lớp 9 với bảy lớp nên công tác phòng dịch khá thuận lợi, không có ca nhiễm tại trường cũng như ở nhà. Tuy nhiên, do số ca nhiễm ở quận 10 tăng nên quận này vừa chuyển sang vùng cam (cấp độ 3). Do đó từ tuần này, việc đi học của HS trong quận cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Ông Phát cho hay vì quy định với vùng cam, HS không được học quá 18 tiết/tuần nên trường sẽ bố trí cho HS học trực tiếp ở trường sáu môn chính là văn, toán, tiếng Anh, vật lý, hóa, sinh. Còn lại các em sẽ học trực tuyến như trước đây.
Theo ông Phát, biện pháp quan trọng nhất của trường là thực hiện nghiêm 5K dù có xuất hiện ca nhiễm hay không. “Em nào có biểu hiện ho, sốt sẽ được nghỉ học đến khi khỏi, cho dù có thể không phải vì nhiễm COVID-19. Những em nào khi ở nhà phát hiện F0 sẽ thực hiện khai báo với y tế địa phương để thực hiện cách ly, đồng thời chỉ cần báo với trường để được hỗ trợ cách thức học tập phù hợp. Còn những em F1 vẫn đi học bình thường” - ông Phát chia sẻ.
Còn tại Trường THPT Nguyễn Du, Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú cho biết trong tuần, trường có 15-21 em nghỉ học vì thuộc diện F1. Tuy nhiên, có năm giáo viên thuộc diện F1 và phải nghỉ tại nhà theo quy định nên làm xáo trộn khá nhiều thời khóa biểu của trường.
Đặc biệt, theo ông Phú, trường chủ động triển khai dự án Lớp học xanh để tầm soát dịch từ xa và được phụ huynh, HS ủng hộ. Cụ thể, 20 giờ mỗi ngày, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh tương tác với nhau để nắm bắt sức khỏe từng gia đình và sớm có hướng xử lý. Riêng 20 giờ Chủ nhật, phụ huynh đồng loạt test nhanh cho HS để khởi đầu tuần học mới an toàn.
“Em nào là F0 cứ khai báo và thực hiện cách ly theo y tế địa phương, trường chỉ thông báo đến lớp có F0 để bạn nào có tiếp xúc gần cần thận trọng hơn thôi. Với những em phải nghỉ, HS trong lớp sẽ cùng chia sẻ bài với nhau, bài giảng được đưa lên trang web của trường, trao đổi bài với giáo viên… để không ảnh hưởng việc học” - ông Phú nói.
Một quận tăng cấp độ dịch Theo thông báo khẩn từ UBND TP.HCM, tại TP.HCM có 10/22 địa phương cấp quận/huyện đạt cấp độ 1 (vùng xanh - nguy cơ thấp), gồm các quận 3, 6, 7, 8, Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi và Hóc Môn. Có 11/22 địa phương ở cấp độ 2 (vùng vàng - nguy cơ trung bình) gồm các quận 1, 4, 5, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, huyện Nhà Bè, TP Thủ Đức. Riêng quận 10 là địa phương duy nhất tăng từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 (vùng cam - nguy cơ cao). Theo quy định, việc dạy và học ở các trường học thuộc vùng cam thực hiện trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. |