Xuất hiện trong quảng cáo của chủ đầu tư nhiều năm qua nhưng 2021 là năm đầu tiên mà lợi thế giao thông của các dự án dọc theo tuyến đường sắt đô thị (metro) được hiện thực hóa. Đầu tháng 11, tuyến tàu điện Cát Linh – Hà Đông của Hà Nội sau 10 năm thi công.
Dù chỉ dài hơn 13 km nhưng dọc tuyến Cát Linh - Hà Đông, có hơn 100 dự án bất động sản đã và đang được phát triển. Khảo sát của Colliers Việt Nam cho thấy nhiều dự án bị "lãng quên" dọc theo tuyến metro này cũng đang thu hút được sự quan tâm trở lại sau khi điện vận hành.
Trong khi đó, tại TP HCM, tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên lỡ hẹn. Dù vậy, nó cũng đã tạo ra một làn sóng đầu tư bất động sản bao quanh, từ nhà ở đến các trung tâm thương mại. Thống kê cho thấy dọc tuyến metro số 1 có hơn 30 dự án "ăn theo".
Giá mở bán các dự án tại những quận có tuyến metro này đi qua trong giai đoạn 2012 - 2016 tăng khoảng 150 - 200% so với các khu vực khác. Đến nay, những dự án hiện hữu nằm dọc theo tuyến cũng tăng từ 15 - 50% so với giá bán ban đầu.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong 5 năm tới, sẽ khởi công xây mới 67 dự án giao thông quan trọng, trong đó ưu tiên vốn ngân sách nhà nước để đầu tư nhiều tuyến đường bộ cao tốc. Trong số này, 6 dự án quan trọng quốc gia, gồm: cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; vành đai 4 Hà Nội; vành đai 3 TP HCM; dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Với trọng tâm tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải trình Quốc hội đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, chiều dài khoảng 729 km, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Về giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, lũy kế tới hết tháng 11, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân được 31.869 tỷ đồng, đạt 73% vốn kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước giải ngân được trên 28.800 tỷ đồng, tương đương 75% kế hoạch, và gần 3.000 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 62% kế hoạch.
Cuối tháng 3, sáu bản quy hoạch bao trùm bốn quận nội đô lịch sử gồm: Quận Hoàn Kiếm H1-1 (A,B,C); quận Ba Đình H1-2; quận Đống Đa H1-3; quận Hai Bà Trưng H1-4 đã được ký quyết định phê duyệt.
Phạm vi ranh giới từ Vành đai 2 tới hữu ngạn sông Hồng. Diện tích lập quy hoạch là gần 2.710 ha, dân số đến năm 2030 và 2050 là 672.000 người (dân số hiện nay hơn 887.000 người).
Quyết định trên là cơ sở pháp lý để xác định các dự án đầu tư xây dựng và triển khai tổ chức lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị khu vực phổ cổ, phố cũ và làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển bền vững Thủ đô. Tuy nhiên, bản vẽ sáu quy hoạch này chưa được bàn giao cho bốn quận làm căn cứ triển khai trong thực tiễn.
Trải qua làn sóng dịch Covid-19 tại Việt Nam, đặc biệt là ở đợt dịch thứ 4, nhiều địa phương lớn như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương… phải thực hiện giãn cách kéo dài. Diễn biến này khiến số lượng bất động sản tồn kho, chưa giao dịch trong quý III tăng.
Trong khi đó, hầu hết dự án phát triển bất động sản trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng không thể triển khai.
Nguồn cung hiện có trên thị trường bất động sản đa phần là hàng tồn từ các quý trước. Theo Hiệp hội môi giới bất động sản, lượng cung trong quý III cũng như dự án mới rất hạn chế, ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Theo Bộ Xây dựng, bất động sản công nghiệp vốn là phân khúc tiềm năng của thị trường, do Việt Nam đang dần trở thành "bến đỗ" của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Hoạt động kinh doanh bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì được ổn định bất chấp dịch bệnh về cả giá thuê, tỷ lệ lấp đầy.
Tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các tỉnh, thành phố công nghiệp chính miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng...) đạt khoảng 80%. Nếu tính thêm tỉnh lân cận (Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang) tỷ lệ lấp đầy đạt 69%.
Phân khúc bất động sản kho lạnh đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Giá cho thuê của thị trường kho lạnh liên tục tăng trong 2 năm qua.
Theo báo cáo mới nhất về chuỗi cung ứng lạnh của Savills, sự bùng nổ của thương mại điện tử trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy nhu cầu thuê kho lạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, do phân khúc này khá kén chọn khách hàng nên nguồn cung khá ít vì thế hiện tại không đáp ứng kịp nguồn cầu nên dẫn đến hiện tượng tăng giá.
Tháng 11, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất Chính phủ cho sửa đổi Luật kinh doanh bất động sản 2014 vì một số quy định luật mang tính nguyên tắc, chưa rõ ràng.
Qua 6 năm triển khai thực hiện, Luật đã phát sinh một số vướng mắc, tồn tại hạn chế về kinh doanh nhà, công trình xây dựng có sẵn; về kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai; về kinh doanh quyền sử dụng đất, về chuyển nhượng dự án bất động sản…
Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung quy định bắt buộc chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản; sửa đổi, bổ sung quy định thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Luật sửa đổi cũng bổ sung quy định làm rõ, cụ thể về yêu cầu đối với chủ đầu tư và đối với dự án nhà ở khi bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở có sẵn. Bộ cũng định hướng bổ sung quy định cụ thể về yêu cầu đối với chủ đầu tư và đối với dự án bất động sản khi kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, sau năm 2020, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng "ảm đạm", cả năm mới tiêu thụ chỉ được khoảng 120 sản phẩm. Năm 2021, sức cầu chung của thị trường tiếp tục thấp. Trừ một số dự án bản chất là nhà ở nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch - nghỉ dưỡng có tỷ lệ hấp thụ khoảng 30-40%, các dự án còn lại, có giao dịch nhưng không đáng kể.
Ngoài tác động của dịch bệnh, những vướng mắc về pháp lý chưa thực sự được tháo gỡ khiến thị trường bất động sản du lịch thiếu sức hút đầu tư.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ còn khó khăn, sẽ có những doanh nghiệp không còn tiếp tục duy trì được khi dịch bệnh kéo dài. Trong khi đó, tình trạng nhà đầu tư chuyển nhượng để cắt lỗ đang ngày càng lan rộng.
Tại Đà Nẵng, trung tâm về du lịch của miền Trung, hàng loạt khách sạn đã rao bán vì không chịu nổi áp lực của dịch Covid-19. Phần lớn các khách sạn đều đóng cửa hoặc chỉ mở để duy trì hoạt động. Trên các web bất động sản, nhiều tin rao bán khách sạn được đăng liên tục.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, nhiều nhà hàng, khách sạn rao bán tại Đà Nẵng là quy luật thị trường và đó là thực tế khi các cơ sở không duy trì được hoạt động.
Trong năm 2021, nhiều địa phương diễn ra những cơn sốt đất khi có thông tin về dự án của doanh nghiệp lớn và quy hoạc được phê duyệt. Đơn cử, tại phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, Quảng Trị, sau khi công ty con Vingroup đấu giá thành công một lô đất tại dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Nam Đông Hà, giá đất khu lần cận được chào tăng 2-3 lần.
Tại huyện Cam Lâm, Khánh Hòa, giá đất có một thời gian cũng tăng nhanh sau khi có thông tin Vingroup về đầu tư. Tình trạng này sau đó được kiểm soát khi cơ quan chức năng vào cuộc.
Tại tỉnh Bắc Giang, các phiên đấu giá đất được tổ chức liên tiếp, nhà đầu tư từ các nơi ùn ùn đổ về, tranh nhau mua khiến giá chênh lệch lớn so với giá khởi điểm ban đầu. Hay tại Hà Nội ở nhiều huyện ngoại thành giá đất cũng tăng chóng mặt, nhất là ở khu vực Quốc Oai, Ba Vì…
Thực tế tình trạng này đã diễn ra từ năm trước tại một số nơi khác như tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi các nhà phát triển bất động sản đề xuất thực hiện 2 dự án hay tại Thạch Thất, Hà Nội.
Hà Nội sẽ xây dựng mới 10 cây cầu qua sông Hồng và 4 cây cầu qua sông Đuống, theo Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
10 cây cầu lớn vượt sông Hồng gồm: Cầu Việt Trì - Ba Vì; cầu Vân Phúc kết nối huyện Phúc Thọ (Hà Nội) với huyện Vân Phúc (Vĩnh Phúc); cầu Hồng Hà; cầu Thượng Cát; cầu Tứ Liên; cầu-hầm Trần Hưng Đạo; cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2); cầu Ngọc Hồi sẽ nối huyện Thanh Trì với xã Văn Đức của huyện Gia Lâm, giáp thị trấn Văn Giang (Hưng Yên); Cầu Mễ Sở kết nối huyện Thường Tín với huyện Văn Giang (Hưng Yên) và cầu Phú Xuyên.
Cầu Trần Hưng Đạo đang trong quá trình lên phương án triển khai. Hà Nội đang tổ chức cuộc thi về kiến trúc của cầu. Cầu dự kiến được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng.
Theo phương án đề xuất, cầu Trần Hưng Đạo sẽ đi qua địa bàn các quận: Hoàn Kiếm (phường Phan Chu Trinh, Chương Dương Độ); Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng) và Long Biên (phường Long Biên, Bồ Đề, Gia Thụy) với tổng chiều dài toàn bộ tuyến khoảng 5,5 km.
Quang Anh, Lê Hải
NDH
Xem thêm: nhc.85753730102211202-hcaoh-yuq-gnat-ah-na-uad-1202-nas-gnod-tab/nv.zibefac