Tăng miệt mài từ đầu năm và lần lượt chinh phục các nền giá mới, nhóm cổ phiếu bất động sản tuần giao dịch vừa qua tiếp tục dậy sóng. Trong đó, sự vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm với mức giá cao ngất ngưỡng lên đến 2,4 tỷ đồng/m2 đang phả thêm hơi nóng vào nhóm này, kéo loạt mã bật tăng mạnh mẽ trở lại.
Cần nhấn mạnh, nhóm ngành này theo giới quan sát đã ở nền giá khá cao sau con sóng đầu năm (liên quan đến kế hoạch tăng vốn, mở rộng quỹ đất của doanh nghiệp). Theo đó, những cảnh báo về kỹ thuật lần lượt được đưa ra. Chiến lược đầu tư cổ phiếu bất động sản giai đoạn này các chuyên gia khuyến nghị là chờ tín hiệu vượt đỉnh rõ ràng của các cổ phiếu này ra khỏi vùng kháng cự hoặc tìm kiếm cổ phiếu vừa thoát khỏi vùng kháng cự gần đây.
Trong buổi chia sẻ mới đây, ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích Mirae Asset đưa ra quan điểm tích cực về nhóm bất động sản. "Nhóm cổ phiếu bất động sản là điểm sáng năm 2021 vì tăng liên tục, nhưng tiềm năng còn nhiều", ông nói.
Dù rằng, có một rủi ro nhãn tiền từ Trung Quốc là Tập đoàn Evergrande phá sản, khiến thị trường Việt Nam dấy lên lo ngại. Tuy nhiên, theo ông Minh câu chuyện ở nước ta lại khác hoàn toàn. Minh chứng là khi rà soát lại sức khoẻ tài chính các tập đoàn bất động sản lớn Việt Nam thì thấy thậm chí còn tốt hơn năm 2020, nên không thể so sánh việc yếu về năng lực trả nợ của Evergrande tại Trung Quốc với các doanh nghiệp Việt Nam.
Nói về bất động sản, có hai chỉ số cần lưu ý là hiệu quả hoạt động và quay vòng hàng tồn kho. Trong đó, đặc biệt hàng tồn, nếu hàng tồn kho quay được tức bán được, và công ty bất động sản có "mệt" thì chỉ "mệt" nhất là khi hàng tồn không quay được. Và yếu tố này chưa đáng lo ngại trong bối cảnh hiện nay.
Theo Mirae Asset, một số mã lớn trong nhóm bất động sản (như NVL đã tăng 129%; PDR tăng 123%) và Xây dựng cơ bản (DIG tăng 218%; GEX tăng 173%) nói chung được hưởng lợi trong môi trường lãi suất thấp. Thêm vào đó, môi trường pháp lý có nhiều chuyển biến tích cực, cũng như việc cải cách giúp tăng tốc các quy trình phê duyệt pháp lý là một trong những nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành.
Đáng chú ý, những cổ phiếu tăng giá mạnh trong ngành gắn với những câu chuyện tăng trưởng riêng, liên quan đến tiềm năng quỹ đất tích lũy, sức hấp thụ của các dự án, cũng như kế hoạch phát triển mở rộng hoạt động tham vọng trong tương lai.
Chưa kể, TTCK nói chung trong năm 2022 theo chuyên gia sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, động lực chính là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tăng kéo EPS tăng. Dựa trên dữ liệu thống kê mức P/E quá khứ, Mirae Asset nhận thấy mức P/E phù hợp với thị trường dao động trong khoảng 15 đến 17 lần. Với mức dự phóng EPS tăng trưởng kép giai đoạn 2020 - 2022 khoảng 29%/năm (thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường là 30%/năm) và mức P/E khoảng 16 lần, Mirae Asset dự phóng VN-Index năm 2022 khoảng 1.700 điểm trong kịch bản cơ sở, tăng 15% so với mức đóng cửa cuối tháng 11/2021.
Các động lực thúc đẩy thị trường gồm:
(1) Sự lạc quan của nhà đầu tư về khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, các gói hỗ trợ tài khóa, tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp;
(2) Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, kỳ vọng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư sẽ tiếp tục chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán, và thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục dồi dào;
(3) Mặt bằng lãi suất ngân hàng thấp giúp kích thích tăng trưởng thông qua kích thích đầu tư, khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn;
(4) Thoái vốn nhà nước được thúc đẩy;
(5) Triển vọng được nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi và các cải cách nhằm thỏa mãn các tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi, giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Chiều ngược lại, rủi ro lớn nhất hiện tại là nguy cơ bùng phát dịch ngoài tầm kiểm soát, cũng như sự phát triển của các biến chủng Covid-19 mới gây ra tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, với tầm nhìn tăng giá dài hạn, chuyên gia cho rằng các nhịp điều chỉnh sâu của thị trường là cơ hội mua tích lũy các cổ phiếu tốt./.
Xem thêm: lmth.34980000042210202-gnan-meit-ueihn-noc-nas-gnod-tab-ueihp-oc-mohn/nv.semitaer