Các doanh nghiệp cần những gói hỗ trợ cấp bách và đủ liều lượng - Ảnh: NGỌC HIỂN
Các gói hỗ trợ mà Chính phủ, Quốc hội đã ban hành trong thời gian qua đã chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân trước hệ lụy của dịch bệnh. Tuy nhiên, trước bối cảnh làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đẩy các doanh nghiệp đến bên bờ vực phá sản, đòi hỏi phải có những gói mới lớn hơn, quy mô hơn.
Nhìn một cách rộng hơn, gói hỗ trợ này không chỉ để cứu doanh nghiệp mà con mang ý nghĩa tiếp sức cho doanh nghiệp để cạnh tranh với các doanh nghiệp, nền kinh tế trong khu vực khi sự dịch chuyển đơn hàng, dịch chuyển dòng vốn đầu tư có xu hướng sôi động hơn sau những các sóng dịch bệnh.
So với nhiều quốc gia trên thế giới, quy mô gói hỗ trợ của Việt Nam có khá khiêm tốn, chỉ tương đương 4% GDP.
Trong khi đó, các nước phát triển như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản đều có gói hỗ trợ quy mô chừng 16% GDP, còn các nước có thu nhập trung bình cao trong khu vực như Thái Lan cũng có gói trên 15% GDP.
Dẫu việc xây dựng gói hỗ trợ và quy mô gói của mỗi quốc gia phụ thuộc nhiều yếu tố đặc thù và tiềm lực của nền kinh tế đó, song khi Việt Nam có những dư địa khi có thể nới trần nợ công, chấp nhận tăng bội chi ngân sách thì có gói hỗ trợ đủ "liều" hơn cũng cần được thực thi.
Có như thế, dòng tài chính sẽ đổ vào nền kinh tế, kích thích cả cung lẫn cầu, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, chi tiêu nhiều hơn giúp nền kinh tế vực dậy sau giai đoạn khủng hoảng.
Cũng vì vậy, đặt vấn đề tại Talkshow, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng Chính phủ cần sớm trình Quốc hội gói hỗ trợ mới với quy mô đủ lớn, đúng đối tượng và cần có thêm gói cấp bù lãi suất, khôi phục quỹ bảo lãnh tín dụng để "cứu" những doanh nghiệp không còn tài sản, những doanh nghiệp SME…
Các chuyên gia cùng trao đổi tại Talkshow "Phác đồ hồi phục" vào ngày 14-12 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trong khi đó, ở góc nhìn của doanh nghiệp trực tiếp sản xuất và cũng là đối tượng thụ hưởng các gói chính sách này, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã kỳ vọng gói hỗ trợ mới này phải thực sự sát sườn, là "tiền tươi thóc thật" để doanh nghiệp có được một "cú hích".
Đây là thời điểm các doanh nghiệp rất cần dòng vốn để đầu tư cho 2022 như chuẩn bị nguyên liệu, đầu tư máy móc hoặc tuyển dụng nhân sự nên rất cần trợ lực về dòng tiền cho những doanh nghiệp thực sự cần.
Nói như phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM Trần Việt Anh, gói mới về tài chính này phải có "đích đến" là những doanh nghiệp đã có kế hoạch 2022 khả thi, hoặc ít ra họ cũng nỗ lực trong 2021 với những kế hoạch rõ ràng nhưng vì dịch nên tạm ngưng.
Điều này có nghĩa sự hỗ trợ này sẽ "tiếp sức" cho những doanh nghiệp thực sự cố gắng, giúp cho doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn, thu hút đơn hàng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn và quan trọng là sử dụng lao động, chăm lo cho an sinh người lao động tốt hơn.
Ở khía cạnh khác, việc giảm thuế VAT cần mở rộng đối tượng, không nên chỉ gói gọn trong những doanh nghiệp dịch vụ mà cần nới ra cho các doanh nghiệp sản xuất.
Thuế VAT là thuế gián thu nên càng giảm, giá thành đến tay người tiêu dùng càng thấp, kích thích người dân mua sắm nhiều hơn, thúc đẩy cả chuỗi cung ứng từ sản xuất - vận tải - phân phối… tăng tốc. Nếu thế cả người dân lẫn doanh nghiệp đều được lợi và về lâu dài nhà nước cũng chưa hẳn thiệt mà còn thu được nhiều hơn.
Chính vì thế, doanh nhân Nguyễn Đặng Hiến đã đặt vấn đề cần có lộ trình giảm VAT 50% trong 6 tháng, 30% trong 6 tháng tiếp theo, sau đó hạ xuống và nên giảm chung cho tất cả các ngành bởi đây là chuyện "thả con tép bắt con tôm".
Thực tế không ít doanh nghiệp hiện đã nỗ lực để giữ sinh mệnh công ty, trước khi chờ các chính sách thì các doanh nghiệp "tự lực cánh sinh" để tồn tại, do đó gói hỗ trợ cần chọn đúng "điểm rơi" để đến tay doanh nghiệp đúng lúc, đúng đối tượng và có tác động thực sự.
Đồng thời, gói hỗ trợ cũng sẽ giảm dần bởi khi gói trước đủ lớn, đủ tạo nên "cú hích" thì doanh nghiệp sẽ sớm vực dậy, sớm tạo công ăn việc làm thì sẽ tạo thu nhập tốt cho người lao động và gia đình của họ, giảm gánh nặng an sinh từ nhà nước.
Để thảo luận cùng các chuyên gia, đưa ra các giải pháp cho những vấn đề trong quá trình phục hồi nền kinh tế, Báo Tuổi Trẻ tổ chức chuỗi Talkshow trực tuyến với chủ đề "Phác đồ hồi phục".
Sau tập phát sóng đầu tiên với chủ đề chủ đề "Liệu trình cho kinh tế Việt Nam" và tập 2 với chủ đề "Vaccine Kinh Tế: Giải bài toán nguồn lao động", Báo Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục phát sóng các tập tiếp theo với những vấn đề sát sườn với doanh nghiệp.
Các chương trình sẽ phát sóng trực tiếp trên các nền tảng online của Tuổi Trẻ, bao gồm Tuổi Trẻ Online, Truyền hình Báo Tuổi Trẻ, Fanpage và Youtube Báo Tuổi Trẻ.
Chương trình do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty CP Acecook Việt Nam thực hiện.
TTO - 'Liệu trình cho kinh tế Việt Nam' sẽ thảo luận các vấn đề về chính sách, nguồn vốn, gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ để phục hồi, tạo cú hích cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Chương trình được trực tiếp trên tất cả các nền tảng của báo Tuổi Trẻ.
Xem thêm: mth.61855705102211202-cus-peit-nac-peihgn-hnaod-gnud-av-hcab-pac-iahp-peihgn-hnaod-ort-oh/nv.ertiout