Cầu vượt sập ở Trung Quốc là cầu gì?
Mới đây, Trung Quốc chấn động vì vụ cầu vượt sập khiến 4 người chết và 8 người bị thương.
Vụ sập cầu xảy ra vào khoảng 15h30 tại thành phố Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Các bức ảnh đăng tải cho thấy cầu vượt sập nghiêng hẳn sang một bên. Được biết, đoạn cầu vượt này nằm trên tuyến giữa tuyến cao tốc Vũ Hán - Hoàng Thạch và tuyến cao tốc Đại Khánh - Quảng Châu.
Được biết, cầu vượt này là cầu Hoa Hồ tại nút giao A và D, dài 731,08 mét, được hoàn thành và thông xe vào ngày 28/9/2010. Cầu vượt này là một phần của tuyến đường cao tốc dài 1.900 km nối Thượng Hải với Trùng Khánh - trung tâm công nghiệp lớn phía tây Trung Quốc.
Một góc khác của cầu vượt sập ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Mặt cầu rộng 13 mét. Giá đỡ sử dụng gối cao su kiểu lòng chảo và các khe co giãn sử dụng tấm thép giãn nở hình răng lược. Kết cấu bên trên là dầm hộp thép và dầm hộp liên tục, kết cấu bên dưới là trụ đôi và trụ đơn, tải trọng thiết kế đường cao tốc cấp 1 là 55 tấn.
Theo Tân Hoa Xã, đơn vị thi công dự án chế tạo và gia công dầm hộp thép của cầu nối Hoa Hồ nút giao A và D là công ty cầu đường cao tốc Hồ Bắc Ngạc Đông Trường Giang (tạm gọi tắt là Công ty Cầu Ngạc Đông).
Một quan chức giao thông Trung Quốc giấu tên cho hay cây cầu không được trùng tu hay sửa chữa vào thời điểm xảy ra sự cố và một trụ của cầu có thể đã bị nghiêng khi chịu tải trọng quá lớn.
Vụ sập cầu ở Trung Quốc xảy ra như thế nào?
Theo các báo cáo sơ bộ, khả năng rất cao vụ sập cầu vượt ở Trung Quốc liên quan tới chiếc xe tải nặng 198 tấn đi lên cầu. Dưới góc độ chuyên ngành, việc quá tải chắc chắn là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tai nạn lật cầu vượt Hoa Hồ. Phóng viên Tân Hõa Xã cho rằng, trong thời gian qua, các vụ lật, sập cầu cạn cao tốc ở Trung Quốc đã nhiều lần xảy ra mà nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn đều do chở quá tải.
Người phụ trách Công ty Cầu Ngạc Đông phản hồi, cho biết cầu vượt cao tốc vốn chỉ có tải trọng 49 tấn, như vậy không thể chịu được xe tải 198 tấn. Người phụ trách cho biết vào tháng 11/2020, Công ty Cầu Ngạc Đông đã gia cố đoạn đường nối theo yêu cầu, và dữ liệu kiểm tra liên quan cho thấy đoạn đường nối không có vấn đề gì về chất lượng. Vì vậy, công ty đơn phương cho rằng nguyên nhân vụ tai nạn là do xe tải chở quá tải trọng, còn việc này có chính xác hay không thì còn phải điều tra thêm.
Về nguyên nhân dẫn đến vụ lật cầu vượt Hoa Hồ, nhân viên nói trên cho biết: "Đoạn xảy ra sự cố là cầu 'một chân' (tức là cầu một trụ). Nếu xe nặng đi sang một phía (thay vì đi vào giữa), cầu sẽ lật sang một bên".
Về việc tại sao xe tải quá tải trọng được đi lên cầu vượt cao tốc, các bên liên quan chưa rõ chiếc xe này đã xin giấy phép như thế nào.
Các vụ tai nạn cầu vượt tương tự đã xảy ra ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Ví dụ, vụ tai nạn cầu vượt Vô Tích xảy ra hồi năm 2019 cũng thảm họa không kém. Phân tích nguyên nhân vụ tai nạn chỉ ra rằng xe đầu kéo sơ-mi rơ-moóc chở quá tải nghiêm trọng khiến cầu lật. Trước đó, vụ tai nạn cầu cạn Qunli ở Cáp Nhĩ Tân ngày 24/8/2012 cũng có nguyên nhân tương tự.
Tại sao không xây cầu vượt hai trụ mà xây cầu một trụ?
Ngoài việc quá tải, theo quan điểm của chuyên gia Trung Quốc trong ngành, kết cấu trụ cầu đơn cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn. Liên quan đến vụ lật cầu vượt cao tốc Hồ Bắc, theo Tân Hoa xã, người có liên quan phụ trách Đội cảnh sát đường cao tốc thuộc Sở Công an tỉnh Hồ Bắc cho biết, cầu vượt trong vụ việc là cầu một trụ, được xây dựng quy mô nhỏ trên cầu.
Một chuyên gia xây dựng Trung Quốc tên Li Lin cho biết, theo hình ảnh và video hiện trường, hai bên cầu xảy ra sự cố là trụ cầu đôi, nhưng ở giữa là trụ cầu đơn. So với trụ cầu đôi, trụ cầu đơn giống như cầu bập bênh và nhìn chung có độ ổn định thấp hơn. Nếu tải trọng của xe tải lớn dồn về một phía, cộng với việc xe đang ở trên đường dốc, lực ly tâm sẽ sinh ra khi đường cong chuyển động và sẽ dễ bị lật hơn.
Xu Xiangyu, một người khác trong ngành xây dựng Trung Quốc, phân tích rằng trong những năm gần đây, các cầu trụ một trụ từng nhiều lần chứng kiến các vụ tai nạn lật xe. Nhiều cây cầu một trụ được xây dựng từ những ngày đầu đang được gia cố hoặc tu sửa. Việc gia cố đoạn đường nối năm ngoái cũng có thể là do nguyên nhân này.
Tại sao trụ đơn không bền bằng trụ đôi mà vẫn được sử dụng nhiều trong các công trình kỹ thuật ở Trung Quốc? Theo chuyên gia Li Lin, so với kết cấu trụ đôi, kết cấu trụ một trụ chiếm ít đất hơn và chi phí thấp hơn. Cũng có quan điểm cho rằng cầu trụ một trụ thường được sử dụng trong các cầu đường nối ở các nút giao, có tầm nhìn rõ hơn về đường bên dưới.
Làm thế nào để ngăn chặn các vụ tai nạn tương tự?
Ông Li Lin cho rằng, về mặt quản lý đường bộ, Trung Quốc cần tăng cường quản lý xe quá tải, làm mọi cách để hạn chế xe quá tải trên cầu đường bộ; ngoài ra, trong thời gian tới, bên thiết kế và thi công cần tăng cường nghiên cứu phòng tránh những trường hợp và điều kiện khắc nghiệt trong quá trình sử dụng cầu vượt.
Theo Tất Đạt
Doanh nghiệp và Tiếp thị