Ngày 20-12, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, cho biết trong tuần qua tỉnh ghi nhận 172 ca tử vong do COVID-19, tăng 33 ca so với tuần trước đó.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số ca tử vong tăng là do thiếu thuốc điều trị COVID-19. Cạnh đó, số bệnh nhân nặng tăng nhanh trong khi các cơ sở điều trị thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị máy móc hồi sức cấp cứu, thiếu oxy. Việc phải cấp quá nhiều các loại giấy tờ liên quan đến F0 cách ly tại nhà khiến cho nhân viên y tế tuyến cơ sở quá tải, không có thời gian để chăm sóc, theo dõi F0 tại nhà.
Nhiên tiên Y tế test nhanh COVID-19 cho người dân ở TP Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh: VŨ HỘI
Trước tình trạng bệnh nhân tử vong do COVID-19 tăng cao, bí thư Thành ủy Biên Hòa Võ Văn Chánh cho biết còn có một số trường hợp tử vong do chưa được chuyển tuyến kịp thời vì cơ sở điều trị tầng 3 quá tải.
Vì vậy, ông Chánh kiến nghị thành lập Bệnh viện dã chiến tại Trường cao đẳng nghề số 8 để thành phố thu dung, điều trị những bệnh nhân COVID-19 mức độ trung bình, nặng mà chưa thể chuyển lên các bệnh viện tuyến trên.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị Sở Y tế có báo cáo, đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn sát với thực tế, dự báo diễn biến khi có biến chủng mới để tập trung đối phó. Rà soát vấn đề nhân lực để có sự điều chuyển hợp lý, phân bổ thuốc kháng virus công khai, minh bạch; tổng hợp những trang thiết bị, máy móc nào thiếu, cần thiết để đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo mua sắm.
Kết luận tại cuộc họp, Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường nhấn mạnh, số ca tử vong do COVID-19 trong tuần tăng cao đặt trong tình trạng đáng báo động, không thể chủ quan. Trung bình mỗi ngày có 25 ca tử vong do COVID-19 là mất mát quá lớn. Tính mạng con người là quan trọng, ngành y tế phải tập trung điều trị để cứu bệnh nhân, phân tích kỹ nguyên nhân để khắc phục, giảm ngay tỉ lệ tử vong.
Về vấn đề thiếu nhân lực, thiếu thuốc phục vụ điều trị, đề nghị Sở Y tế chủ động, linh hoạt tính toán bằng nhiều cách, sử dụng nhiều kênh để tác động có thêm nhân lực, thuốc đáp ứng công tác điều trị, không chỉ bị động ngồi trông chờ Bộ Y tế cấp.
Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường đặc biệt lưu ý Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở GD&ĐT kiểm tra lại toàn bộ hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế, thiết bị giáo dục với các công ty cung cấp các thiết bị giáo dục, y tế vừa qua xem đã ký những hợp đồng nào, thanh toán bao nhiêu tiền, đánh giá xem liệu có sơ suất, tiêu cực gì không...
Riêng việc hợp tác với Công ty Việt Á đề nghị kiểm tra lại ngay, nếu có sơ suất phải kịp thời báo cáo lãnh đạo tỉnh.