vĐồng tin tức tài chính 365

Khối tài sản khủng vụ thổi giá kit test COVID-19 được kê biên thế nào?

2021-12-21 07:58

Liên quan đến vụ nâng giá kit test COVID-19, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm trị giá trên 320 tỉ đồng, 100.000 USD, 28 bất động sản...

Như Lao Động đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố 7 bị can trong đó có Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á, Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Cùng với đó, cơ quan điều tra đã kê biên, phong toả số tài sản lớn trên.

Nếu bị can và vợ cùng đứng tên tài sản, kê biên thế nào?

Theo luật sư Nguyễn Minh Long - Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), việc cơ quan điều tra phong toả, ngăn chặn, kê biên số tài sản lớn trên đúng quy định pháp luật.

Tại Điều 126, Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 về "Các biện pháp cưỡng chế" quy định, để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản.

Điều 128. Kê biên tài sản, chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại...

Cũng tại Điều 129 của Bộ Luật này về "Phong tỏa tài khoản" quy định, chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng, số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.

Như vậy, theo ông Long, nếu cơ quan điều tra chứng minh được tài khoản đó do bị can đứng tên thì có thể phong toả.

Ngoài ra, khi bị can đứng tên đồng sở hữu với người thân, bạn bè về tài sản (tiền, bất động sản...) thì cơ quan công an chỉ kê biên phần người vi phạm pháp luật có.

Luật sư ví dụ: Nếu cả bị can và vợ (hoặc chồng) sở hữu bất động sản thì cơ quan vẫn tiến hành kê biên, song khi ra toà, toà sẽ xem xét.

Trước ý kiến, số tiền thiệt hại ban đầu của vụ nâng khống giá kit test COVID-19 là 30 tỉ đồng, việc kê biên, phong toả số tài sản (tiền, bất động sản) trị giá hàng trăm tỉ trên, cơ quan điều tra có cần phải làm rõ nguồn gốc, luật sư Long cho biết, không cần điều tra chứng minh nguồn gốc vì luật không bắt buộc.

Theo luật sư, dù nguồn gốc số tài sản của các bị can có từ đâu thì khi bị can/bị cáo có hành vi vi phạm pháp luật hình sự gây thiệt hại cho nhà nước thì phải dùng tài sản của mình để sung công quỹ, bồi thường thiệt hại vì những tổn thất mình gây ra.

Mặt khác, việc giải quyết với số tài sản trên, Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 cũng quy định cụ thể tại Mục 1 Thi hành khoản tịch thu sung quỹ Nhà nước, tiêu huỷ tài sản, hoàn trả tiền, tài sản kê biên, tạm giữ trong bản án, quyết định hình sự.

Theo đó, Công an/Tòa án chuyển giao vật chứng, tài sản tạm giữ kèm theo bản án, quyết định của Tòa cho cơ quan thi hành án dân sự (Điều 122). Cơ quan thi hành án dân sự tiếp nhận vật chứng, tài sản tạm giữ (Điều 123)...

Khi có phán quyết của toà án về việc khắc phục hậu quả, số tiền phải bồi thường, thì các khoản còn lại có trả cho bị can, bị cáo?

Trước ý kiến trên, theo luật sư Long, luật quy định “Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại.

"Vì vậy, số tiền còn lại vẫn thuộc về bị can, bị cáo theo Điều 129 Luật Thi hành án dân sự" - ông Long cho hay.

Luật sư nhìn nhận, qua một số vụ án kinh tế, tham nhũng (như vụ Đinh La Thăng, Vũ Nhôm, Nguyễn Đức Chung...), công tác kê biên đã được thực hiện tuân theo quy định pháp luật.

Việc cơ quan điều tra xác minh tài sản và áp dụng kịp thời các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế lớn là rất cần thiết để đảm bảo thi hành án.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ tài sản do phạm tội mà có, những vật chứng của vụ án để kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật nhằm làm sáng tỏ vụ án, đồng thời đảm bảo cho việc thi hành án khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, trong vụ án nêu trên, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự nên có quyền áp dụng các biện pháp để phong tỏa tài sản phải đảm bảo thi hành án. Trong đó, biện pháp kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản, thu giữ vật chứng vụ án là có căn cứ và đúng pháp luật, để đảm bảo việc thi hành án trong các vụ án về chức vụ, kinh tế, tham nhũng.

Xem thêm: odl.995689-oan-eht-neib-ek-coud-91-divoc-tset-tik-aig-ioht-uv-gnuhk-nas-iat-iohk/taul-pahp/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khối tài sản khủng vụ thổi giá kit test COVID-19 được kê biên thế nào?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools